Vàng da sinh lý thường sẽ biến mất chỉ sau 1 khoảng thời gian ngắn vài ngày sau sinh, vàng da bệnh lý nguy hiểm hơn rất nhiều vì trẻ có thể bị hôn mê và co giật dẫn đến điếc, chậm phát triển hay một dạng của bệnh bại não nếu không được phát hiện sớm.
Hiện tại việc chữa trị vàng da thường được thực hiện tại bệnh viện, trẻ sẽ được che mắt và cho vào lồng kính để quang liệu pháp hay nói nôm na là chiếu đèn, tại các bệnh viện hiện đại hơn có thể sử dụng biliblanket trải lót dưới lưng em bé và chiếu đèn, lượng bilirubin (sản phẩm phụ được tạo ra khi hồng cầu bị vỡ) trong máu ở dưới da hấp thu năng lượng ánh sáng, chuyển đổi thành các chất đồng phân và được thải qua phân, nước tiểu. Đây là cách làm hiệu quả và đơn giản nhất tuy nhiên cảnh nhìn con mình vừa mới sinh đã phải nằm bơ vơ trong lồng kính và bị chiếu đèn không phải là điều thích thú gì với các bậc cha mẹ.
Tại phòng thí nghiệm Liên bang Thụy Sỹ về Khoa học và Công nghệ Vật liệu (Empa), một loại sợi có khả năng phát sáng đã được phát triển nhằm mục đích hỗ trợ việc chữa trị vàng da đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều. Cách thức hoạt động của công nghệ này là liên tục bẻ nhẹ sợi quang với 1 độ chính xác đã được định sẵn để lộ sáng tại điểm bị bẻ. Ưu điểm lớn của vật liệu này là tính cơ động do lượng điện năng sử dụng rất thấp nên chỉ cần một lượng pin nhỏ để sử dụng, không còn phải cắm vào ổ điện cố định.
Hiện nay trên thị trường có Biliblanket cũng sử dụng công nghệ sợi phát sáng gần giống như vậy nhưng sự khác biệt ở đây là Empa đã có thể làm ra sợi cáp quang có độ mỏng chỉ như sợi vải thông thường. Việc này giúp ta có thể dệt quần áo sử dụng pha lẫn giữa sợi quang và sợi vải mà vẫn giữ các thuộc tính dễ mặc, thoải mái như các loại quần áo cho trẻ em khác, bố mẹ có thể vừa bế em bé vừa trị liệu, không còn phải lo con của mình nằm trong lồng kính có bị vấn đề gì khác không.
Tham khảo Medgadget, SvetTex, Empa, Popular Science