Theo một nghiên cứu đăng trên tờ Science Advances, đèn LED được cho là đã mang đến một cuộc cách mạng năng lượng nhưng sự phổ biến của nó là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên toàn cầu.
Nghiên cứu cho thấy, đêm trên Trái Đất đang trở nên sáng hơn và bề mặt chiếu sáng ngoài trời tăng 2,2% mỗi năm từ năm 2012 đến năm 2016.
Các chuyên gia cho rằng đây là một vấn đề, vì ánh sáng ban đêm sẽ gây rối loạn đồng hồ sinh học của con người và tăng nguy cơ ung thư, tiểu đường và gây tâm trạng chán nản. Đối với động vật, ánh sáng ban đêm có thể giết chết chúng hoặc do thu hút côn trùng hoặc làm mất phương hướng của các loài chim di trú hay rùa biển.
Theo nghiên cứu, tình trạng sáng hơn diễn ra ở khắp Nam Mỹ, châu Phi và châu Á, trong khi hiếm có nơi nào ánh sáng giảm, trừ những nơi đang có chiến tranh như Syria hay Yemen. Một số nơi sáng nhất trên thế giới, như Italy, Hà Lan và Mỹ, đều tương đối ổn định.
Nhà vật lý Chris Kyba thuộc Trung tâm nghiên cứu địa khoa học của Đức nói rằng vấn đề không chỉ ở bản thân đèn LED, bởi loại đèn này tiết kiệm điện nhờ lượng tiêu thụ điện thấp hơn trong khi cung cấp cùng một lượng ánh sáng. Nhưng lý do là con người sử dụng loại đèn này ngày càng nhiều, chiếu sáng cả những thứ trước đó không cần phải chiếu sáng, bù vào cho lượng điện tiết kiệm được.
(Ảnh: NASA)
Các chuyên gia gọi đó là hiệu ứng ngược và có thể thấy với những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu. Khi người ta mua những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu nhưng lại sử dụng chúng thường xuyên hơn hay chạy một quãng đường xa hơn từ nhà đến nơi làm việc.
Một đồng tác giả của nghiên cứu, nhà sinh thái học Franz Holker thuộc Viện sinh thái học về nước sạch và ngư nghiệp Leibniz cho rằng số liệu cho thấy một vấn đề đáng chú ý là nhiều người sử dụng ánh sáng ban đêm mà không thực sự quan tâm đến cái giá phải trả.
Theo một nghiên cứu năm 2010 trên tờ Ecological Economics, sử dụng ánh sáng ban đêm quá mức không chỉ gây hại đến các thói quen tự nhiên mà còn gây thiệt hại gần 7 tỷ USD mỗi năm do những tác hại đến cuộc sống hoang dã, sức khỏe, thiên văn học và lãng phí điện.
Theo Phó Giáo sư Travis Longcore về kiến trúc, nghiên cứu không gian và sinh học tại Đại học Kiến trúc Nam California cho rằng các kết quả nghiên cứu không phải là điều gây bất ngờ lớn cho các nhà nghiên cứu và mức tăng ánh sáng 2,2%/năm là không bền vững.
Dương Minh