Nhãn năng lượng cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn xe.
Theo đó, các cơ sở sản xuất, lắp ráp là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe từ linh kiện rời, hoàn toàn mới đang hoạt động theo quy định của pháp luật; Cơ sở nhập khẩu là tổ chức thực hiện việc nhập khẩu xe; Cơ sở kinh doanh xe là tổ chức, cá nhân thực hiện việc bán, phân phối xe ra thị trường phải thực hiện việc dán nhãn theo quy định nêu trên trước khi đưa ra thị trường.
Trước ngày 1-1-2018, các cơ sở sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được tự công bố mức tiêu thụ nhiên liệu, dán nhãn năng lượng đối với các xe sản xuất lắp ráp thuộc kiểu loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hoặc đối với các xe nhập khẩu thuộc kiểu loại xe đã được cấp giấy chứng nhận này.
Tuy nhiên, thông tư không áp dụng đối với các xe trực tiếp phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, xe ngoại giao, lãnh sự...
Khi yêu cầu dán nhãn năng lượng trở thành bắt buộc thì các hãng xe phải dán nhãn mới được Cục đăng kiểm mới cấp Giấy chứng nhận lưu hành cho ôtô.
Trước đó, tháng 3-2017, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định về danh mục phương tiện phải dán nhãn năng lượng. Nhóm ôtô 9 chỗ trở xuống sẽ bắt buộc thực hiện từ 1-1-2018 và xe máy bắt buộc từ 1-1-2020.
Vậy việc dán nhãn năng lượng sắp tới có làm tăng giá xe ô tô? Các hãng xe tại Việt Nam cho biết việc dán thêm nhãn năng lượng không làm tăng giá vì chi phí cho mỗi tem rất thấp, không đủ lớn để cộng thêm vào giá. Bên cạnh đó, người mua không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào.
Linh Nhi (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/o-to-7-9-cho-phai-dan-nhan-nang-luong-tu-dau-nam-2018.html