Nếu đã quen thuộc với hai cung đường kia, thì cung đường này sẽ tương đối lạ lẫm đối với bạn, với nhiều đèo dốc, những vùng đất tiếp giáp với vùng núi và miền biển bị lãng quên, nhiều tên huyện tên xã dường như chưa bao giờ nghe nói đến, hoặc các điểm hay ho không có trong bản đồ hành trình. Nếu đi thêm đường này nữa thì xem như đã khám phá được thêm rất nhiều địa danh, vùng đất, các bản làng người đồng bào thiểu số và các con đường nằm giữa hai đầu Nam - Bắc.
1. ĐẶC THÙ CỦA CHUYẾN ĐI
- Tổng cự ly khoảng 5.000km, từ SAIGON ra HANOI theo đường 'Con đường bánh kẹp' nằm giữa đường HCM và đường biển và về lại SAIGON qua Lào (có thể thêm Cam) theo đúng con đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa.
- Đi đường nhựa, đường cấp phối, đường đèo nhiều, đường rừng, qua sông suối nhiều, phải cắm trại ngủ dọc đường nhiều.
- Đi một mình, mọi thứ phải tự lo từ A-Z: cầm lài suốt chuyến, theo dõi cung đường liên tục, nấu ăn/hạ trại, an ninh, giao tiếp, sửa chữa xe cộ, quay phim chụp ảnh làm phóng sự, có qua biên giới, đi qua nhiều điều kiện thời tiết nhiệt độ.
- Có thể kèm leo núi/trekking nữa.
2. HÀNH LÝ CHUẨN BỊ CHO CHUYẾN ĐI
a. ĐỒ NẤU ĂN:
- Bếp cồn nhỏ
-Ca nhôm để nấu nước ăn mì, cà phê, cồn, hộp quẹt mang nhiều cái, có zippo càng tốt, muỗng đũa, miếng chắn gió.
b. ĐỒ Y TẾ VÀ SINH TỒN CƠ BẢN:
- Một kit y tế cơ bản tự sơ cứu, sát trùng, Berocca, thuốc nhỏ mắt đựng trong một túi y tế để chỗ dễ lấy.
- Dao bản to hiệu Herberzt của Đức có thể chặt cây và để tự vệ lúc nguy cấp.
-Ít dây dù, dây ràng đồ, vòng tay sinh tồn, túi chống nước backup để đựng đồ linh tinh dọc đường, la bàn, đồng hồ đo nhiệt độ, độ cao...
c. ĐỒ ĂN VẶT + NƯỚC UỐNG:
-Bánh mì, xúc xích, thịt hộp, ngũ cốc, sữa, trà, cafe, socola, kẹo ngậm ăn dọc đường.
-Khăn giấy, chai nước rửa tay. Mấy món này mua dọc đường cũng được.
-Bịch rác, nên dùng túi vải dùng nhiều lần, hạn chế dùng bao nylon.
-Ít rượu^^ để giao lưu, ngoại giao dọc đường.
d. ĐỒ ĐI XE:
- Bó gối, áo giáp hai lớp có kèm áo ấm, găng tay da để đi trời lạnh, và găng tay cào offroad trong rừng.
- Kiếng mát, nón, miếng chớp phản quang, khăn đa năng, khẩu trang, khăn trùm đầu, khăn tắm, dây nịt.
- Nón bảo hiểm, áo mưa bộ loại tốt nhất có thể, dùng làm áo khoác luôn khi cần.
e. ĐỒ VỆ SINH:
- Bàn chải, kem đánh răng, sữa rửa mặt, xà bông tắm gội.
- Bao cao su để chống nước cho điện thoại, thổi bong bóng dọc đường chơi đỡ buồn.
- Khăn tắm, khăn mặt,khăn lau xe...
f. ĐỒ SỬA XE:
- Một bộ đồ sửa xe, bơm vá xe cơ bản.
- Phụ tùng sơ-cua cho xe như bugi, bóng đèn, thêm dây rút, băng keo điện, kẽm, ruột sơ cua, dây điện sơ cua,ốc vít,...
- Xịt sên Liquimoly, RP7
g. ĐỒ ĐIỆN TỬ:
- Laptop để làm việc và làm ảnh, xem thông tin, bản đồ dọc đường (do nhiều quá không in hết được).
- Điện thoại tải sẵn offline maps và tracklog, đồng hồ, loa di động.
- Đèn Ledlites thêm quạt và đèn USB,1 cái đèn đội đầu nữa, pin 2A + 3A backup, bộ bài để hết tiền thì lấy ra kiếm cơm dọc đường ^^. 1 cây recorder + harmonica để giải trí và diễn deep.
- Máy quay +2 pin backup, máy ảnh Fuji X10, máy Fuji Instax + 200 film để chụp dọc đường tặng trẻ em nghèo, máy film Minolta.
- Pin sạc dự phòng 3 cái + dây sạc linh tinh + thẻ nhớ + ổ điện để sạc cùng lúc nhiều món, khăn lau máy ảnh...
h. ĐỒ CAMPING:
- Bộ võng + mùng + tăng. Giày cao cổ TNF để chạy xe và trekking (nếu có), kèm 1 đôi sandal đế bám để đi loanh quanh buổi tối hoặc ra suối.
- Ghế ngồi, túi ngủ, dép lào, tấm tăng mỏng che xe khỏi mưa nắng.
- Ai ngủ lều thì mang lều, tấm trải.
i. QUẦN ÁO + BALO TÚI XÁCH
- Áo thun 3 cái cho dân moto rất mát và thoải mái, áo thun nỉ lót phòng khi siêu lạnh rất hiệu quả.
-́ Áo khoác mỏng để offroad cũng, quần đùi, đồ ngủ, quần lót giấy gọn nhẹ khỏi giặt.
- Balo 5.11 All Hazards có áo mưa Balo và một túi khô để đựng quần áo, thêm một cái túi 5.11 nhỏ để đựng đồ điện tử, giấy tờ quan trọng đi đâu cũng mang theo.
PHƯƠNG TIÊN DI CHUYỂN - XE MÁY
- Kiểm tra xe cẩn thận từng chi tiết nhỏ: đèn, còi, xi nhan, máy móc, thay nhớt, kiểm tra NSD và dầu mỡ, thắng trước sau, thay lốp nếu được (Maxxis theo mình là tốt nhất cho dòng xe underbone)
- Xe gắn thêm đèn L4 và C1 để hỗ trợ sáng , baga Givi để cột đồ, túi đựng điện thoại và cốc sạc USB.
- Chìa khoá xe sơ cua cột dấu vô sườn xe phòng khi mất chìa chính
- Dây kéo xe, nếu xài võng thì có sẵn dây rồi.
- Can xăng dự trữ phòng khi đi xa.
KHÁC
-Bóp tiền + ngoại tệ chuẩn bị sẵn chia ra cất nhiều nơi, nếu qua biên giới thêm passport, giấy tờ tùy thân (photo thêm và scan lưu trong điện thoại/ google drive ...)
-Sách
-Giấy bút để ghi chép dọc đường và để giao tiếp, mô tả nếu không biết tiếng, không hiểu ý nhau, hỏi đường ...
-Dogtag đeo cổ có tên,quê quán, nhóm máu,quốc tịch,số dth người thân để có tai nạn người ta gì biết báo người nhà.
-Não: cái này không thiếu được, phải luôn tĩnh táo, quan sát, chú ý, lịch sự, dễ thương, cảnh giác với nguy hiểm tiềm ẩn, luôn nghĩ đến đường về.
BẮT ĐẦU HÀNH TRÌNH
Từ Sài Gòn đi theo QL20 qua Đồng Nai lên Đà Lạt, Lâm Đồng qua đèo Chuối, đèo Bảo Lộc, rồi Prenn hoặc Mimosa.
- Đi tiếp đổ đèo Omega về Khánh Hòa nhưng không ra QL1 mà tới thị trấn Khánh Vĩnh là rẽ trái theo DT8 (lưu ý cầu trên DT8B đang bị hỏng không qua được) nên phải đi xuống tới Diên Khánh rồi mới rẽ trái để đi Dục Mỹ.
- Đi ngược QL26 leo đèo Phượng Hoàng lên tới Mdrak, Daklak, rẽ phải theo QL19C (đoạn này tương đối xấu) đi qua địa phận Phú Yên tới Sông Hinh, đi thẳng gặp QL25 rẽ trái qua đèo Tô Na lên Ayunpa là địa phận Gia Lai.
Đoạn QL19 xấu banh xác - có vài chỗ sạt lở
Đèo Phượng Hoàng
Đoạn đường đẹp nhìn từ QL19C ở Mdrak, Daklak
Rẽ phải ở Ayunpa vào đoạn đẹp nhất của Trường Sơn Đông, một trong những đoạn đường đẹp và yêu thích nhất ở VN của mình, đi hoài theo đường này đến tận K'bang (có thể rẽ vào thăm nhà anh hùng Núp và Tây Sơn Thượng Đạo). Từ K'bang nhớ đổ đầy bình rồi bắt đầu đi tiếp gặp ngã ba rẽ phải băng rừng Kon Chư Răng, đây là đoạn rất ma mị và hấp dẫn vô đối, vừa rồi có bị gặp đoạn sạt lở rất nặng nhưng vẫn xoay sở qua được và ngủ nhờ trạm kiểm lâm.
Làng Tơ Lung - Gia Lai. Quê hương của anh hùng Núp
Kong Chro - Gia Lai
Sân bay quân sự dã chiến. Chạy dọc theo đường Trường Sơn Đông gặp rất nhiều nhé
Qua khỏi rừng là tới địa phận Kon Tum, rẽ phải QL24 (đi thẳng về Ngok Tem đang bị hư cầu không đi được) đổ đèo Violac xuống địa phận Quảng Ngãi rồi đi thẳng miết về thị trấn Di Lăng, có thể ghé Thạch Bích Tà Dương chơi nhưng hơi xa.
View từ đèo Violac - cảnh báo nhìn lâu sẽ chóng mặt lắm
Bắt đầu đoạn đường cong cong lượn lượn liên tục Di Lăng - Sông Tang nhưng cảnh rất đẹp và mới mẻ nhất trong cả hành trình này nè, chính là đoạn đường DT626 ít người đi, và mình đánh giá cảnh đẹp rất giống đường từ Y Tý qua Bát Xát về Lào Cai. Đi mãi không qua tiếp DT622 mà rẽ trái về Tây Trà hùng vĩ và đi tiếp lên Bắc Trà My là địa phận Quảng Nam. Vùng núi của Quảng Nam và Quảng Ngãi thật sự rất mê ly.
-Tới Bắc Trà My rẽ phải về Tiên Phước, có thể ghé làng cổ Lộc Yên chơi khá hay, đi tiếp DT614 lên Việt An (đoạn này khá giống đường ở Ubud, Bali với ruộng bậc thang, cau, dừa đồi thấp thấp và sông suối uốn lượn nè), vào DT611 đi dọc sông Thu Bồn, có thể ghé thánh địa Mỹ Sơn chơi nếu không biết.
-Tới đây không có option khác đi giữa QL1 và đường HCM nên rẽ trái theo QL14B đi Thạnh Mỹ, rẽ phải lên Prao. Bắt đầu từ Thạnh Mỹ ra tận Dakrong Quảng Trị lại là đèo dốc liên tục rất dài và mệt mỏi cho những bạn chưa đi đường này bao giờ. Đi tiếp 100km qua hai hầm chui A Rooang lên A Lưới, Huế và qua đèo Pê Ke đi 100km nên Dakrong, Quảng Trị, qua cầu treo huyền thoại rồi rẽ phải đi về Cam Lộ, rẽ trái QL15 là đường HCM nhánh Đông đi qua nghĩa trang Trường Sơn về Đồng Hới, Quảng Bình.
Đoạn Tây Trà lên Bắc Trà My quá đẹp và xinh tươi
'Bali' của Việt Nam
Xuyên hầm
Theo tiếp DT2B về Ba Đồn bắt đầu rẽ vào QL12A đi mạn Nam rừng Kẻ Gỗ nhập lại đường HCM một chút ở Hà Tĩnh rồi rẽ phải vào hướng ngã ba Đồng Lộc, rồi đi tiếp QL15 qua Tân Kỳ chỗ mốc 0 đường HCM rồi Thái Hòa, hoặc len lỏi trong các con đường nhỏ nằm giữa đường HCM và đường QL1A qua Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam về Hà Nội, kết thúc con đường bánh kẹp nằm giữa đường HCM và QL1.
Cột mốc số 0 Tân Kỳ
Quảng Bình đi Hà Tĩnh
MỘT SỐ LƯU Ý CHO CUNG ĐƯỜNG
1) Đèo dốc cực kì nhiều, gần như suốt chuyến ra tận Nghệ An mới giảm mật độ đi nên đi vài ngày sẽ bắt đầu ngán ngán ^^
2) Mùa mưa thì vài đoạn sạt lở khá nặng, đường cũng rất vắng nhất là khúc đường HCM, miền núi xứ Quảng
3) Nhiều gia súc gia cầm chó chạy rông trên đường, rất là mệt mỏi khi cứ phải để ý và né chúng miết.
4) Mưa gió và sương mù khá nhiều, nhiệt độ khá thấp vào ban đêm, nhất là vùng A Lưới, đường HCM, ban ngày vẫn có thể xuống 17, 18 độ kèm mưa dông.
5) Vừa rồi mình đi 7 ngày cho cung đường này từ SG ra HN do khá hạn hẹp thời gian. Nếu được các bạn đi 2 tuần 14 ngày (mỗi ngày đi 150km thôi) cho thoải mái và có nhiều thời gian ghé thăm nhiều nơi rất thú vị trên đường từ cảnh thiên nhiên đến di tích văn hóa nè.
Chúc các bạn đi đường bình an và có những trải nghiệm đẹp trên con đường này!