Khoảng 9h30, vệ tinh NanoDragon tiếp cận bầu trời Việt Nam. Vệ tinh được thiết kế với nhiệm vụ theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Vệ tinh NanoDragon dự kiến hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.
Trước đó, theo thông tin gửi về từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, lịch phóng dự kiến của tên lửa Epsilon số 5 được ấn định 9h48 sáng 8/11. Tuy nhiên sau đó, thời gian vệ tinh được phóng điều chỉnh lên 9h55, để phù hợp với với quỹ đạo di chuyển của các thiết bị vệ tinh khác trên môi trường vũ trụ.
Vệ tinh được phóng bởi tên lửa Epsilon 5 tại bãi phóng Uchinoura
NanoDragon là vệ tinh “Make in Vietnam”, sản phẩm của nhóm nhà khoa học thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu, phát triển.
Chia sẻ với báo chí tại bãi phóng Uchinoura, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho biết ông xúc động khi tận mắt chứng kiến giây phút tên lửa Epsilon số 5 từ trạm phóng Uchinoura bắt đầu khởi động mang theo vệ tinh NanoDragon bay vào không gian vũ trụ. Mọi người rất vui và phấn khởi với thành tựu của các cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học Việt Nam, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo thành công vệ tinh NanoDragon.
“Trên bầu trời sẽ xuất hiện thêm 1 ngôi sao NanoDragon, ngôi sao Việt Nam do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam xây dựng lên. Ngôi sao đó sẽ chiếu sáng trên bầu trời Việt Nam. Đó là hình ảnh của tương lai, của nền công nghiệp vũ trụ Việt Nam”, Đại sứ Vũ Hồng Nam chia sẻ.
Vệ tinh NanoDragon được đưa lên bệ phóng và dự kiến phóng lên quỹ đạo vào các ngày 1/10, 7/10 và 7/11/2021. Tuy vậy, do điều kiện thời tiết tại bãi phóng Uchinoura không thuận lợi, việc phóng vệ tinh phải tạm hoãn để đảm bảo an toàn.
Những vệ tinh được phóng cùng tên lửa Epsilon 5
Vệ tinh này nặng khoảng 4kg với kích thước 3U (100 x 100 x 340,5 mm). NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
NanoDragon được thiết kế hoạt động tối thiểu 6 tháng trong quỹ đạo, nhưng theo tính toán của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vệ tinh này có thể hoạt động đến 2 năm.