Đại dịch Covid-19 giúp vaccine mRNA trở nên đắt hàng. Ban đầu mRNA được công ty có trụ sở ở Đức nghiên cứu để phát triển loại vaccine chống lại các khối u ung thư. Từ cuối năm 2019, Ugur Sahin - CEO BioNTech quyết định áp dụng mRNA để sản xuất vaccine Covid-19.
mRNA đang giúp BioNTech trở thành nhà sản xuất thuốc hàng đầu thế giới. Doanh thu BioNTech năm 2021 được dự báo là 18,7 triệu USD. Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm đạt gần 4,7 tỷ USD, vượt xa con số 166,7 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Trụ sở của BioNTech ở Mainz, Đức
Với dự báo doanh số bán hàng hiện tại, BioNTech sẽ lọt vào bảng xếp hạng 20 tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới, cùng với các tên tuổi như Biogen, Teva Pharmaceutical và Novo Nordisk. Các công ty này có doanh số năm 2020 lần lượt là 13,44 tỷ, 16,66 tỷ và 20,24 tỷ USD.
Đối tác của BioNTech là Pfizer đứng thứ 8 trong danh sách vào năm ngoái với doanh thu năm 2020 là 41,9 tỷ USD. Trong khi đó, Pfizer gần đây nâng dự báo doanh thu năm 2021, vì vậy công ty sẽ tăng một vài bậc trên bảng xếp hạng năm nay.
Sean Marett, Giám đốc kinh doanh và thương mại tại BioNTech, cho biết các công ty đặt hàng hơn 1 tỷ liều vào năm 2022. Theo các thỏa thuận, châu Âu và Mỹ sẽ nhận được vaccine mới đối phó với các biến thể virus như chủng Delta.
Pfizer - BioNTech và Moderna (Mỹ) nhận tiền tài trợ nghiên cứu lên đến 8,3 tỷ USD từ chính phủ Đức và Mỹ để có thể sản xuất mỗi liều vaccine Covid-19 với giá chỉ 1,2 USD. Tuy nhiên, chương trình COVAX phải mua vaccine từ các công ty này với giá cao gấp ít nhất 5 lần.
Pfizer - BioNTech và Moderna ưu tiên bán hàng cho châu Âu và Mỹ với mức giá cao hơn. Tuy vậy, các công ty này cam kết “một số lượng đáng kể” sản lượng của năm 2021 sẽ được cung cấp cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Pfizer - BioNTech và Moderna sẽ cung cấp 2 tỷ liều cho các quốc gia này trong 18 tháng tới. Ngoài ra, Mỹ cũng đặt hàng 500 triệu liều để viện trợ cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Pfizer và BioNTech đặt mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều vaccine trong năm nay và 4 tỷ liều vào năm 2022.
Nhờ doanh thu và lợi nhuận đột biến, cổ phiếu của BioNTech cũng tăng mạnh. Hiện tại, cổ phiếu của BioNTech giao dịch ở mức 360 USD, tăng 410% trong vòng 12 tháng qua. Vốn hóa thị trường của công ty Đức chạm mốc 86,75 tỷ USD.
BioNTech đang phát triển nhiều loại dược phẩm miễn dịch bên cạnh vaccine Covid-19
Pfizer và BioNTech gần đây tiến vào thị trường châu Phi khi hợp tác với Biovac của Nam Phi để sản xuất và phân phối vaccine ra khắp châu lục này. Pfizer và BioNTech bắt đầu chuyển giao công nghệ, lắp đặt thiết bị sản xuất. Nhà máy mới sẽ có khả năng cung cấp 100 triệu liều thuốc. Công ty hy vọng thuốc do Biovac sản xuất sẽ bắt đầu được tung ra thị trường vào năm 2022.
Ông Sean Marett cho biết định hướng của BioNTech là trở thành 1 thế lực về “liệu pháp miễn dịch toàn cầu”. Công ty sản xuất vaccine mRNA hợp tác cùng Pfizer phòng bệnh cúm dự kiến sẽ được ra thị trường vào quý 3. BioNTech hy vọng thử nghiệm trên người vaccine sốt rét vào cuối năm sau. Công ty gần đây bắt đầu nghiên cứu giai đoạn 2 về vaccine ung thư dựa trên mRNA là BNT111 và BNT113.