Thương mại điện tử phát triển cũng kéo theo nhiều ngành nghề dịch vụ nở rộ. Thậm chí, một số lĩnh vực đậm tính truyền thống cũng buộc phải thay đổi. Ví dụ logistics có sự đột phá trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp nắm bắt cơ hội để thay đổi. Giáo dục, giải trí online, lượng tiêu thụ content trực tuyến tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội để nổi lên rất nhanh.
COVID-19 đem đến thách thức lớn nhưng nếu nắm bắt được, doanh nghiệp, quốc gia có thể thực hiện số hoá, tiến lên 4.0 nhanh hơn.
Chia sẻ về xu hướng này, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab cho biết công ty nhận thấy việc xuất khẩu, tiêu thụ nông sản bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn tới ngành nông nghiệp và người nông dân.
CEO Grab Nguyễn Thái Hải Vân
Nền tảng của Grab hoạt động trên hệ sinh thái đa dạng, với người tiêu dùng cuối cùng, đến người bán lẻ lớn, tham gia kinh doanh trên nền tảng Grab và nhiều nền tảng khác, cửa hàng offline, hệ thống nhà hàng, quán cà phê có nhu cầu sử dụng nông sản lớn.
Đây là thế mạnh giúp Grab có thể kết nối với địa phương, hộ nông dân giúp tạo đầu ra cho nông sản Việt Nam. Sản phẩm đầu tiên được “giải cứu” là vải thiều Lục Ngạn. Quy trình thu mua nhanh chóng, giao nhanh ngay ngày hôm sau giúp quả vải tươi. “Chúng tôi làm việc với hệ thống nhà hàng, đẩy mạnh thực đơn để tiêu thụ vải nhiều hơn ví dụ có thêm trà vải, tráng miệng bằng vải…”, bà Vân nói.
Các đối tác bán lẻ, cửa hàng chuyên bán nông sản, đơn vị phân phối nông sản cho khu phố cũng tham gia mạnh mẽ. Cả guồng máy tập trung để đẩy mạnh, quảng bá cho loại nông sản đang tiêu thụ giai đoạn đó.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân chia sẻ: “Nền tảng của chúng tôi có thể hướng tới người nông dân tiếp cận người mua hàng cuối cùng, chỉ cần 1 điện thoại thông minh, kết nối Grab Connect. Ngoài ra, mọi người cũng cảm thấy rất vui và háo hức vì chỉ cần 1 tiếng để trainning, có thể tự mở 1 cửa hàng ảo, điều khiển 1 cửa hàng này”.
Bà Vân phân tích thêm: “Với các tài xế Grab, do nhu cầu đi lại giảm, thu nhập đi xuống. Nhưng nhu cầu mua sắm tại nhà, đặc biệt với hàng nông sản, tài xế có thêm cuốc xe và cải thiện nguồn thu nhập đáng kể. Trong khi đó, nhà hàng, chuỗi tiêu thụ có nguồn nông sản sạch, tiếp cận trực tiếp với người nông dân, vừa có sự ủng hộ của cơ quan quản lý Nhà nước”.
Thực tế triển khai gặp nhiều khó khăn khi người nông dân vốn quen với việc tiếp thương lái, chỉ cần bán sản phẩm và thu tiền, nay bắt đầu phải biết về quy cách đóng gói, sử dụng điện thoại. Tuy vậy trong thời gian ngắn, mọi người chuyển đổi rất nhanh.
Mô hình kinh doanh, phân phối vải thiều thay đổi mạnh trong đại dịch
Chiến dịch của Grab dài hơn 3 năm với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh hợp tác xã Việt Nam để kết nối người nông dân với người tiêu thụ qua công nghệ. “Đây là cơ hội tốt để giáo dục cho người nông dân, thực hiện chuyển đổi số, thay đổi mô hình kinh doanh sau này”, bà Hải Vân kết luận.
CEO của Grab đưa thêm minh chứng công nghệ có thể thay đổi nhanh chóng cách thức kinh doanh. Trong thời dịch, TP. Thủ Đức là vùng đỏ, người dân chỉ tiếp xúc với lương thực qua lực lượng chức năng và tình nguyện viên. Việc giao hàng cần tiếp xúc với bút, giấy. Công ty nhanh chóng đưa thêm tính năng để việc giao nhận không cần dùng giấy bút. Sau vài giờ, Grab nhận 10.000 đơn đặt hàng, shipper chỉ việc giao đi, người nhận chỉ mang hàng về.
Việt Nam có tiềm năng lớn về thương mại điện tử
Trong khi đó, Nguyễn Đắc Việt Dũng - CEO Sendo cũng khẳng định đại dịch là cơ hội để số hoá nền thương mại bằng thương mại điện tử. Trong đó, Sendo hỗ trợ chuyển đổi số để xúc tiến thương mại cho các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ thông qua 2 chương trình gian hàng Việt trực tuyến và nông nghiệp số. Nhờ đó, Sendo giúp tối ưu hóa chi phí bán hàng của các doanh nghiệp so với kênh truyền thống đến 30%, hỗ trợ miễn phí truyền thông số cho doanh nghiệp lần đầu kinh doanh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ AI để tối ưu doanh số.
Theo ông Dũng, tại Đông Nam Á, thương mại điện tử là ngành có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong kinh tế số của khu vực. Thương mại điện tử cũng có mức tăng trưởng 62%, cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự thay đổi hành vi người tiêu dùng trong bối cảnh mới.
Tại Việt Nam, sự thay đổi còn cao hơn khu vực với tỷ lệ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2021 là 68%.
Các nông sản Việt lên sàn Sendo
COVID-19 làm thay đổi đáng kể nền thương mại vì sự chuyển đổi từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến với thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, trong đó hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. 44% người mua sắm lần đầu qua Internet, 84% người mua chấp nhận thanh toán không tiền mặt.
“Tuy nhiên, 17% thương hiệu trong nước bán tốt trong top sản phẩm bán chạy trên kênh thương mại điện tử, cho thấy sự chậm chân của doanh nghiệp trong nước”, CEO Sendo phân tích.
Ông Dũng khẳng định Sendo là đơn vị hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt trên bản đồ thương mại điện tử: “Nhiều thương hiệu Việt chưa thực sự được biết đến nhiều nhưng trở nên nổi tiếng hơn khi lên sàn như Miến Vương, Vua Gạo, Domilk…”.
Sendo cũng giúp nhiều nông sản Việt thực hiện việc thay đổi mô hình kinh doanh, phân phối trong đại dịch. Các sản phẩm như vải Lục Ngạn Bắc Giang, rau củ Hải Dương và Đà Lạt, bưởi Bến Tre, dưa lưới Bình Phước, hồng giòn Đà Lạt… được “khơi thông dòng chảy”, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng cuối cùng nhờ thương mại điện tử.