Ngày càng có nhiều hơn nữa những nghiên cứu cho thấy rằng tư duy “Ăn chất béo thì sẽ béo” là một quan niệm sai lầm nguy hiểm.
Theo Sciencealert, ngài Aaron Carroll, giáo sư Nhi khoa trường đại học Dược Indiana có viết trong cuốn sách mới của ông tựa đề The Bad Food Bible: How and Why to Eat Sinfully như sau: “Có một điều mà chúng ta biết về những chất béo, sự hấp thụ chất béo không phải là lý do khiến cân nặng tăng lên. Trái lại, thực ra chúng còn khiến chúng ta giảm đi vài pound.” (1 pound = 0,45kg)
Điều này nói lên rằng những loại thức ăn như quả bơ, món cá hồi béo ngậy, và các loại hạt thơm ngon cũng nên có một vị trí nhất định trong khẩu phần ăn kiêng của bạn. Nếu bạn đã từng loại bỏ chúng trong trào lưu ăn kiêng ít chất béo (low-fat) vào những năm 90 thì giờ đã tới lúc bạn nên mang chúng quay trở lại.
Nguyên nhân thực sự khiến bạn tăng cân có thể khác nhiều so với quan niệm bạn vẫn nghĩ (Ảnh: thefw.com)
Bằng chứng nằm trong một nghiên cứu so sánh người ăn kiêng ít chất béo, nhiều carbohydrates đã qua tinh luyện (high-carb) với người ăn kiêng ít carbohydrates đã qua tinh luyện (low-carb) , nhiều chất béo (high-fat). Hết lần này tới lần khác, nghiên cứu đều chỉ ra rằng người hạn chế nạp vào những thực phẩm béo đều không giảm được cân nặng hay có bất kỳ lợi ích nào về sức khỏe.
Ngược lại, người nào ăn kiêng theo chế độ nhiều chất béo nhưng ít carbohydrates đã qua tinh luyện (refined carbohydrates) như bánh mỳ trắng và cơm trắng có chiều hướng giảm cân hơn và cũng có thể thấy rõ các lợi ích về sức khỏe khác.
Với những bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng, những phát hiện này cho thấy rằng thủ phạm thật sự khiến tăng cân không phải là chất béo mà chính là đường và carbohydrates đã qua tinh luyện – những chất mà dễ dàng chuyển hóa thành đường.
Ăn kiêng ít chất béo không khiến mọi người gầy đi
Một bài phân tích lớn được tờ The Lancet xuất bản hồi tháng tám đã so sánh hơn 135,000 người theo chế độ ăn kiêng ít chất béo (low-fat) và ít carbohydrates đã qua tinh luyện (low-carb) trên 18 quốc gia. Các nhà nghiên cứu thấy rằng chế độ ăn kiêng ít béo thường có khả năng liên quan đến những ca tử vong và cả những khả năng dẫn đến đau tim và các loại bệnh về tim mạch.
Mặt khác, với những người theo chế độ ăn kiêng ít carbohydrates đã qua tinh luyện, nguy cơ bị những chứng bệnh nêu trên thấp hơn đáng kể.
Các nhà nghiên cứu đã viết: “Những chỉ dẫn về chế độ ăn kiêng trên toàn cầu rất nên được xem xét lại dựa trên những phát hiện này.”
Nguy cơ tim mạch ở những người giảm khẩu phần chất béo cao hơn đáng kể so với những người giảm khẩu phần tinh bột (Ảnh: TC)
Vài nghiên cứu khác gần đây trên những người theo chế độ ăn kiêng ít béo cũng cho thấy những kết quả tương tự.
Một cuộc thử nghiệm 80 năm liên quan đến khoảng 50,000 phụ nữ, một nửa trong số họ theo chế độ ăn kiêng ít béo, kết quả thấy rằng những người phụ nữ đó không thấy bất kể sự suy giảm nào về các nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư trực tràng, hay bệnh tim mạch. Thêm vào đó, trong những trường hợp có ghi nhận kết quả giảm cân thì số cân nặng được giảm cũng không nhiều.
Carroll có viết: “Vậy kết quả cuối cùng ra sao? Bằng chứng đứng về phía chế độ ăn kiêng ít chất béo rất thưa thớt trong khi bằng chứng về những lợi ích của chế độ ăn kiêng có chất béo lại đăng ngày một tăng lên.”
Thân thể cần chất béo để hoạt động
Thân thể đòi hỏi chất béo để có thể hoạt động một cách ổn thỏa. Chất béo là yếu tố cần thiết cho sự đông máu và sự vận động của cơ bắp. Nó cũng là thành phần cần có cho việc cấu tạo nên màng tế bào (những tấm màng bao bọc từng tế bào máu) cũng như đóng vai trò là một tấm khiên bảo vệ quanh các dây thần kinh của bạn.
Cuối cùng, chất béo còn giúp chúng ta hấp thu các vitamin và khoáng chất từ những loại thực phẩm mà chúng ta ăn.
Khi bạn không ăn chất béo nữa, chúng ta có chiều hướng ăn nhiều hơn carbs đã được tinh luyện và đường, hai loại thực phẩm là nguyên nhân chính dẫn đến tăng cân và béo phì.
Một bài viết gồm 50 nghiên cứu về chế độ ăn kiêng và tăng cân được xuất bản trên tờ Food and Nutrition Research đã chỉ ra rằng trung bình, khi một người ăn càng nhiều tinh bột (như bánh mì trắng hay cơm trắng), cân nặng của họ càng có chiều hướng tăng lên trong suốt quá trình nghiên cứu.
Các sản phẩm từ tinh bột mới là nguyên nhân chủ yếu khiến bạn lên cân (Ảnh: kenhsuckhoe)
Ngược lại, một người ăn càng nhiều thức ăn nguyên hạt (như bánh mì nguyên cám và gạo lứt) thì họ lại càng ít tăng cân hơn.
Một phần của vấn đề là carbohydrates đã qua tinh luyện và đường có thể kích thích việc ăn uống quá mức.
Cara Anselmo, nhà dinh dưỡng học và bác sĩ ngoại trú chuyên khoa dinh dưỡng tại viện ung thư MSKCC New York (Memorial Sloan-Kettering Cancer Center) cho hay: “Hiển nhiên rằng thật quá dễ dàng để lạm dụng nó với những đồ uống, carbohydrates đã qua tinh luyện, thức ăn có đường hay thức ăn đã được chế biến ở mức độ cao – chúng là những thứ mà chúng ta vẫn đang sử dụng thường xuyên hàng ngày .”
Nên ăn nhiều cá, quả bơ và các loại hạt
Thậm chí một số chất béo có thể có lợi cho sức khỏe hơn những chất béo khác.
Trong nghiên cứu gần đây được xuất bản trên tờ American Medical Association, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm xem chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta hoán đổi một phần nhỏ lượng calo họ lấy từ chất béo bão hòa (chất béo thường có trong thịt và các sản phẩm bơ sữa) với lượng calo từ chất béo không bão hòa.
Việc làm đó có vẻ mang lại rất nhiều lợi ích, bao gồm cả việc giảm thiểu nguy cơ tử vong, giảm tình trạng của các chứng bệnh ở tim và các chứng bệnh thoái hóa thần kinh khác nhau.
Các loại hạt chứa nhiều dầu rất có lợi cho sức khỏe (Ảnh: suckhoedoisong)
Giáo sư về dinh dưỡng tại Harvard, ông Frank B. Hu, người dẫn dắt nhóm nghiên cứu đã nói với The New York Times: “Không phải tất cả các chất béo đều được tạo ra như nhau. Chúng ta nên ăn nhiều hơn nữa những chất béo tốt từ cá và quả bơ thay vì chất béo từ động vật.”
Theo trang blog về sức khỏe của trường dược Harvard, những chất béo có lợi cho sức khỏe bao gồm những chất béo có trong các loại hạt, cá, và dầu ô liu (được gọi là mono) và chất béo không no đa nguyên (polyunsaturated fats).
Những loại chất béo không có lợi cho sức khỏe là các loại chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong các loại thức ăn đã qua chế biến và chất béo bão hòa.
Tóm lại, thông điệp được gửi đi ở đây rất đơn giản: ăn chất béo sẽ không khiến bạn béo đâu nhưng lạm dụng đường thì sẽ có đó. Bây giờ bạn có thể tìm thêm những món ăn mới cho thực đơn ăn kiêng của mình rồi nhé!
Nhật Quang