Trong một nghiên cứu được xuất bản vào năm 2015 trên tạp chí Developmental Science, các nhà khoa học cho một nhóm 48 đứa trẻ từ 5 tuổi trở lên trải qua hàng loạt các thử thách khiến cho chúng phải phát huy khả năng tự kiểm soát và kiềm chế.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu sẽ yêu cầu những đứa trẻ sắp xếp các thẻ theo màu sắc nhưng rồi lại đột nhiên buộc chúng phải phân loại theo hình dáng. Ở độ tuổi từ 3-7, trẻ em dần trở nên giỏi hơn ở các nhiệm vụ này. Trước khi bắt đầu, các chuyên gia nói với một số đứa trẻ rằng hãy giả vờ mình là một nhân vật hư cấu với sức mạnh phi thường khi làm nhiệm vụ. Một vài đứa thậm chí còn mặc cả áo choàng của Batman để gia tăng độ phấn khích. “Kể từ giờ phút này, cậu là Batman! Trong trò chơi này, tôi muốn cậu tự hỏi mình ‘Batman sẽ nghĩ những tấm thẻ nên nằm ở đâu’”, đó là những gì mà các nhà nghiên cứu đã nói với một vài đứa trẻ. Kết quả, những đứa trẻ tự xem mình là siêu anh hùng đã vượt qua trò chơi với thành tích tốt hơn so với số còn lại.
Trong một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 12 năm ngoái trên tạp chí Child Development, các chuyên gia tiến hành một thử nghiệm với sự tham gia của các đứa trẻ từ 4-6 tuổi, cho chúng thực hiện một công việc nhàm chán và khó chịu trên máy tính - nhấn nút khi phô mai xuất hiện trên màn hình và không nhấn khi còn mèo hiện lên. Đồng thời, những đứa trẻ này mỗi đứa cũng nhận được một chiếc máy tính bảng với trò chơi hấp dẫn được cài sẵn trên đó. Trong số những đứa trẻ này, tương tự như thí nghiệm ở nghiên cứu trên, chúng được yêu cầu phải suy nghĩ và tự hỏi rằng “Liệu Batman có làm việc chăm chỉ không”. Một lần nữa, việc tự xem bản thân là siêu anh hùng giúp những đứa trẻ thành công.
Chúng dành nhiều thời gian hơn cho nhiệm vụ được giao và ít bị phân tâm bởi trò chơi trên máy tính bảng.
Tháng trước, tại một hội nghị của Hiệp hội Phát triển Nhận thức diễn ra ở Portland, Oregon (Mỹ), Tiến sĩ Stephanie Carlson đến từ Đại học Minnesota, tác giả của một trong hai nghiên cứu đã đưa ra quan điểm của cô về thử nghiệm này. Có phải việc tự xem mình là siêu anh hùng đã giúp những đứa trẻ mạnh mẽ hơn hay còn điều gì khác nữa? Cô và các đồng nghiệp trong nỗ lực đi tìm lời đáp cho câu hỏi này đã cho những đứa trẻ giả vờ như chúng là “Batman vào một ngày tồi tệ”. Chúng được cho mặc những chiếc áo choàng rách rưới và xem những bức ảnh chụp khoảnh khắc chán nản của các siêu anh hùng - và rồi kết quả là chúng lại trở nên tệ hơn những đứa trẻ khác trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Rõ ràng, những nghiên cứu như thế này đã cung cấp một cái nhìn phức tạp hơn về cách tự kiểm soát bản thân và cách hoạt động của năng lượng bên trong cơ thể. Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ về những điều này như là yếu tố nội tại và sẽ có những người có khả năng kiểm soát tốt hơn người khác. Tuy nhiên thái độ của chúng ta, thứ được các nhà tâm lý học gọi là “tâm trí” dường như cũng có vai trò quan trọng tương tự như khả năng thật sự của chúng ta. Tự đánh lừa bản thân, đối với trẻ em và người lớn, đôi khi có thể cho chúng ta cơ hội thực hiện được những điều mà chúng ta nghĩ rằng không thể.
Nguồn: WSJ