F40 là một trong những siêu xe được yêu thích nhất của Ferrari, một phần vì thiết kế và hiệu năng, nhưng cũng vì đây là chiếc xe cuối cùng mà Enzo Ferrari trực tiếp giám sát quá trình chế tạo. Với chiếc F40, điều khiến nó được nhắc đến nhiều nhất là khối động cơ V8 tăng áp, thứ dường như chưa bao giờ thuộc về thế giới của Ferrari. California T cũng vậy.
Nói một cách đơn giản, dòng California có vai trò tương tự như S-Class của Mercedes-Benz: trở thành mẫu xe tiên phong của hàng loạt công nghệ mới. California thế hệ đầu là dòng xe đầu tiên của Ferrari có động cơ V8 đặt trước, hộp số ly hợp kép, công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp, hệ thống treo sau đa điểm và mui xe dạng cứng có thể gập điện.
Tiếp sau đó, California T là mẫu xe đường phố đầu tiên của hãng xe Ý mang trong mình động cơ tăng áp kể từ khi chiếc F40 ra đời và rồi từ đó, tất cả dòng xe V8 của Ferrari đều sở hữu công nghệ nạp khí cưỡng bức này. Ferrari California cũng đóng góp không nhỏ vào thành công về mặt tài chính cho “Ngựa chồm”, khi trong vòng 5 năm, California thế hệ đầu có doánh số 10.000 chiếc, chiếm 1/3 tổng doanh số của Ferrari từ năm 2009 đến 2014. Đúng vậy, chiếc Ferrari bị người hâm mộ chê bai nhất lại là con gà đẻ trứng vàng của hãng.
Thiết kế sắc sảo, hiện đại hơn
Có ba điểm tôi không thích về phần thiết kế trên phiên bản California đầu tiên: mặt ca lăng hình “mặt cười” giống như xe Mazda, phần cốp xe quá cao và hệ thống xả đặt dọc – thứ càng khiến chiếc xe trông cao hơn. Với phiên bản California T, các kỹ sư Ferrari đã khéo léo áp dụng một số chi tiết điểm nhấn trên chiếc F12 Berlinetta vào California T để tạo nên một ngoại hình dữ dằn và thể thao hơn cho mẫu Grand Tourer giá “rẻ” nhất của mình.
Mọi tấm ốp thân xe, kể cả phần cửa xe đều được tái thiết kế, chỉ trừ phần mui cứng là được giữ nguyên. Ở phần đầu xe, mặt ca lăng được tạo hình dữ dằn hơn với các chi tiết được mạ crôm và sơn đen, tạo ra sự đối lập về mặt thị giác khá thú vị. Kích cỡ của mặt ca lăng cũng lớn hơn thế hệ trước khá nhiều và được đặt thấp hơn, kết hợp với hai hốc hút gió ở hai bên, tạo nên mũi xe cực kỳ thấp, đậm chất Ferrari. Thêm vào đó là 2 cụm đèn pha LED với chóa đèn vuông vức hơn so với California thế hệ đầu, kết hợp với dải đèn LED định vị ban ngày dạng xếp tầng tạo nên ánh mắt đầy thần thái và sống động cho Ferrari California T.
Phần vòm bánh xe trước được làm vồng lên khá nhiều so với nắp capô, kết hợp với 2 hốc tản nhiệt ở giữa nắp capô tạo nên vẻ đẹp đầy cơ bắp cho Ferrari California T. Theo hãng siêu xe Ý, đây là chi tiết thiết kế được lấy cảm hứng từ mẫu 250 Testa Rossa huyền thoại. Nhìn từ bên hông, ta dễ dàng nhận thấy hốc thoát gió nằm ngay sau vòm bánh xe có thiết kế tương tự F12 Berlinetta. California T được trang bị bộ la-zăng 20 inch với thiết kế hình ngôi sao đặc trưng của Ferrari, đi kèm lốp Pirelli P Zero hiệu suất cao. Xe có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) lần lượt là 4.570 x 1.910 x 1.322 mm, chiều dài cơ sở 2.670 mm, trọng lượng khô 1.730 kg.
Phần đuôi xe cũng sở hữu nhiều thay đổi tích cực. Phần cốp xe được hạ thấp 13 mm khiến xe thon gọn, bớt “lưng gù” hơn thế hệ trước, nhất là khi mở mui. Cụm đèn hậu cũng được tái thiết kế với các chi tiết sắc sảo, đẹp mắt hơn. Đáng kể nhất là hệ thống 4 ống xả nay đã được xếp ngang một cách truyền thống hơn, càng tạo ấn tượng xe thấp hơn so với thế hệ trước. Tấm khuếch tán gió cũng được sơn bạc và đen đầy nổi bật. Nhìn chung, Ferrari California T sở hữu ngoại hình được trau truốt và hoàn thiện hơn nhiều so với California đời đầu.
Nội thất California T nhìn chung vẫn mang thiết kế không quá khác biệt so với thế hệ trước, nhưng một vài chi tiết điểm nhấn là đủ để mang lại sự tươi mới và hấp dẫn. Vô lăng có thiết kế đầy tinh vi với hàng loạt nút bấm tương tự như vô lăng chiếc 488 GTB. Tất cả nút chức năng như đèn báo rẽ, đèn pha, gạt mưa, thậm chí là nút đề máy và nút điều chỉnh độ cứng của hệ thống giảm xóc đều được bố trí ở mặt trước vô lăng, phía sau chỉ có 2 lẫy chuyển số to bản. Tất nhiên, núm Manettino vẵn nằm ở vị trí góc dưới bên phải quen thuộc. Dù vậy, trên chiếc California T, bạn chỉ có các chế độ lái Comfort, Sport và ESC Off mà thôi.
Cũng tuân theo truyền thống của Ferrari, bảng đồng hồ khá đơn giản và dễ hiểu. Ở giữa là đồng hồ tua máy với mặt đồng hồ cơ được sơn màu vàng đặc trưng. Đồng hồ cơ bên phải hiển thị tốc độ xe với các bước số khá khác biệt, từ 20 đến 50 rồi 80, 110 km/h. Bên trái là một màn hình màu hiển thị các thông số hoạt động khác của chiếc xe.
Là một chiếc Grand Tourer nên không khó hiểu khi Ferrari California T được trang bị khá nhiều tiện ích sang trọng. Đó là hệ thống thông tin giải trí với màn hình cảm ứng 7 inch, có hỗ trợ Apple CarPlay. California T là mẫu xe đầu tiên của Ferrari hỗ trợ tính năng kết nối này và cũng là một trong số những mẫu xe thương mại đầu tiên có Apple CarPlay, bên cạnh một số mẫu xe cùng thời của Mercedes-Benz và Volvo. Tuy nhiên, tùy chọn Apple CarPlay có giá tới 4.200 USD tại thị trường Mỹ, tính ra thì gần bằng 4 chiếc iPhone X!
Một màn hình nhỏ nằm giữa 2 cửa gió điều hòa trung tâm có nhiệm vụ hiển thị các thông số như tốc độ, thời gian, tình trạng hoạt động của tăng áp v.v.. Điều khá thú vị là màn hình này có lớp bọc bên ngoài cảm ứng, bạn chỉ cần chạm nhẹ vào lớp bọc nhôm này để chuyển chế độ hiển thị. Hệ thống điều hòa có các nút được bố trí tương tự như các mẫu Ferrari khác và khu vực cần số cũng rất quen thuộc với các nút kích hoạt chế độ tăng tốc nhanh (Launch Control), chế độ tự động chuyển số và số lùi. Có một điều khác biệt nho nhỏ khác là California T cũng là chiếc xe đầu tiên của hãng siêu xe Ý được trang bị … hộc chứa cốc!
Gần như toàn bộ khoang cabin được bọc da semi-aniline hảo hạng, có độ mềm và mịn, cũng như độ bền màu tuyệt vời. Chiếc Ferrari California T mà tôi trải nghiệm đã được sử dụng khá nhiều nhưng lớp da trông vẫn còn như mới. Hai ghế ngồi trước có thiết kế kiểu Backbone và độ nâng đỡ rất tốt, rất êm ái chứ không cho cảm giác cứng như đá giống như ghế ngồi của Lamborghini Huracan. Hai ghế trước cũng được chỉnh điện, có nhớ vị trí và sưởi ấm. Hơi tiếc là 2 ghế sau rất hẹp với lưng ghế dựng đứng như cột cờ và khoảng để chân gần như không tồn tại. Bạn chỉ có thể để đồ ở hàng ghế này mà thôi. Cốp xe phía sau bị lớp mui cứng chiếm gần hết chỗ khi bạn mở mui, nhưng nó vẫn có thể tích khá rộng rãi, đủ để đựng vài vật dụng cá nhân cho một chuyến chạy trốn phố phường dành cho hai người.
Hiệu năng thuần chất Ferrari
Tất nhiên, một chiếc Ferrari không chỉ để ngắm, bạn phải cầm lái để cảm nhận hết giá trị của nó. Thay đổi lớn nhất và cũng gây nhiều tranh luận nhất trên California T, tất nhiên là khối động cơ V8 3.9L tăng áp kép của nó.
Động cơ V8 mới có dung tích thực tế 3855 cc, sở hữu hệ thống tăng áp kép và cho công suất tối đa 560 mã lực tại 7.500 vòng/phút, lực mô-men xoắn cực đại 755 Nm tại 4.750 vòng/phút. Những thông số này hoàn toàn vượt trội so với động cơ V8 nạp khí tự nhiên của California đời đầu. Đào sâu hơn một chút nữa, ta sẽ thấy những thông tin khá thú vị. Nhiều tin đồn cho rằng Ferrari California ban đầu sẽ được phát triển như là một dòng xe của Maserati, nhưng Fiat Chrysler Automobiles (đã từng là hãng mẹ của Ferrari) quyết định cộp mác Ngựa chồm lên mẫu Grand Tourer này để bán được giá hơn. Tất nhiên, Ferrari nhanh chóng phủ nhận tin đồn trên, dù thế hệ California T vẫn sử dụng chung lốc máy với Maserati Quattroporte GTS.
Động cơ 3.9L mới được đặt thấp hơn 40 mm so với động cơ 4.3L cũ, giúp giảm đáng kể trọng tâm xe, khiến chiếc xe ổn định và đạt tốc độ cao hơn khi vào cua. Với khối động cơ tăng áp này, một trong những mục tiêu hàng đầu của các kỹ sư Ferrari là khiến nó thể hiện giống như động cơ nạp khí kiểu truyền thống về cả âm thanh và cảm giác chân ga. Họ đã áp dụng nhiều giải pháp đồng thời, bao gồm: áp dụng trục khuỷu dạng phẳng cho California T (à ha, sự khác biệt là đây: Maserati Quattroporte cũng sử dụng động cơ tăng áp kép nhưng có trục khuỷu đứt đoạn – cross plane crankshaft).
Trục khuỷu phẳng là đặc trưng của mọi chiếc Ferrari, nó giúp động cơ đạt tua vòng cao và cho âm thanh ống xả cực ấn tượng. Để giảm hiện tượng trễ tăng áp, Ferrari còn áp dụng cổ góp khí xả với các ống gom khí có chiều dài bằng nhau, giúp tối ưu hóa áp lực của luồng khí thải nhằm khiến 2 cụm tăng áp dạng twin-scroll nhanh chóng đạt được hiệu suất tối đa.
Ferrari còn áp dụng một thủ thuật rất độc đáo nhằm khiến động cơ tăng áp này cho cảm giác tăng tốc giống như động cơ nạp khí tự nhiên. Đó là Variable Boost Management – họ giới hạn có chủ đích lực mô men xoắn cực đại ở mỗi cấp số với mức độ tăng dần. Ở số 1, lực mô men xoắn tối đa là 610 Nm, cứ tiến một số thì con số này lại tăng một chút, lực kéo tối đa 755 Nm đạt được ở số 7, ở vòng tua 2750 v/p. Bằng cách này, người lái sẽ cảm thấy sự lũy tiến, sự mượt mà giống như đang lái động cơ nạp khí tự nhiên, và họ được kích thích đạp ga cho đến khi chạm mốc 7.500 vòng/phút vì khối động cơ V8 3.9L không có dấu hiệu hụt hơi ở tua vòng cực đại – hiện tượng chung của nhiều động cơ tăng áp khác.
Trải nghiệm của tôi cũng phần nào khẳng định những nỗ lực của Ferrari đã gặt hái được thành công nhất định. Tất nhiên, động cơ của California T không hẳn là “zero-lag” như họ tuyên bố, nhưng nếu di chuyển từ vị trí đứng yên và chọn cấp số thấp, sự trễ tăng áp là đủ nhỏ để không khiến tôi khó chịu. Dù vậy, khi ở cấp số cao và xe đang lăn bánh ở tầm 60 km/h, khi tôi bất ngờ đạp lút chân ga, động cơ cần khoảng 1 giây để phát huy tối đa sức mạnh. Khi 2 cụm tăng áp hoạt động hết công suất, xe tăng tốc cực nhanh, mang đến cảm giác đầy phấn khích.
Trên thực tế, để đối phó với hiện tượng trễ tăng áp thì rất đơn giản, bạn chỉ cần giảm 1 hay 2 cấp số, chiếc California T sẽ ngay lập tức sẵn sàng phóng lên phía trước. Hộp số ly hợp kép 7 cấp của California T có thể phản ứng tức thời dù bạn đang ở vận tốc hay cấp số nào, nói đây là hộp số nhanh và cho cảm giác sang số “sướng” nhất trong thế giới xe thì cũng chẳng ngoa tí nào. Ngồi vào chiếc California T, bạn sẽ thấy mình gẩy lẫy chuyển số nhiều hơn bình thường, đơn giản vì nó thực sự đã! Tuy nhiên, tôi cũng phải thành thực thừa nhận rằng âm thanh động cơ và ống xả của California T không thực sự khiến bạn dựng tóc gáy như những khối động cơ nạp khí tự nhiên khác của Ferrari, dù nó cũng thuộc hàng “hát” hay nhất trong số các cỗ máy tăng áp trên thị trường.
Khả năng tăng tốc, độ phản ứng của động cơ và hộp số là một chuyện, nhưng thứ mà theo tôi, dễ gây nghiện nhất trên một chiếc Ferrari là cảm giác vô lăng. Hai bánh xe trước không chịu trách nhiệm dẫn động nên nó vô cùng nhanh lẹ và thanh thoát, hoàn toàn tuyệt đối tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào của người lái. Vô lăng trợ lực điện rất nhanh nhạy và chính xác, bẻ lái trái phải chỉ hơn 2 vòng một chút và cho cảm giác mặt đường rất tốt, khiến tôi tự tin đặt xe vào bất cứ quỹ đạo nào mình muốn. Có thể khối động cơ V10 của những chiếc Huracan cho âm thanh mê hoặc và hoang dã hơn, nhưng cảm giác vô lăng của Ferrari, dù chỉ là trên mẫu “giá rẻ” California T, là thứ mà Lamborghini chưa thực sự đạt được.
Ấn nút mở mui và chỉ 14 giây sau, bạn có thể vừa tận hưởng âm thanh ống xả trầm ấm và uy lực, vừa thưởng thức không gian thoáng đãng xung quanh, cảm giác mà chỉ một chiếc xe mui trần mang lại. Dù sở hữu hiệu suất thể thao rất đáng nể nhưng khi cần thiết, bạn có thể chuyển hộp số sang chế độ Auto và chậm rãi ngắm cảnh. Hệ thống treo từ tính Magneride rất êm ái ở chế độ Comfort nhưng lại có thể mang đến sự kiểm soát thân xe tuyệt vời ở tốc độ cao. Nhìn chung, với mức giá khoảng 500.000 USD tại Việt Nam, bạn khó có thể tìm được một cố máy thể thao nhưng lại sử dụng được hằng ngày như chiếc Ferrari California T.
Một số hình ảnh khác về Ferrari California T:
PV (tuoitrethudo)
Nguồn : https://xehay.vn/danh-gia-xe-ferrari-california-t-mo-dau-ky-nguyen-tang-ap.html