Công bố mới nhất của các nhà khoa học Đức đã chỉ ra rằng số lượng côn trùng đang bị suy giảm tới mức đáng báo động, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái cũng như cuộc sống của con người.
Các nhà nghiên cứu của Đức đã tiến hành nghiên cứu và điều tra các khu bảo tồn thiên nhiên trên toàn quốc. Họ sử dụng bẫy dính để thu thập côn trùng tại 63 khu bảo tồn thiên nhiên, sau đó đo sinh khối, ghi lại thay đổi theo thời gian. Qua đó nhận thấy rằng mức độ đa dạng sinh học trong khu bảo tồn thiên nhiên đang suy giảm một cách nghiêm trọng theo thời gian.
Kết quả mới nhất được công bố trên Plos One chỉ ra rằng trong 27 năm qua mức giảm trung bình là 76%, cao nhất đến 82% và thường thấp nhất là vào giai đoạn hè. Nếu tính trong vòng 30 năm trở lại đây mức giảm đã lên đến 80%.
Biểu đồ cho thấy sự suy giảm đáng báo động của côn trùng. Nguồn: blogger
Phát hiện này đã dấy lên lo ngại lớn về chuỗi thức ăn bởi côn trùng có cánh hay côn trùng biết bay là lực lượng thụ phấn quan trọng cũng như là thức ăn chính cho các loài chim và sinh vật nhỏ khác. Nó có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thực vật và các chuỗi thức ăn khác.
Trả lời trên tạp chí nổi tiếng “The Guardian”, giáo sư Dave Goulson thuộc Đại học Sussex (Vương quốc Anh) cho biết: “Côn trùng chiếm hai phần ba của toàn bộ cuộc sống trên Trái Đất, nhưng hiện nay đã suy giảm với mức độ kinh hoàng. Thậm chí tốc độ suy giảm là rất cao và đáng báo động trên một vùng rộng lớn”. Ông cũng cho biết thêm nếu côn trùng biến mất thì chúng ta sẽ mất mọi thứ, tất cả sẽ hoàn toàn sụp đổ từ hệ sinh thái trên Trái Đất cũng như môi trường sống.
Dự đoán của giáo sư Dave Goulson không phải là vô căn cứ. Các báo cáo và thống kê chỉ ra rằng khoảng 80% các loài thực vật trên thế giới là các giống hoa và cần được thụ phấn để phát triển, nếu không có côn trùng thì chúng sẽ biến mất hoàn toàn.
Và quan trọng hơn, các loài động vật và đặc biệt là con người dùng thực vật làm thức ăn hàng ngày. Trong khi đó con người đang cố gắng giảm bớt việc ăn thịt và sử dụng nhiều rau quả hơn thì công bố trên thật sự là một thảm họa nếu nó xảy ra.
Tuy các nghiên cứu chưa đưa ra được lý do về hiện tượng sụt giảm này, tuy nhiên việc sử dụng thuốc trừ sâu tại nhiều cánh đồng hay trang trại bao quanh các khu bảo tồn thiên nhiên có thể là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó một nguyên nhân nữa cũng được đề cập đến là cuộc đấu tranh sinh tồn đang âm thầm diễn ra nhưng rất ác liệt trong tự nhiên.
Con người thực sự cần thức tỉnh và có những hành động kịp thời nếu không muốn hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất cho chính bản thân và con cháu sau này.
Sơn Tùng