Khu vực xưởng đóng tàu con thoi này không mở cho mọi người vào xem, nhưng có một số người tò mò đã đủ can đảm lẻn vào đây. Trong số những người đó có nhiếp ảnh gia Pháp David de Rueda, anh đã ghé thăm khu vực này 3 lần trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2017. 'Những chiếc tàu con thoi nằm cách chỉ vài trăm mét tính từ những cơ sở đang hoạt động. Để đi được vào đây là một cuộc phiêu lưu dữ dội, chúng tôi không biết liệu chúng tôi có làm được không, nhưng hoàn toàn xứng đáng. Nơi này cứ như là ảo tưởng vậy', Rueda viết trong một lá thư gửi CNN.
Sao lại giống đến thế?
Thiết kế của chiếc Buran (trong tiếng Nga có nghĩa là băng giá) rất giống với tàu con thoi của Mỹ, và đây không phải là chuyện tình cờ. 'Người Nga cần một phương tiện có kích thước tương tự vì họ muốn chạy đua với khả năng chở hàng của tàu con thoi', Bart Hendrickx, một nhà nghiên cứu lịch sử không gian Xo Viết cho biết. Tàu con thoi của NASA về cơ bản là một chiếc xe tải, chỉ khác là nó bay được vào không gian. Nó được thiết kế để mang nhiều tấn hàng hóa vào quỹ đạo theo như yêu cầu của Lầu Năm Góc, và họ cũng muốn sử dụng nó để triển khai những vệ tinh quân sự.
Phía Xo Viết muốn một bản sao với khả năng tương đồng. 'Quyết định làm chiếc Buran là lời phản hồi cho các mối quan ngại về quân sự được tạo ra bởi tàu con thoi của Mỹ. Nếu người Mỹ không làm tàu con thoi, người Nga cũng chẳng làm chiếc Buran. Với Nga, đây chỉ đơn giản là một cuộc chạy đua vũ khí mà thôi', Hendrickx nhận định.
Chiếc tàu con thoi đầu tiên, Enterprise, đã được hoàn thành sau 4 năm phát triển, từ 1972 đến 1976, còn Buran được khởi động từ năm 1980. Thời gian đó, Nga đã học thiết kế của NASA. 'Có một cuộc chạy đua trong ngành quốc phòng Xô Viết về việc copy tất cả mọi thứ mà người Mỹ đã làm ra. Nhiều kĩ sư Nga nói rằng định luật khí động học đã như thế thì khó thay đổi thiết kế lắm, nhưng dù sao thì Nga cũng sao chép Mỹ khá nhiều.'
Khi Buran được giới thiệu lần đầu tiên năm 1988, mọi người đều ngạc nhiên vì độ giống nhau giữa hai chiếc tàu con thoi. Tờ New York Time nhận xét: 'Ngay cả màu sơn trắng đen cũng giống nhau nữa'.
Khác biệt về cấu trúc
Nhìn bên ngoài hai chiếc phi thuyền này khá tương đồng, nhưng bên trong thì không. Chiếc của Mỹ sử dụng động cơ của riêng mình để bay vào vũ trụ, còn quả tên lửa mà tàu con thoi được gắn vào có tác dụng như một buồng nhiên liệu đốt khổng lồ. Trong khi đó, chiếc Buran lại không có động cơ, nó bay vào không gian bằng cách gắn vào một quả tên lửa còn lớn hơn cái của NASA. Quà tên lửa này được gọi là Energia và nó cho phép Xô Viết linh hoạt hơn trong chuyện gửi hàng vào không gian.
Chiếc Buran cũng có ghế thoát khẩn cấp cho tất cả các phi hành đoàn, phía Mỹ không có, nó cũng không bị dính các lỗi thiết kế đã dẫn đến việc 2 chiếc tàu con thoi Challenger và Columbia bị nổ vào năm 1986 và 2003. Oleg Kotov, một cựu phi hành gia Nga đã từng dành 500 ngày trong không gian, cho biết những tính năng này giúp Buran trở nên an toàn hơn. Hendrickx cũng đồng ý. 'Người Nga đã làm ra một hệ thống linh hoạt hơn, cơ động hơn, an toàn hơn so với tàu không gian, nhưng vào lúc nó sẵn sàng cất cánh, chiến tranh lạnh đã gần kết thúc và dự án không còn được ủng hộ về mặt chính trị nữa'.
Chỉ bay đúng 1 chuyến
Chuyến bay duy nhất của Buran đã thành công vào ngày 15/11/1988, chỉ một năm trước sự kiện bức tường Berlin sụp đổ. Một thời gian ngắn sau nhiệm vụ đầu tiên, tổng thống Boris Yeltsin đã hủy dự án vào 30/6/1993: 'Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, không còn đủ tiền để chi cho những nhiệm vụ dân sự, chủ yếu là chở hàng và hỗ trợ cho trạm không gian. Nga không còn nhu cầu dùng chiếc Buran cho chương trình không gian của họ', Hendrickx nói.
Trong lần bay duy nhất này, chiếc Buran bay vào không gian mà không có người trong đó. Mọi thứ đều diễn ra đúng như dự định của phía Nga: Tên lửa Energia bắt đầu quy trình phóng tự động vào không gian, khi đến quỹ đạo tạm thời thì Buran tách ra và sử dụng động cơ nhỏ để từ từ hạ cánh lại xuống đường băng nằm gần nơi nó đã được phóng lên. Chiếc Buran tự kiểm soát quá trình đáp sau 206 kể từ lúc phóng. Dù có gió lớn nhưng Buran dừng lại chỉ cách 3m ngang và 10m dọc so với điểm được chỉ định. Sau này, người ta cũng phát hiện thấy Buran chỉ mất 8 trong số 38.000 tấm chắn nhiện trong suốt hành trình.
Chiếc tàu dùng trong nhiệm vụ đầu tiên này cũng được đặt tên chính xác là Buran, nó được đưa vào một kho chứa ở cảng không gian Baikonur. Tuy nhiên vì bất cẩn và cũng vì biên độ nhiệt rất lớn của vùng Kazakh, phần mái của kho chứa đã bị sập năm 2002 và phá hủy hoàn toàn chiếc Buran.
Còn 3 chiếc Kazakh khác đang được để trong tổ hợp không gian này. Một chiếc là bản thử nghiệm với kích thước thật đã bị bỏ cho rỉ sét ngoài trời, tới năm 2007 nó đã được dời tới Bảo tàng Baikonur nằm gần đó. Hai chiếc còn lại vẫn còn nằm trong một hangar tên 'MZK', dịch ra có nghĩa là 'Cơ sở lắp ráp và tiếp nhiên liệu'. Một trong số chúng, nickname Ptichka, đáng ra sẽ được dùng cho nhiệm vụ Buran thứ hai và đã được hoàn thiện hơn 90% ở thời điểm dự án bị hủy bỏ. Chiếc còn lại được làm ra chỉ để chạy thử trên mặt đất, không được thiết kế để bay.
Vì sao chúng lại bị bỏ ở đây?
Vì sao những phương tiện từng một thời là niềm tự hào của Xô Viết lại bỉ bỏ cho rỉ sét trong một tòa nhà không bị khóa gần 3 thập kỉ?
'Vì lý do gì đó, người ta không đủ hứng thú và không đủ tiền để mang chúng vào bảo tàng trưng bày', Hendrickx nói. Có thể lý do tối thượng là chi phí vận hành quá cao. 'Bảo tàng Baikonur đã có một chiếc nằm trong đó rồi, và gần như không thể nào chuyển thêm một chiếc nữa đến các bảo tàng khác nằm ở Nga hoặc thậm chí là nước ngoài. Những chiếc tàu này thậm chí còn không thuộc sở hữu của chính phủ Nga'.
Năm 2008, một bảo tàng của Đức đã bày tỏ ý định mua lại những chiếc Buran và ra giá 12 triệu USD để có được chúng, nhưng cuối cùng hợp đồng vẫn không được ký vì chi phí đưa Buran về Đức quá cao. Họ sẽ phải dùng một chiếc máy bay riêng để vận chuyển. 'Cuối cùng, bảo tàng này mua được một chiếc Buran khác nhưng không phải từ Nga mà là từ Bahrain (quốc gia nằm trong vùng vịnh Ả Rập). Nó đã được chở tới Đức bằng tàu thủy', Hendrickx cho hay.
Trong một chuyến thăm gần đây, phó tổng thổng Nga Dmitry Rogozin đã gợi ý về kế hoạch biến bãi phóng Buran thành bảo tàng. Theo nhiếp ảnh gia David de Rueda, những chiếc Buran vẫn có thể được cứu. 'Những chiếc tàu con thoi và tên lửa phủ đầy bụi, phân chim và điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong gần 30 năm. Đã có những dấu vết thời gian. Nhưng ngoài ra, chúng còn khá ổn đấy'.
Nguồn: CNN, National Geographic