Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, chủ xe mặc dù không phải là người trực tiếp gây ra hành vi vi phạm giao thông nhưng cũng là người phải chịu trách nhiệm về hành vi này.
Người mượn vi phạm, chủ xe cũng phải chịu phạt
Trả lời PV về đề xuất đăng ký ô tô phải có tài khoản để phạt nguội, TS Khương Kim Tạo, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, để triển khai được đề xuất này, các cơ quan chức năng cần phối hợp và thống nhất được phương thức phạt nguội bởi vấn đề phạt nguội ở Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều vướng mắc.
Theo TS Khương Kim Tạo, một trong những vướng mắc lớn mà đến nay cơ quan chức năng chưa thống nhất được trong xử lý vi phạm theo hình thức phạt nguội đó là chưa xác định được rõ ràng phạt người lái hay phạt chủ xe.
“Khi phạt nguội, chúng ta chỉ có thể phạt chủ xe chứ không thể phạt lái xe bởi khi theo dõi qua camera sẽ không thể biết ai là người lái chiếc xe đó. Việc xử phạt chỉ có thể căn cứ vào biển số xe để xác định chủ sở hữu chiếc xe”, TS Tạo nêu ý kiến.
Theo TS Khương Kim Tạo, một trong những vướng mắc lớn mà đến nay cơ quan chức năng chưa thống nhất được trong xử lý vi phạm theo hình thức phạt nguội đó là chưa xác định được rõ ràng phạt người lái hay phạt chủ xe.
Ông Tạo cũng cho rằng, chủ xe mặc dù không phải là người trực tiếp gây ra hành vi vi phạm giao thông nhưng cũng là người phải chịu trách nhiệm về hành vi này bởi khi cho mượn hay cho thuê xe, chủ xe phải có tín nhiệm nhất định với người thuê hoặc mượn. Nếu chủ xe không tín nhiệm hay không chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm của người lái thì tốt nhất không nên cho mượn hay thuê xe. Quy định cần phải rõ ràng và cụ thể như vậy mới có thể quản lý và thực hiện phạt nguội.
Ngoài ra ông Tạo cho biết, để thực hiện việc phạt nguội thông qua tài khoản ngân hàng, cơ quan chức năng cần thay đổi quy định về sang tên đổi chủ phương tiện giao thông: “Ở các nước phát triển, người bán xe sau khi hoàn thành thủ tục phải đem hồ sơ giấy tờ xe nộp lại cho cơ quan đã đăng ký ban đầu. Lúc này, người mua lại phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những lỗi do chiếc xe đó gây ra, bất kể ai lái, người mang tên chiếc xe đó phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay quy định là trong vòng một tháng phải làm thủ tục sang tên đổi chủ. Vậy trong một tháng đó, ai là người chịu trách nhiệm? Chúng ta phải sửa lại quy định này”.
Cũng theo TS Tạo, ở một số nước, việc sang tên đổi chủ phương tiện giao thông được quy định chung cho một mức phí không lớn. Do đó, người dân rất tự giác đến nơi đăng ký sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện. Còn ở Việt Nam, hiện vẫn áp dụng mức tính phần trăm thuế dựa trên giá trị phương tiện, việc này khiến người dân ngại sang tên đổi chủ vì chi phí tốn kém. Đây sẽ là một khó khăn trong việc phát hiện người vi phạm giao thông để xử lý phạt nguội đúng người, đúng tội.
Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, nếu các cơ quan chức năng thống nhất và giải quyết được những tồn tại đó, việc phạt nguội đương nhiên sẽ có hiệu quả tốt và rất khách quan. Đồng thời, việc theo dõi vi phạm giao thông qua camera sẽ giảm bớt nhân lực của ngành CSGT. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng có liên quan cần ngồi lại với nhau để cùng bàn về những cách giải quyết sao cho trọn vẹn và hiệu quả.
Ngoài việc đề xuất người đăng ký ô tô phải có tài khoản để phạt nguội, ông Khương Kim Tạo cũng cho rằng cơ quan chức năng nên có quy định bắt buộc người khi đăng ký ô tô phải đăng ký số điện thoại để có thể liên lạc khi cần thiết.
“Khi phát hiện chiếc xe vi phạm, căn cứ vào biển số, cơ quan chức năng sẽ truy ra được người chủ xe và sẽ nhắn tin hoặc gọi điện theo số điện thoại đã đăng ký, nội dung thông báo về lỗi vi phạm cũng như mức phạt là bao nhiêu. Nhiều nước trên thế giới họ đều có quy định này”, TS Tạo chia sẻ.
Phù hợp và văn minh
Cũng về vấn đề này, trả lời PV, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết: “Chủ trương này thực ra có từ lâu rồi nhưng chưa có cơ chế phối hợp thực sự tốt giữa các cơ quan chức năng nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Cục CSGT của Bộ Công an được giao làm việc với các bên liên quan cần phải chủ động trong việc này.”
Về những vướng mắc trong khâu thực hiện, ông Thái cho biết: “Muốn tháo gỡ những vướng mắc này, các cơ quan chức năng cần có sự liên kết. Cụ thể, ngân hàng phải có quy định về mở tài khoản, tài khoản được mở phải có tiền trong đó; việc xử phạt của CSGT cũng cần phải có một văn bản chung thống nhất giữa các bên để thực hiện”.
Ông Nguyễn Trọng Thái khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn và cần sớm được áp dụng.
“Trước kia, trong các cuộc họp về ATGT, nội dung này từng được vào nhưng việc triển khai phối hợp với một số cơ quan gặp vướng mắc nên chưa hiện thực hóa được. Tuy nhiên, chủ trương này là hoàn toàn phù hợp, bởi nó sẽ tạo thuận tiện cho việc xử lý vi phạm đối với những người vi phạm luật ATGT. Nếu thực hiện được, biện pháp này sẽ có một số ưu điểm là nhanh, thuận tiện, hạn chế được những tiêu cực phát sinh”, ông Thái nhận xét.
Cũng liên quan vấn đề trên, Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, dù vẫn còn những khó khăn nhưng đề xuất đăng ký ô tô phải có tài khoản để phạt nguội thể hiện sự văn minh trong xử phạt.
“Tiền nằm trong túi dân, chỉ có những cán bộ viên chức nhà nước hay làm công ăn lương thì mới có tài khoản ngân hàng, chứ những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, rất ít người có tài khoản. Do đó, những người vi phạm ở nông thôn, miền núi không có tài khoản, khi họ vi phạm sẽ phạt thế nào? Đây là một trong những vấn đề khó khăn cần giải quyết.
Tuy nhiên, việc xử phạt theo hình thức này, nếu làm được sẽ rất văn minh và được mọi người ủng hộ. Tôi cũng ủng hộ về cách làm này. Tuy nhiên, chỉ mình lực lượng CSGT thì khó có thể thực hiện được. Do đó, đây là vấn đề cần sự chung tay của các ngành, đặc biệt ngành ngân hàng cần có sự tham gia và quản lý thống nhất”, Thượng tá Lê Đức Đoàn nói.
Theo VTC News
Nguồn : http://topcarvn.com/dang-ky-o-phai-co-tai-khoan-de-phat-nguoi-nguoi-muon-vi-pham-chu-xe-cung-phai-chiu-phat/