Ngày lớp 1, bạn bè gọi tôi là 'Xuân Quang đội sổ', vì luôn học dốt nhất lớp. Tôi học cô Kỷ, hay bị cô đánh vào tay vì chữ xấu và tính toán sai. Mẹ gò mình cùng tôi mỗi buổi tối để rèn tôi viết chữ, tôi cố nắn nót để chữ đẹp, nhưng đội sổ vẫn hoàn đội sổ.
Lên cấp 2, ông anh trai có danh hiệu 'học sinh cá biệt' vì nghịch ngợm, tôi bảo mẹ: 'Ít ra con không bị học sinh cá biệt mẹ nhỉ'. Bố tôi nghe được bảo: 'Con học dốt nhất lớp, chả cá biệt thì là cái gì'.
Nhưng bố mẹ tôi không bao giờ ép tôi đi học thêm. Tôi có một tuổi thơ tuyệt đẹp với những buổi chiều chơi bi, chơi quay, đánh cá chọi, và (trốn bố mẹ) đi chơi điện tử. Sau này, tôi biết ơn bố mẹ vì đã không cố gò ép tôi học.
Phần lớn mọi người cho rằng, học dốt là đáng xấu hổ. Cá nhân tôi không cho là vậy. Học dốt đôi khi chỉ thể hiện sự xung đột giữa bản sắc cá nhân của học sinh và chương trình đào tạo của nhà trường.
Xin hãy nhớ lại câu chuyện. Edison là nhà sáng chế vĩ đại nhất của nhân loại. Năm 7 tuổi, ông đi học ở trường tư thục của thầy giáo Reverend. Ở trường, giáo viên yêu cầu ông phải yên lặng nghe giảng và học thuộc lòng tất cả mọi thứ. Trong khi học, Edison không chú tâm vào bài giảng của thầy giáo mà thường đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa.
Sau khi Edison được nhận vào học khoảng 3 tháng, thầy Reverend đã nói: 'Em là cậu bé ngu dốt và điên khùng'. Edison cảm thấy rất buồn khi nghe điều đó, cậu chạy ra khỏi lớp và chạy một mạch về nhà. Mẹ Edison rất tức giận khi nghe câu chuyện, bà dẫn cậu đến trường và nói với thầy giáo: 'Ông bảo con tôi điên khùng hả? Tôi nói thật cho ông rõ, trí óc của nó còn hơn ông đấy. Tôi sẽ giữ nó tại nhà và tự dạy, vì tôi đã là giáo viên, để ông thấy rằng sau này nó sẽ ra sao!'.
Có bao nhiêu phụ huynh đủ dũng khí để nói với giáo viên của con như mẹ của Edison? Hay phần đông sẽ hùa vào với giáo viên, và ép đứa bé vào khuôn mẫu, để nó giống với bao đứa trẻ khác? Và nếu mẹ Edison ứng xử giống phụ huynh ở Việt Nam, liệu chúng ta có đèn điện để sử dụng như ngày nay?
Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay thủng lỗ chỗ về cả chương trình đào tạo, mục tiêu và cách thức thực hiện. Ví dụ, trong khi ở Mỹ, trẻ em chơi rất nhiều ở cấp 1, 2 và gần như không bao giờ phải mang bài tập về nhà thì ở Việt Nam, trẻ em học sáng, trưa, chiều, tối - 4 ca/ngày. Trường học chạy theo bệnh thành tích, 100% khá giỏi - khiến sự khác biệt giữa các học sinh hầu như không có.
Rất nhiều kiến thức hữu ích như triết học, đạo đức không được học, trong khi những bài toán đố vô nghĩa lại được đưa vào chương trình. Lên cấp 3, học sinh cắm đầu vào 'sin, cos' trong khi chả mấy người hiểu nó được dùng làm gì. Thật ra, 90% kiến thức toán được học trong 12 năm học không dùng làm gì với 90% số học sinh. Để vào Đại học Ngoại thương, học sinh có thể thi Toán, Lý, Hóa, mà tới giờ tôi vẫn không hiểu một người làm nghề ngoại thương thì cần tới Lý, Hóa để làm gì?
Ấy vậy mà phụ huynh đâu đã buông tha cho trẻ nhỏ. Ngoài giờ lên lớp, con phải đi học piano, học nhảy, học đủ thứ. Tất cả mọi thứ đều phải hoàn hảo.
Hãy nhớ lại câu chuyện:
'Bố: Này Tom, hồi ông Lincoln bằng tuổi con thì đã là một trò ngoan rồi. Thật ra, ông ấy học giỏi nhất lớp đấy.
Tom: Vâng, con biết ạ. Nhưng khi ông ta bằng tuổi bố, ông ấy đã làm đến Tổng thống nước Mỹ rồi cơ'.
Bản thân bạn không hoàn hảo thì đừng bắt con mình hoàn hảo. Học thêm là thừa thãi, đừng bắt con học thêm. Các cháu cần chơi, cần thể dục, vận động, học cách giao tiếp xã hội, học đạo đức, học pháp luật... Chúc các phụ huynh đủ dũng khí để tin tưởng con mình, giống như mẹ của Edison đã làm.
Theo Vnexpress