Chiếc vòng này được khai quật ở hang Denisova tại khu vực Altai của Siberia thuộc Nga vào năm 2008. Sau khi phân tích chi tiết, các chuyên gia Nga nhận định chiếc vòng tay cổ xưa này là vật trang sức thủ công lâu đời nhất trên thế giới, theo Siberiantimes.
Chiếc vòng được làm bằng đá xanh tinh xảo và được cho là vật trang sức dành cho phụ nữ hoặc trẻ em.
“Vòng đeo tay này thật đáng kinh ngạc – nó có thể phản chiếu những tia sáng mặt trời rực rỡ vào ban ngày, cùng lúc có thể đổ bóng màu xanh lục đậm khi được đặt bên cạnh ánh lửa vào ban đêm”, Anatoly Derevyanko, giám đốc Viện Khảo cổ học và Dân tộc học ở Novosibirsk, thuộc Chi nhánh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Siberia, cho biết.
Vẻ đẹp lộng lẫy của chiếc vòng tay là sản phẩm của con người thời tiền sử, nhưng quả thật quá hoàn mỹ và tinh xảo.(Ảnh: Vera Salnitskaya, Siberiantimes)
Các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu hiện vật này, và nếu đươc xác nhận, nó sẽ kéo lùi niên đại của chiếc vòng tay này ít nhất 30 000 năm nữa, chứng minh rằng tổ tiên chúng ta đã tiếp cận công nghệ ‘tinh vi’ sớm hơn nhiều so với chúng ta tưởng.
Để hiểu đầy đủ về thời gian, cách thức và danh tính người đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật cổ đại tráng lệ này, các chuyên gia từ ĐH Oxford (Anh) và ĐH Wollongong (Úc) sẽ gặp gỡ các đồng nghiệp Nga để cùng phân tích mẫu vật.
Các chuyên gia sẽ phân tích dữ liệu thu thập được từ kết quả xét nghiệm tuổi của mẫu đất tại nơi chiếc vòng cùng những đồ tạo tác khác được khai quật.
Các kiểm tra trước đó trên chiếc vòng đã mang đến những khám phá vô cùng chấn động.
Các chuyên gia xác nhận kể từ khi được tạo, chiếc vòng đã trải qua vài lần sửa chữa. (Ảnh: Anatoly Derevyanko và Mikhail Shunkov, Siberiantimes)
Trước đây, các nhà nghiên cứu kết luận chiếc vòng màu xanh lục này vào khoảng 50 000 năm tuổi. Sau đó họ cho rằng nó còn lâu đời hơn thế rất nhiều.
Maksim Kozlikin, nhà khoa học từ Viện khảo cổ và Dân tộc học Nga, tại thành phố Novosibirsk giải thích vì sao hiện vật này độc đáo hơn chúng ta có thể tưởng tượng.
“Các kết quả sơ bộ thu được xác định niên đại của lớp đá địa chất 11 nơi chiếc vòng được tìm thấy là vào khoảng 65 000 đến 70 000 năm tuổi. Vì vậy, niên đại của vật thể được lùi về thời kì còn xa xưa hơn”.
Niên đại 70,000 năm tuổi sẽ là một con số thay đổi lịch sử, một con số cách mạng. Ngay cả ở mức 50,000 năm tuổi, chiếc vòng tay đầy kinh ngạc này đã là ‘một hiện tượng nổi tiếng toàn cầu’, bởi lẽ sự tồn tại của nó không thôi đã thách thức ‘trình độ công nghệ’ được biết đến hiện nay, GS Mikhail Shunkov cho biết.
Một trong những đặc điểm kỳ dị nhất của món đồ tạo tác cổ xưa này là một cái lỗ tròn ở giữa, được cho là được tạo ra bằng một thiết bị khoan và giũa, những công nghệ và công cụ mà theo các học giả chủ lưu thì không thể xuất hiện vào thời điểm này.
Trao đổi với tạp chí Novosibirsk,TS. Anatoly Derevyanko cho hay:
“Các chuyên gia tìm thấy hai mảnh vỡ của chiếc vòng có chiều rộng 2,7 cm và bề dày 0,9 cm. Đường kính ước tính của chiếc vòng này xấp xỉ 7 cm”.
“Nằm gần một trong số các vết nứt là một lỗ khoan có đường kính khoảng 0,8 cm. Sau khi phân tích, các chuyên gia phát hiện “chiếc máy khoan được dùng” hẳn phải có tốc độ quay cao, mức dao động nhỏ đến tối thiểu, gợi tưởng đến một công nghệ khá phổ biến hiện nay”.
“Người tạo ra chiếc vòng tay cổ đại này thành thạo những ngón nghề kỹ thuật mà theo hiểu biết hiện nay, không thể xuất hiện thời kì Đồ đá cũ”.
Các nhà khoa học Nga hiện đang tranh luận làm thế nào mà một chiếc vòng tay tinh vi phức tạp đến vậy lại có thể bắt nguồn từ một thời kỳ rất xa xưa, từ trước khi con người sở hữu những kỹ năng hay công cụ để làm ra những sản phẩm như vậy. Câu trả lời có thể rất đơn giản, rằng có nhiều nền văn minh vô cùng tiên tiến và cao cấp trong lịch sử cổ đại, với trình độ phát triển công nghệ thậm chí không hề thua kém so với ngày nay. Thực chất, chiếc vòng này chỉ là một trong vô vàn vô số món đồ cổ được khai quật với chế tác tinh xảo và tinh vi trên toàn thế giới.
Ngoài ra, chiếc vòng này được làm từ Chlorite, một vật liệu KHÔNG được tìm thấy trong khu vực gần hang Denisova – nơi phát hiện chiếc vòng. Các chuyên gia kết luận vật liệu này bắt nguồn ở một nơi cách đó khoảng 200km. Vậy là cổ nhân đã biết di chuyển những quãng đường xa để tìm kiếm vật liệu sản xuất, chứ không bị bó buộc trong khu vực nhỏ hẹp nơi mình cự ngụ và sinh sống.
Ngự Yên (Theo siberiantimes)