Phát hiện hộp sọ nguyên vẹn của loài kỳ lân một sừng Siberia cung cấp bằng chứng mới về thời điểm chúng biến mất hoàn toàn trên Trái Đất.
Kỳ lân Siberia chính thức tuyệt chủng cách đây 29.000 năm. Ảnh: Wikimedia.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học ước tính kỳ lân Siberiam một loài động vật có vú đã tuyệt chủng từ lâu trông giống tê giác hơn ngựa một sừng trong truyền thuyết, tuyệt diệt cách đây 350.000 năm, theo Science Alert. Nhưng một hộp sọ nguyên vẹn tìm thấy ở Kazakhstan thay đổi hoàn toàn suy đoán này. Trên thực tế, kỳ lân Siberia vẫn sống sót cho tới 29.000 năm trước.
Theo những mô tả ban đầu, kỳ lân Siberia cao khoảng hai mét khi đứng, dài 4,5 mét và nặng 4 tấn. Kích thước của chúng gần với voi ma-mút hơn loài ngựa. Dù kỳ lân Siberia có cơ thể đồ sộ, thức chủ yếu của chúng có thể là cỏ. Chúng giống như một con tê giác với chiếc sừng thon dài nhô ra trên mặt, khác với chiếc sừng to bè của tê giác ngày nay.
Hộp sọ mới được tìm thấy trong tình trạng bảo quản tốt ở vùng Pavlodar của Kazakhstan năm 2016. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tomsk xác định mẫu vật có niên đại khoảng 29.000 năm nhờ phóng xạ carbon. Dựa theo kích thước và tình trạng hộp sọ, đây nhiều khả năng là một con đực lớn tuổi, nhưng nguyên nhân nó chết chưa được làm rõ.
Vấn đề khiến các nhà nghiên cứu băn khoăn là vì sao loài kỳ lân này có thể sống lâu hơn hẳn so với những sinh vật cùng thời. 'Khả năng cao nhất là phía nam của vùng Tây Siberia là một refúgium (nơi các quần thể sinh vật có thể sinh tồn qua thời kỳ môi trường sống không thuận lợi như kỷ băng hà). Một khả năng khác là nó có thể di cư và trú ngụ ở các khu vực xa hơn về phía năm', Andrey Shpanski, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện sẽ giúp họ hiểu rõ hơn các tác nhân môi trường ảnh hưởng như thế nào đến sự tuyệt chủng của loài vật.
Dường như một số cá thể có thể sống lâu hơn nhiều so với suy đoán trước đây bằng cách di cư qua quãng đường lớn.