Cửa Tử hiện tại là một trong những cung phượt được yêu thích nhất nhì ở miền Bắc. Tuy nhiên để chinh phục được địa điểm mà chỉ nghe tên “Cửa Tử” đã thấy rùng mình này, không phải ai cũng đủ sức và đủ nghị lực để đi đến cùng.
Anh Nguyễn Văn Tùng là người 'mở đường' cho cung trek Cửa Tử đang 'gây sốt' ở miền Bắc thời gian gần đây
Cung trek Cửa Tử mới nổi lên cách đây 1 năm và người tiên phong của cung đường gian nan này là anh Nguyễn Văn Tùng (SN 1987, Thái Nguyên). Vốn là một người đam mê phượt và khám phá, anh Tùng đã có cơ hội trải nghiệm ở nhiều cung đường khác nhau ở Việt Nam. Anh cũng đã từng vào Nam ra Bắc, vi vu trên những cung đường phượt được nhiều người yêu thích. Thế nhưng, anh chia sẻ đi nhiều rồi trở về nhận thấy quê hương Thái Nguyên của mình đẹp không kém gì nhiều nơi mình từng đến, thậm chí nhiều người còn nói nơi này đẹp và kỳ vĩ hơn nên anh quyết định chuyên tâm “lăng xê” cho cung trek đặc biệt ở Thái Nguyên.
Suối Cửa Tử ở đâu?
Nằm ở sườn Đông của dãy Tam Đảo - Cửa Tử là các cửa nằm dọc con suối Cửa Tử thuộc xã Hoàng Nông, Đại Từ, Thái Nguyên.
Cái tên này xuất phát từ xa xưa, gắn liền với chuyện tình của một đôi trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình hai bên ngăn cấm vì lễ giáo phong kiến. Cuối cùng cả hai nghe theo tiếng gọi của con tim, rủ nhau đi ngược dòng suối Cái, trèo qua những tảng đá to nhiều hình dạng khác nhau để thề nguyền sống chết có nhau, cùng xây dựng hạnh phúc ở nơi núi rừng hoang vu trước sự cảnh cáo của người đời “Chúng bay vào đó chỉ có đường tử …”. Từ đó, con suối này được mọi người gọi là Cửa Tử.
Anh Tùng là người thích khám phá nên cũng từng đặt chân đến nhiều nơi
Ảnh chụp bên thác Bản Giốc
Check-in trên đỉnh Tà Chì Nhù
“Khó khăn lớn nhất là cái tên Cửa Tử. Mới đầu tôi mời mọi người đi nhưng khi nghe tên địa danh làm ai cũng rợn tóc gáy. Nhưng sau khi đi về thì mọi người lại cảm thấy rất phấn khích”, anh Tùng chia sẻ những khó khăn ngày đầu mới mở đường cho cung Cửa Tử.
Thời gian đầu trước khi dẫn đoàn cung Cửa Tử anh Tùng phải đi tiền trạm nhiều lần để hiểu hơn về địa hình, khảo sát dòng suối, độ sâu, nước xoáy...
Vốn là một cung khó chinh phục, địa hình lại hiểm trở, phải trèo đèo lội suối băng rừng nên anh Tùng cũng mất rất nhiều thời gian và tâm sức để đi tiền trạm. Anh kể: “Trước khi mở cung này tôi đã rất nhiều lần cùng bạn bè khảo sát từng chút một từ kiểm tra độ sâu, chỗ nước xoáy… Khảo sát nhiều đến mức nhớ từng viên đá, giờ bạn nào post hình đoạn nào tôi có thể nói đúng vị trí chụp luôn”.
Để chinh phục Cửa Tử phải lội suối...
... băng rừng
Áp lực là người mở đường, dẫn đoàn cho những bạn trẻ đam mê chinh phục, khám phá đến với Cửa Tử, anh Tùng tâm sự bản thân cũng phải tự trang bị cho mình những thiết bị đảm bảo an toàn. “Tôi rèn luyện sức bền, các kỹ năng bơi, sinh tồn để biết vào rừng có những cây rau, hoa quả nào ngon, ăn được, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm đi rừng của những thợ săn bản địa”.
Phần thưởng cho những người nỗ lực và kiên nhẫn là dòng suối mát lạnh, trong vắt với những con thác ào ào đổ xuống
Vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của Cửa Tử
Máng trượt nước tự nhiên độc đáo ở Cửa TửNói về Cửa Tử, anh Tùng không khỏi say mê. Bởi đó vốn là cung đường tâm huyết cũng của chàng trai 8X. “Ở Cửa Tử có suối nước trong mà rất ít suối có nước trong và mát lạnh như vậy. Không như những suối khác chỉ có 1 điểm dừng để chơi, Cửa Tử có 7 cửa, mỗi cửa suối Cửa Tử đưa mọi người từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tất cả các cửa đều toát lên sự kì diệu của thiên nhiên. Cửa thì có chỗ bơi dài nhất, cửa có hồ nước rộng nhất, cửa thì có chỗ nhảy cao nhất, cửa thì có chỗ sâu nhất, và thác trượt bằng đá “phê” nhất không thể bỏ qua. Không những thế, không phải ai cũng biết ở Cửa Tử cũng có thể “săn mây”. Chính tôi đã chứng kiến biển mây tại đỉnh Của Tử và cảm thấy không thể tuyệt vời hơn. Ngoài ra còn rừng gỗ, rừng đỗ quyên, rừng trúc gai, rừng cây lau sau (giống là phong) và nhiều cây thuốc quý”, anh Tùng cho biết.
Đến Cửa Tử cũng có thể 'săn mây'
Biển mây bồng bềnh trắng xốp trên đỉnh Cửa Tử
Khung cảnh đẹp đến nao lòng trong ánh bình minh
Dù kinh nghiệm đầy mình nhưng trong những lần dẫn tour, anh Tùng cũng gặp trường hợp đi lạc. Anh cho hay lần đó dẫn đoàn cùng 1 người bản địa. Thời gian đi là 2 ngày, ngày đầu tiên thời tiết đẹp, hôm sau thì chuyển xấu, mây mù dày đặc và có mưa nhỏ khiến mọi người khá hoang mang. “Anh bạn bản địa đề xuất về theo đường khác gần hơn, dễ đi hơn. Thế nhưng đi được một đoạn thì ngày cả anh bạn đó cũng bị mất phương hướng vì lối mòn bị mất do lâu ngày không ai đi. Như một ma trận, cả đoàn đi vòng tròn đúng 4 lần mới tìm được đường để quay trở lại đường cũ. Lúc này cả đoàn mới thở phào. Bắt đầu xuống núi là 8h, xuống chân núi là 21h, tính riêng ngày hôm đó đoàn đi 25 km đường rừng”, anh Tùng thông tin.
Niềm vui của những bạn trẻ khi chinh phục được thượng nguồn Cửa Tử
Một năm dẫn dắt đoàn, có tuần đông khách gần như ngày nào anh cũng đi nên có thể nói khi nhắc đến Cửa Tử là nhắc tới anh Tùng. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh cũng lưu ý rằng Cửa Tử là một cung đẹp, đáng giá nhưng khó đi. Nếu có nhu cầu chinh phục nhất thiết phải có người am hiểu dẫn đường để vừa được trải nghiệm thiên nhiên, vừa được thưởng thức những món ăn ngon dân dã lại vừa được tìm hiểu những phong tục địa phương và hoàn thành chuyến đi một cách tròn trịa nhất.
Đến Cửa Tử vừa được khám phá thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp vừa được học hỏi thêm kỹ năng sinh tồn từ những người dẫn đường bản địa có tâm
Từng dẫn nhiều đoàn chinh phục Cửa Tử, anh nhận xét đa phần các bạn đều có ý thức bảo vệ môi trường nhưng kỹ năng sinh tồn vẫn còn kém. Qua hướng dẫn thì các bạn mới có thể câu được cá suối hay bắt cua, bắt tôm làm thức ăn. Anh cũng luôn nhắc nhở mọi người tuân theo tiêu chí 'chỉ mang đi những bức ảnh và không để lại gì ngoài những dấu chân'. Bản thân anh cũng mong muốn sẽ tạo được lối đi dễ dàng hơn và phát triển du lịch Cửa Tử theo hướng bền vững, chất lượng và hạn chế lượng khách nhất định để giữ gìn được vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ vốn có của Cửa Tử.