Và cứ tiếp tục chu kỳ ấy, bạn sẽ đạt đến cột mốc gần 30.000 lần một năm. Điều này cho thấy điện thoại trở thành người bạn đồng hành thường trực đáng tin cậy và 2 'người' sẽ gắn chặt với nhau, không thể tách rời.
Thật vậy, smartphone đã trở thành kho lưu trữ cá nhân, ghi lại và truyền đi mọi từ ngữ, âm thanh, hình ảnh mà chúng ta nghĩ đến hay từng trải qua. Tại một cuộc khảo sát vào năm 2015, hơn một nửa số người sở hữu iPhone nói rằng họ không thể tưởng tượng cuộc sống mà không có chiếc điện thoại.
Thế nhưng, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, smartphone đang gây ra những tác hại đáng báo động. Chúng ảnh hưởng nghiêm trọng đến não, ngay cả khi bạn không sử dụng. Càng phụ thuộc vào smartphone, trí tuệ của bạn sẽ càng suy giảm!
Smartphone làm giảm sự tập trung, một ảnh hưởng vô hình
Con người giữ điện thoại bên mình trong phạm vi gần nhất có thể, sử dụng theo vô số cách, liên tục kiểm tra thông báo và không ngừng để ý đến các chuông tín hiệu. Hàng triệu tiện ích được mua, hàng tỷ ứng dụng được tải về điện thoại mỗi năm.
Dần dần, việc quen với sự hiện diện của smartphone khiến họ không thể tập trung hoàn toàn vào một việc, đặc biệt là những việc quan trọng.
Ở một bài thử nghiệm do các giáo sư tại Đại Học California và San Diego thực hiện, 520 sinh viên phải làm 2 bài kiểm tra, được chia làm 3 nhóm với 3 vị trí đặt điện thoại khác nhau: Trong tầm mắt, trong túi quần hay túi xách và bỏ ở một căn phòng khác.
Họ thu về kết quả rất đáng suy ngẫm. Những người thấy điện thoại nằm ngay trước mắt có điểm số tệ nhất, kết quả tốt nhất thuộc về những ai bỏ điện thoại bên ngoài và những người có điện thoại trong túi quần, túi xách đạt điểm số ở giữa.
Smartphone rõ ràng đã gây ra tác hại cho chủ sở hữu của chúng, nhưng đáng ngại hơn là họ thậm chí còn không nhận ra điều này. Họ không hề biết rằng điện thoại đã làm gián đoạn khả năng tập trung và suy nghĩ của mình.
Hầu hết những người tham gia vào cuộc thử nghiệm khi được phỏng vấn sau đó đã nói rằng họ không bị phân tâm bởi điện thoại và cũng không nghĩ về thiết bị cầm tay của mình trong suốt quá trình thực hiện bài test.
Điện thoại còn khiến kỹ năng của bạn bị hao mòn
Smartphone hỗ trợ rất nhiều chức năng giải trí, không ngừng cung cấp thông tin để thu hút sự chú ý từ chủ sở hữu, điều mà các vật thể tự nhiên không thể làm được. Nhưng đây lại chính là yếu tố gây ra nhiều tác hại.
Một nghiên cứu từng chỉ ra, khi con người nghe tiếng chuông điện thoại nhưng không thể trả lời, huyết áp sẽ tăng lên, tim đập nhanh hơn và từ đó các kỹ năng giải quyết vấn đề bị ảnh hưởng. Thậm chí, một tiếng 'bíp' hoặc 'buzz' cũng đủ để làm lung lay sự tập trung của họ khi thực hiện công việc.
Smartphone len lỏi vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống hằng ngày, gây ra hiện tượng 'chảy máu chất xám'. Cụ thể, khả năng tư duy logic, suy nghĩ trừu tượng cũng như sự sáng tạo bị suy giảm đáng kể vì quá lệ thuộc vào sự thông minh của điện thoại.
Khiến các mối quan hệ xã hội dần biến dạng, làm con người thiếu hụt kiến thức
Sự hiện diện của điện thoại ngăn chặn đà phát triển của mối quan hệ gần gũi, gắn bó dựa trên sự thấu hiểu, đồng cảm và tin tưởng giữa người với người. Những cuộc trò chuyện trực tiếp trở nên hời hợt, vì họ biết rằng họ có thể dễ dàng trao đổi với nhau khi ở nhà thông qua điện thoại.
Hình ảnh rất phổ biến hiện nay là một nhóm các bạn trẻ vào quán cafe, mỗi người cầm điện thoại của riêng mình và lướt web hoặc Facebook, chẳng nói với nhau câu nào.
Thêm một việc nữa là ngày xưa, internet được cho là sẽ làm con người trở nên thông minh hơn bởi càng nhiều thông tin được thu thập sẽ càng giúp chúng ta tư duy sắc sảo hơn. Bây giờ, mọi chuyện không còn đơn giản như vậy!
Thói quen 'hỏi Google' đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, khiến khả năng ghi nhớ của họ kém đi rõ rệt, dù là những thông tin không mấy phức tạp. Cần gì phải ghi nhớ khi có thể tìm câu trả lời chỉ sau vài thao tác gõ phím trên mạng?
Nguy hiểm hơn, nhiều người còn cảm thấy rằng, họ 'biết rất nhiều về thế giới' chỉ dựa vào những thông tin thu thập thông qua điện thoại và internet, nhưng thật ra họ 'biết rất ít kể cả đối với không gian xung quanh mình'.
Kết: Hãy đặt điện thoại cách xa tầm tay hơn
Từ năm 1892, một nhà tâm lý học đã từng chia sẻ trong một bài giảng rằng:
'Chỉ bằng cách mã hóa thông tin trong bộ nhớ sinh học, chúng ta mới có thể nâng cao khả năng tư duy khái niệm cũng như phản biện. Bộ nhớ càng giảm sút, chúng ta càng suy nghĩ kém đi'.
Như vậy, khi chúng ta hạn chế suy luận và dựa hoàn toàn vào một công cụ, chúng ta đã từ bỏ khả năng biến thông tin nhận được thành kiến thức vốn có. Chúng ta thu về dữ liệu nhưng đánh mất ý nghĩa của chúng.
Chúng ta cần phải để não suy nghĩ nhiều hơn thông qua việc tạo ra một khoảng cách nhất định với chiếc điện thoại của mình và không bị lệ thuộc vào nó.
Bạn nghĩ thế nào về ảnh hưởng của smartphone lên nhận thức của con người? Cùng chia sẻ quan điểm ở bên dưới nhé.
Wall Street Journal