Tuy nhiên công nghệ truyền dẫn dữ liệu đã được hai dự án kể trên của Google nghiên cứu đang được giữ lại để ứng dụng trong một dự án khác mang tên Project Taara. Công nghệ đó viết tắt là FSOC (Free Space Optical Communications), ban đầu được tạo ra để những vệ tinh liên lạc với nhau trong quá trình vận hành cung cấp dịch vụ internet. Công nghệ dẫn truyền dữ liệu quang học không dây này hiện đang được ứng dụng để tạo ra đường truyền internet băng thông rộng phục vụ người dân ở châu Phi.
Công nghệ “cáp quang nhưng không có cáp” này có thể tạo ra đường truyền với băng thông lên tới hơn 20 Gbps nếu điểm đầu và điểm cuối có thể kết nối với nhau mà không có vật cản. Vài năm trước, Project Taara đã được thử nghiệm tại bang Andhra Pradesh, Ấn Độ và Kenya. Ở thời điểm hiện tại, dịch vụ này đang được thử nghiệm để kết nối Brazzavile, Cộng hòa Congo với Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo.
Trưởng dự án Taara, Baris Erkmen cho biết, trong vòng 20 ngày, tuyến truyền dẫn dữ liệu của họ đã truyền được gần 700 TB dữ liệu, góp một phần lớn băng thông trong quá trình vận hành của nhà mạng hợp tác với Project Taara, Econet cùng những công ty con của họ. Các kỹ sư thừa nhận, họ chọn Congo để thử nghiệm công nghệ truyền dữ liệu không dây băng thông rộng là vì khí hậu và thời tiết. Trời quang mây tạnh ít vật cản sẽ giúp công nghệ này vận hành tốt hơn so với những thành phố lúc nào cũng mờ sương như San Francisco chẳng hạn.
Tính ra theo đường chim bay, Brazzaville chỉ cách Kinshasa có vài km, nhưng nếu muốn làm tuyến cáp quang nối liền hai thành phố, sẽ cần tới gần 400km cáp, và vì thế giải pháp của Project Taara rẻ hơn cáp quang tới 5 lần để người dân được tiếp cận mạng internet.
Các kỹ sư của dự án Taara cho biết, dù truyền dữ liệu không dây, nhưng người dùng không nhận ra khác biệt về mặt tốc độ kết nối. Họ cũng cho biết rằng cho đến thời điểm hiện tại, họ vẫn chưa phải đối mặt với sự cố thời tiết nào đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng tới tốc độ kết nối giữa hai đầu thiết bị truyền tín hiệu bằng laser. Thiết bị truyền dẫn thông tin đủ sức vượt qua nhiều trở ngại như sương mù, mưa nhỏ, chim chóc, nhờ vào khả năng tùy chỉnh cường độ tín hiệu laser cũng như tùy chỉnh sức mạnh theo dõi tín hiệu dữ liệu truyền bằng ánh sáng.
Thông qua những trạm thu phát sóng của Project Taara, tia laser với tiết diện to bằng cả một chiếc đũa đủ chính xác để đi đến trạm tiếp theo cách 10km, sai số chỉ có 5cm. Trạm tín hiệu có thể tự điều chỉnh góc nghiêng của tia laser +/-5 độ, và nếu gặp trục trặc, thiết bị sẽ tự điều chỉnh cho tới khi có kỹ sư xuống tận nơi sửa chữa.
Theo The Verge
internetthử nghiệmlasercáp quangtruyền tín hiệuproject taarainternet không dây