Theo báo cáo từ Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng, cả nước có 105.125 doanh nghiệp được thành lập mới và 22.765 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 19.619 doanh nghiệp, số doanh nghiệp chờ giải thể của cả nước là 33.163 doanh nghiệp và đã giải thể là 9.794 doanh nghiệp, tăng tương ứng 11,6 %; 0,1% và 5,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Điểm đáng chú ý, lĩnh vực bán buôn - bán lẻ, sửa chữa, ô tô, xe máy hấp dẫn doanh nghiệp gia nhập thị trường mạnh nhất, với 37.817 doanh nghiệp, chiếm 36,0%. Song trên thực tế, lĩnh vực hấp dẫn “khởi sự kinh doanh” bao nhiêu thì mức độ rủi ro cũng khốc liệt bấy nhiêu, khi số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngành lên tới 7.739 doanh nghiệp, chiếm 39,4%.
Theo các chuyên gia kinh tế, cạnh tranh khốc liệt cùng với các điều kiện thị trường cản trở nên số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng ô tô xe máy tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ khai tử và lâm vào tình trạng khó khăn buộc phải ngừng hoạt động.
Năm 2017, khi mốc thời điểm thuế trong khu vực giảm nhanh xuống 30% thì ngành công nghiệp (CN) ô tô Việt Nam còn đang ngổn ngang rất nhiều khó khăn. Có thể thấy hiện “vốn liếng” của ngành CN ô tô Việt Nam chẳng có là bao. Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 17%/năm) nhưng dung lượng thị trường ô tô hiện nay rất nhỏ. Năm 2010, tổng lượng xe tiêu thụ chỉ đạt gần 185.000 xe, các năm tiếp theo cũng loanh quanh ở mức dưới 200.000 xe. Năm 2014, thị trường đạt tốc độ tăng trưởng đột biến nhưng cũng chỉ đạt gần 250.000 xe và năm 2016 khoảng 300.000 xe.
Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, người tiêu dùng Việt đang có chung suy nghĩ chờ đợi mua xe giá rẻ vào năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN vào Việt Nam từ 30% sẽ giảm về 0%. Chính vì lý do đó nhiều đại lý bán lẻ, sửa chữa ô tô đua nhau giảm giá, giảm lợi nhuận nhưng vẫn sức tiêu thụ xe vẫn giảm sâu.
Bên cạnh đó, từ năm 2017, kinh doanh ô tô không chính hãng (không được nhà sản xuất, nhà phân phối cấp phép) ngày càng khó khăn hơn khi kinh doanh ô tô bị bổ sung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có cơ sở bảo hành và giấy tờ nhập khẩu chính hãng. Điều này khiến nhiều DN ô tô đang kinh doanh không thể trụ vững.
hath-iq (forum.autodaily.vn)
Nguồn : http://autodaily.vn/2017/10/doanh-nghiep-oto-xe-may-sinh-nhieu-tu-cung-lam/