Trong lịch sử hãng xe BMW, có một thời kỳ tồn tại 'người anh em song sinh' mang tên EMW đại diện cho đất nước Đông Đức và chiếc EMW 340 được coi là chiếc xe cao cấp trong khối Xã hội chủ nghĩa.
Mẫu xe EMW 340
Chiếc xe sở hữu khung gầm lớn, chắc chắn, với ghế ngồi mềm mại, thoải mái. Cabin gần như là tất cả tiện nghi có thể tưởng tượng vào thập niên 1940, được hoàn thiện đẹp. Động cơ dung tích 2 lít mạnh mẽ, kết hợp với hộp số 4 cấp đồng bộ, trục lái kiểu bánh răng-thanh răng, phanh thủy lực, hệ thống bôi trơn trung tâm. Nhìn chung, đây là chiếc xe thuần Đức với lôgô quen thuộc trên lưới tản nhiệt. Tuy nhiên vào năm 1951, khi chiếc xe ra đời, biểu tượng BMW màu xanh đã được thay bằng màu đỏ, và quốc gia nơi nó sinh ra được gọi là CHDC Đức đã 2 năm.
Khác biệt chính giữa cabin EMW 340 với phiên bản trước chiến tranh là vô-lăng và cần số bố trí sát vô-lăng có màu sáng theo mốt thập niên 1940. Các đồng hồ hiển thị cũng thay đổi thiết kế.
'Vì người dân Thuringia'
Đó là những từ được ghi trong quyết định (của Cơ quan quản lý Liên Xô tại Đức - SVAG) về việc khôi phục sản xuất tại nhà máy của BMW ở Eisenach. Tại Munich trước chiến tranh người ta đã không còn chế tạo xe hơi, mà chỉ xuất xưởng xe máy và sản phẩm chính là động cơ máy bay. Nhà máy của Bavaria (BMW) ở Munich khi đó đã đổ nát, trong khi nhà máy ở Thuringia có thể hoạt động. Các thiết bị của hãng AMBI-Budd - nhà cung cấp khung gầm chính cho BMW, được đưa về từ Berlin, và năm 1946 nhà máy bắt đầu cho ra lò mẫu xe trước chiến tranh Series 320. Nhà máy nằm trong thành phần Công ty Cổ phần Liên Xô-Đức Avtovelo, hoạt động dưới sự giám sát của SVAG.
Ngoài đồng hồ hiển thị mức nhiên liệu và nhiệt độ nước còn có cảm biến áp suất, và thậm chí là nhiệt độ dầu.
Các công nhân, kỹ sư và nhà thiết kế, trong đó có thiết kế gia tài năng Hans Fleischer, người khởi nghiệp như một thợ cơ khí ở Eisenach năm 1935, đã quay trở lại nhà máy. Sau đó, Fleischer đã thiết kế tất cả các xe ôtô mang thương hiệu Wartburg, nhưng đó là mãi sau này. Hai nước Đức lúc đó vẫn chưa hình thành, mà chỉ là các khu vực chiếm đóng ở phần Đông và Tây, và chưa ai nghĩ đến việc chia 2 nước Đức. Không ít những chiếc BMW sản xuất tại Thuringia được đưa tới Liên Xô như một hình thức bồi thường chiến tranh. So với những chiếc BMW sản xuất trước chiến tranh, được đưa tới Liên Xô như chiến lợi phẩm, những chiếc xe sản xuất ở Thuringia cũng không có gì khác biệt.
Trưởng giả phương Đông
Năm 1951 tại Frankfurt diễn ra triểm lãm ôtô lớn đầu tiên của Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong số nhiều sản phẩm mới tự hào chứng minh ngành công nghiệp Đức hồi sinh sau chiến tranh, có chiếc BMW-501 chắc chắn với thân hình tròn trịa cùng đôi cánh khổng lồ. Nhà máy chính của BMW tại Munich chỉ khôi phục lại vào năm 1947, nhưng không ngay lập tức nhận được giấy phép của nhà chức trách Mỹ. Ban đầu nhà máy sản xuất xe máy, và phải khó khăn lắm 4 năm sau mới xuất xưởng xe hơi.
Logo mới đại diện cho mẫu xe Xã hội chủ nghĩa của BMW
BMW 501 tạo ấn tượng vương giả và sớm có biệt danh là 'Thiên thần Baroque' - phong cách thiết kế vương giả tại châu Âu. Cũng giống như chiếc xe 2 năm trước đó ra đời ở Thuringia – mẫu xe này chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Đương nhiên nhà máy chính của BMW và nhà máy ở Thuringia đều sử dụng những thiết kế xe trước chiến tranh. Tuy nhiên, trung tâm chế tạo ôtô trước chiến tranh của BMW ở Eisenach đi trước. Bằng nhiều nỗ lực, Hans Fleischer và các đồng nghiệp của ông đã chế tạo 3 nguyên mẫu (2 chiếc BMW 342 và 1 chiếc BMW 343) tại cơ sở của nhà máy Eisenach trước chiến tranh, với khung gầm có những thay đổi lớn, song giống với chiếc BMW 501 chế tạo tại Munich.
Ở Đông Đức, xe được sản xuất hàng loạt năm 1949 với rất ít khác biệt so với mẫu xe trước chiến tranh BMW 340. Và giống như chiếc BMW 501 chế tạo tại Tây Đức, chiếc xe này có thể gọi là 'thiên thần của chủ nghĩa xã hội”.
Xe có cửa mở kiểu dựa vào nhau
Tháng 10/1949, tại khu vực do Liên Xô chiếm đóng hình thành nước Cộng hòa Dân chủ Đức, với Chủ tịch là ông Wilhelm Pieck. BMW 340 trên thực tế là chiếc xe con đầu tiên (không sao chép hoàn toàn trước chiến tranh) của nhà nước mới.
Mẫu EMW 340 là chiếc BMW 326 được thiết kế lại song có nhiều thay đổi thực sự, so với những thay đổi nhỏ thường thấy trong thời đại chúng ta. Động cơ, hộp số và hệ thống động lực không thay đổi, song đôi cánh, cửa trước, phần đuôi và capô … có những thay đổi lớn. Cánh trước được gắn đèn pha lớn, và theo truyền thống của BMW, lưới tản nhiệt với các 'lỗ mũi', được xem là mốt thời trang khi đó, có thiết kế thanh ngang.
Đồng hồ hơn nửa thế kỷ 'vẫn chạy tốt'
Theo thói quen, chiếc xe hầu như không khác những người “anh em” BMW trước chiến tranh là mấy. Động cơ công suất 55 mã lực với hai bộ chế hòa khí giúp xe tăng tốc khá tốt. Phanh thủy lực, tự động điều chỉnh khoảng cách giữa má phanh và tang trống hoạt động khá tốt. Tay lái theo chuẩn mực những năm đó hoàn toàn chấp nhận được. Hệ thống treo đem lại sự êm ái – hóa giải tối đa những mấp mô trên đường.
Cabin sang trọng với sopha sau bọc da và 3 tay vịn có thể gập ghế lên
Tuy nhiên chiếc xe sẽ hoàn thiện hơn nếu cần số không bố trí phía dưới vô-lăng, điều được xem là xu hướng thời trang từ thập niên 1940. Trong xe không có gì đặc trưng rõ ràng của chiếc BMW Series 320. Bù lại chiếc xe mới hoàn thiện hơn. Cabin xe rộng rãi, thoải mái, thậm chí cả với người điều khiển, còn hàng ghế sau có thể xem là sang trọng.
Trên chiếc 'đi-văng' này, người Đông Đức những năm 1950 có lẽ đã suy nghĩ tốt về việc xây dựng một nước Đức 'đúng nghĩa”. Những chiếc sedan như thế này đã được sử dụng cho cán bộ tỉnh và thậm chí là cán bộ cấp quốc gia. CHDC Đức khi đó cũng được chia thành các tỉnh (và Eisenach thuộc tỉnh Erfurt)
Động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng dung tích 2 lít nổi tiếng về độ tin cậy. Những động cơ này sau chiến tranh được cung cấp cả cho nhà máy BMW ở Munich, và xe hơi lắp tại Thuringia
Đương nhiên các công dân bình thường của CHDC Đức không thể sở hữu một chiếc xe như vậy. Và cả tại Liên Xô, nơi chiếc 340 được đưa tới, không phải ai cũng có thể mua chiếc xe này. Theo hồi ức của những người đương thời, chiếc xe Đức có các thông số kỹ thuật thấp hơn chút ít so chiếc Pobeda của Liên Xô. Vì vậy, BMW Đông Đức là một trong số ít những chiếc xe nước ngoài được bán tại Liên Xô.
Xanh và đỏ
Năm 1951, màu logo và tên chiếc xe sản xuất tại Eisenach được thay đổi. Hãng BMW tại Munich cũng bắt đầu xuất khẩu xe của hãng (BMW sản xuất tại Thuringia bán chủ yếu ở Scandinavia), và trong một khoảng thời gian đã xảy ra nghịch lý: hai nhà máy ở hai nước, không thân thiện với nhau, đều cung cấp ôtô dưới một thương hiệu. Nhà máy ở Munich đã kiện đòi tên gọi và lôgô của nhà máy ở Eisenach. Chính vì vậy, màu sắc lôgô chiếc ôtô Đông Đức chuyển sang màu đỏ, đồng thời tên gọi chuyển thành EMV.
Bản biến thể xe cấp cứu
Khá lâu sau đó, vào năm 1952, Đông Đức chính thức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tháng 7/1953, xảy ra cuộc đình công của công nhân Đức ở Berlin, do giá cả tăng cao và việc tăng hạn ngạch sản lượng. Làn sóng biểu tình nổ ra trên khắp đất nước và Liên Xô phải dùng tới xe tăng để ngăn chặn. Hai năm sau, lịch sử của BMW Đông Đức cuối cùng cũng đi đến hồi kết. Sau mẫu xe 340, tại Eisenach bắt đầu sản xuất xe Wartburg.
Trở lại với lịch sử: xe sản xuất tại Thuringia được gọi theo tên lâu đài nổi tiếng ở Eisenach từ cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên điều cũng không kém phần quan trọng là một tên địa lý và biểu tượng trung lập cho xe XHCN. Từ lâu chưa có thương hiệu EMW, và cả Wartburg, tại Đông Đức cũng như Liên Xô nhưng chiếc xe vẫn sống và hoàn toàn khả thi. Như bạn đã biết, sống trong một kỷ nguyên thay đổi không hề dễ dàng.
Từ B đến E
BMW 340 sản xuất tại Eisenach từ năm 1949, tới năm 1951 nó được đổi tên thành EMW 340. Với động cơ 2 lít trước chiến tranh, kết hợp với 2 bộ chế hòa khí để đạt công suất 55 hp (Từ 1951 công suất tăng lên 57 mã lực), cùng hộp số 4 cấp, xe có thể đạt tốc độ tối đa 120km/h.
Ngoài ra từ chiếc sedan này người ta còn hoán cải sang cấu hình đa chức năng (tiếng Đức là combi), xe tải, xe cứu thương, thậm chí chế tạo một số xe tay lái nghịch. Đến năm 1955, tổng cộng 21.249 xe đã xuất xưởng, chủ yếu là sedan (18.819 chiếc). Trong năm 1951, nhà máy đã sản xuất 8.537 xe gắn mác EMW 340.
Tâm Khanh
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)