Mặc dù mới “đổ bộ” vào Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn nhưng trò chơi Pokemon Go đã nhanh chóng khiến giới trẻ “gây nghiện”. Trên các diễn đàn, các mạng xã hội, người chơi đã không ngần ngại chia sẻ thành tích và những trải nghiệm thú vị đối với trò chơi đang tạo nên “cơn sốt” trên toàn thế giới này. Tuy nhiên, bên cạnh sự hấp dẫn mà Pokemon Go mang lại, các chuyên gia cũng đưa ra những cảnh báo rủi ro mà người chơi cần lưu ý.
Ngày 6-8, sau nhiều ngày mong mỏi chờ đợi, cuối cùng Pokemon Go-game mobile đình đám nhất của năm 2016 đã chính thức có mặt tại Việt Nam.
Với bản cài đặt nhẹ nhàng có dung lượng chỉ 58MB, giờ đây người chơi đã có thể dễ dàng tải game trên kho ứng dụng Apple Store và Google Play, trên điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS.
Để tham gia vào trò chơi, người chơi phải tải và cài đặt ứng dụng. Sau đó, người chơi kết nối mạng và bật GPS định vị để bắt đầu săn các loại quái vật Pokemon. Trò chơi sẽ nhanh chóng cập nhật bản đồ đúng với nơi người chơi đang sinh sống. Tùy thuộc địa điểm sống, người chơi sẽ tìm được những dòng Pokemon tương ứng.
Chính việc chia Pokemon theo từng khu vực, người chơi phải chịu khó đi bộ khắp nơi để tìm quái vật thuộc hệ khác nhau. Khi tìm thấy một Pokemon, hình ảnh quái vật đó sẽ xuất hiện trên màn hình điện thoại. Ứng dụng và thiết bị điện thoại thông báo rung hoặc đèn nhấp nháy để người chơi biết và bắt chúng.
Do Pokemon chia theo nhiều khu vực, trong một phạm vi rộng và người chơi phải liên tục di chuyển nên các khoảng không gian công cộng như công viên, vườn hoa và các khu vui chơi giải trí tập trung đang trở thành địa điểm lý tưởng cho các “tín đồ” của Pokemon Go.
Giới trẻ Hà Nội bắt Pokemon tại các vườn hoa, công viên. Ảnh: minh họa.
Tại Hà Nội, một số địa điểm đang được người chơi Pokemon Go tập trung nhiều thành từng nhóm là Royal City, vườn hoa Lý Thái Tổ, Nhà Hát Lớn, Công viên Nghĩa Đô, Công viên Lê Nin...
Em Bùi Minh Lý ở Xa La, Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Điểm khác biệt của trò chơi này với các game khác là người chơi không được ngồi ì một chỗ mà phải di chuyển liên tục để săn được nhiều quái vật. Chơi ở nhà rất khó vì mình không thể liên tục chạy sang nhà hàng xóm để bắt Pokemon. Do đó, người chơi buộc phải di chuyển ra những khu vực có không gian rộng để trải nghiệm. Như vậy, vừa đi săn Pokemon, mình vừa có thể đi bộ thể dục ở các khu vực gần nơi mình đang sinh sống và có thêm những người bạn mới”.
Anh Lê Đức, một chuyên gia về game online, hiện đang làm việc tại công ty VTC game cho biết: Nhờ có Pokemon Go mà mấy hôm nay bố con anh trở nên thân thiết, gắn bó với nhau hơn.
Thay vì mỗi người ôm một điện thoại ngồi một góc nhà, tối đến, bố con anh lại ra vườn hoa công viên ở gần nhà vừa săn Pokemon, vừa đi bộ thể dục và trò chuyện, coi như kết hợp được một công đôi việc.
Tuy nhiên, anh Đức cũng lưu ý, bên cạnh mặt tích cực và sự hấp dẫn mà các chú Pokemon mang lại, ứng dụng có thể khiến người chơi gặp những rủi ro nhất định như tai nạn hay bị cướp giật do phải di chuyển nhiều và dễ mất tập trung, nhất là vào ban đêm.
“Ngoài ra, việc lạm dụng game khiến người chơi bị kiểm soát quyền truy cập vào tài khoản Google. Khi đăng nhập bằng tài khoản Google vào Pokemon Go, trò chơi chỉ hiển thị cửa sổ mặc định. Người chơi không để ý và bấm lướt qua. Đây chính là kẽ hở để hacker xâm nhập và gửi, đọc e-mail, truy cập vào danh bạ, kiểm soát dữ liệu của người chơi trên Drive”- anh Đức khuyến cáo.
Theo các chuyên gia của công ty An ninh mạng Bkav, tại Việt Nam đã xuất hiện game giả mạo khiến smartphone của người dùng có thể bị tấn công.
Phân tích một số ứng dụng Pokemon Go giả mạo, Bkav cho biết loại mã độc này có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị Android của người dùng.
Mã độc có trong ứng dụng Pokemon Go giả mạo là DroidJack (thuộc loại RAT - Remote Access Tool), một trong những trojan nguy hiểm bậc nhất trên Android. Trojan này có nhiều tính năng độc hại như: Tự động cài ứng dụng bất kì theo yêu cầu của hacker lên điện thoại nạn nhân, bật camera, micro để quay phim, thu âm, ghi lại tất cả các cuộc gọi và tin nhắn của chủ nhân thiết bị… đồng thời gửi các thông tin đánh cắp được cho hacker.
Phân tích chi tiết mã độc chèn trong ứng dụng, ông Tạ Đức Thiện, chuyên gia của Bkav cho biết: “Kẻ xấu chỉ cần tải file cài đặt ứng dụng Pokemon Go từ nhà sản xuất về, chèn thêm mã độc vào file mã nguồn của phần mềm. Việc này khá đơn giản nhờ sử dụng các công cụ được cung cấp phổ biến trên mạng.
Phần mềm đã bị tiêm mã độc sau đó được tung lên Internet với tên giống hệt phần mềm 'xịn', và có thể hoạt động bình thường khi được tải về điện thoại. Do đó, người sử dụng không hề hay biết mình đã trở thành nạn nhân, ngay cả khi điện thoại đã bị kiểm soát từ xa'.
Để đảm bảo an toàn, Bkav khuyến cáo người dùng không nên tải về và sử dụng các ứng dụng Pokemon Go không rõ nguồn gốc, mà chỉ lựa chọn từ kho ứng dụng chính thống khi nhà sản xuất phát hành chính thức trên Apple Store và Google Play tại Việt Nam.
Đặc biệt, hiện Bkav đã cập nhật mẫu nhận diện mã độc trong ứng dụng Pokemon Go giả mạo vào Bkav Mobile Security, người dùng có thể tải phần mềm này về để kiểm tra điện thoại của mình.
Đi “săn” Pokemon, một phụ nữ bị cướp điện thoại
Lúc 22h20 ngày 8-8, Nguyễn Văn Hiếu (19 tuổi, quê quán Gia Lai, tạm trú quận 3) đi bộ từ phòng trọ ở quận 3 sang Công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1) tập thể dục.
Khi vào vườn hoa, Hiếu phát hiện chị Nguyễn Hoàng Ngọc Trâm (35 tuổi, ngụ quận 10) đang đi bộ mắt dán chặt vào điện thoại iPhone 6Plus để chơi game săn bắt Pokemon.
Hiếu áp sát và giật chiếc điện thoại trên tay nạn nhân rồi bỏ chạy về hướng đường Nguyễn Thị Minh Khai. Chị Trâm truy hô, anh Võ Thiện Thành (là bảo vệ Công viên Tao Đàn) lập tức đuổi theo.
Đến trước số 182A đường Nguyễn Thị Minh Khai phường 6, quận 3, anh Thành đuổi kịp và khống chế được Hiếu. Tại cơ quan Công an, Hiếu khai do thấy chị Trâm dán mắt vào điện thoại chơi trò chơi nên nảy lòng tham và gây ra vụ cướp trên.
M.Đức
Huyền Thanh