Nhưng có lẽ đây là một dịp tương đối thích hợp để kể lại một chiến dịch mà Liên Xô đã tiến hành cách đây 32 năm trong một tình huống tương tự - đưa hai phi hành gia Xô Viết là Vladimir Dzanhibekov và Viktor Savinykh vào vũ trụ để cứu trạm “Saliut-7” cũng bị mất liên lạc trên quỹ đạo.
Xin được kể lại vắn tắt diễn biến chiến dịch này:
Trạm vũ trụ Saliut-7.
Ngày 19/4/1982, trạm vũ trụ “Saliut-7” – một thành tựu tiên tiến của tư duy thiết kế và công nghệ vũ trụ Liên Xô lúc đó đã được đưa vào quỹ đạo. Nhiệm vụ chính của trạm là tiến hành các thí nghiệm khoa học - kỹ thuật và các nghiên cứu khác trong trong vũ trụ.
Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, các kíp phi hành đoàn thường xuyên được thay đổi. Tổng cộng đã có 6 phi hành đoàn chính thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu và 5 chuyến thám hiểm vũ trụ với thành phần gồm các phi hành gia Liên Xô, Pháp và Ấn Độ đã được đưa lên trạm.
Hai chuyến thám hiểm có thời gian lâu nhất trên “Saliut-7” - kéo dài tới 211 ngày đêm và 237 ngày đêm. Các phi hành gia đã rời trạm ra ngoài khoảng không vũ trụ tới 13 lần với tổng thời gian ở ngoài vũ trụ là 48 giờ 33 phút.
Tháng 5/1982, Liên Xô cho thực hiện chuyến bay đầu tiên lên trạm bằng tàu vũ trụ “Soiuz-T5”. Tháng 8/1982, nữ phi hành gia Xô Viết Svetlana Savitskaia đã lên trạm (đây là nữ phi công vũ trụ Liên Xô thứ hai sau Valentina Tereshkova ), và trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 10/1984 đã có tới 6 nhà du hành vũ trụ cùng làm việc trên trạm.
Chính trên trạm “Saliut-7” này, phi hành đoàn gồm Leonhid Kizim, Vladimir Soloviev và Oleg Atkov đã lập kỷ lục tuyệt đối về thời gian làm việc trong vũ trụ - tới 237 ngày đêm.
Sau đó, trong một khoảng thời gian tương đối dài, không có đoàn thám hiểm nào được cử lên trạm quỹ đạo, đến ngày 11/2/1985, Trung tâm không thể liên lạc được với “Saliut-7”.
Vào thời gian mất liên lạc, trạm đang bay ở chế độ tự động, trên trạm không có các phi hành gia. Cái gì đã xảy ra và tại sao trạm lại không liên lạc với Mặt đất? Không ai có thể trả lời chính xác câu hỏi trên. Chỉ khẳng định được duy nhất một điều – trạm chưa bị phá hủy hoàn toàn.
Sở dĩ có thể kết luận như vậy là nhờ các thiết bị quang học của hệ thống phòng thủ chống tên lửa Xô Viết- qua các thiết bị này có thể thấy “Saliut-7” vẫn là một vật thể nguyên vẹn, có nghĩa là chưa bị một tác động nào đấy phá hủy.
Trạm “Saliut-7” , như đã nói, ngoài những giá trị khoa học to lớn thì khả năng nó có thể rơi xuống Trái Đất còn là một hiểm họa - thể gây ra những hậu quả không thể lường trước được. Chính vì vậy mà giới lãnh đạo Xô Viết và lãnh đạo ngành vũ trụ Liên Xô đau đầu tìm các phương án xử lý tình huống khó khăn này.
Vladimir Dzanhibekov và Viktor Savinykh.
Sau nhiều cuộc tư vấn kéo dài, Chính phủ Xô Viết quyết định – phải cứu trạm “Saliut-7” . Giải pháp duy nhất để thực hiện quyết định trên– đưa lên trạm “Saliut” một đội cứu hộ để sửa chữa.
Trước đó, chưa từng có trường hợp cứu hộ tương tự nào trong lịch sử ngành vũ trụ thế giới – và lần này các phi hành gia Xô Viết lại một lần nữa gánh trách nhiệm trở thành những người đi tiên phong trong vũ trụ để để thực hiện một sứ mệnh cực kỳ khó khăn - cứu một trạm vũ trụ đã mất liên lạc.
Tất nhiên, đây là một chiến dịch có xác xuất rủi ro cực kỳ cao. Thứ nhất, trước đó chưa từng có ai tiến hành các chiến dịch tương tự, vì thế các phi hành gia không có cả kinh nghiệm cá nhân lẫn khả năng tư vấn với “các bậc đàn anh đi trước” nào đó.
Thứ hai, các phi hành gia có thể va đập với trạm vũ trụ đã bị mất điều khiển, bị chết hoặc bị các chất sau cháy đầu độc (nếu đã xảy ra cháy trên trạm), bị mắc kẹt vĩnh viễn trong vũ trụ. Bởi vì trên Mặt đất không hề biết chính xác là cái gì đã xảy ra trên trạm “Saliut-7”.
Tuy nhiên, đã không còn có thể lần nữa - bởi vì theo tính toán chỉ sau khoảng nửa năm tính từ lúc mất điều khiển, “Saliut-7” chắc chắn sẽ giảm độ cao và cuối cùng sẽ rơi xuống một địa điểm nào đấy trên Trái Đất, có thể - vào một thành phố lớn, một cơ sở công nghiệp, thậm chí là một nhà máy điện hạt nhân và gây tổn thất nghiêm trọng về người và có thể- một thảm họa công nghệ.
Rất dễ hiểu là giới lãnh đạo ngành vũ trụ chỉ có thể tin tưởng trao sứ mệnh thực hiện chuyến bay cứu hộ cho những phi hành gia có kinh nghiệm nhất và có trình độ chuyên môn cao nhất.
Đó phải là những người xuất sắc nhất trong số những người xuất sắc nhất – tinh hoa của ngành vũ trụ Xô Viết. Cũng không mất quá nhiều thời gian để tìm ra những người như vậy sau khi nghiên cứu kỹ toàn bộ danh sách không nhiều những phi hành gia căn cứ vào lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và phẩm chất nghề nghiệp của họ.
Viktor Petrovich Savinykh.
Người được chọn làm kỹ sư tàu là Viktor Petrovich Savinykh . Vào thời điểm đó anh 45 tuổi, đã có 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành vũ trụ. Vikror Petrovich sinh năm 1940.
Anh tốt nghiệp Trường trung cấp kỹ thuật vận tải đường sắt Perm và sau đó phục vụ trong các đơn vị Bộ đội đường sắt, sau khi giải ngũ vào học Khoa quang–cơ khí Trường đại học kỹ thuật trắc địa - không ảnh và bản đồ Matxcova.
Tốt nghiệp xuất sắc (bằng đỏ) trường đại học trên, Viktor Savinykh được nhận vào làm việc tại Phòng thiết kế chế tạo máy trung ương (từ năm 1974, Phòng này đổi tên thành Tập đoàn khoa học-công nghiệp “Energy”), và được phân về nhóm thiết kế do Viện sỹ Boris Raushenbak phụ trách.