Khoang máy ôtô là nơi hoạt động của động cơ và các thiết bị chính trên xe, có nhiều không gian hở và ngóc ngách nên dễ bám bẩn trong quá trình sử dụng xe. Các xe đậu ngoài bãi hoặc các hầm đỗ ẩm thấp đều là nơi ưa thích để chuột và các côn trùng chui vào khoang máy làm ổ.
Khi chuột đã tìm được nơi lý tưởng để làm ổ, chúng sẽ tha rác và các thức ăn vào khoang máy, kết hợp với phân, nước tiểu của chúng tạo nên mùi khó chịu hút vào trong lọc gió động cơ.
Đây cũng là dấu hiệu nhận biết có chuột trong khoang xe. Dấu hiệu khác là, trong một số trường hợp, xe của bạn đang hoạt động bình thường bỗng dưng bị mất tín hiệu còi, đèn hoặc gạt mưa do chuột cắn dây điện. Trường hợp xấu nhất là chuột bị chết trong khoang máy làm mùi chuột chết rất khó chịu.
Do đặc tính hay cắn phá nên khi chuột vào khoang máy chúng sẽ làm dây điện và các bộ phận khác trong khoang máy gây nguy cơ cháy nổ và mùi khó ngửi trong xe.
Dây điện bị cắn hở có khả năng phát ra các tia lửa điện trong túi dây, nếu các đoạn dây hở đó gặp đường xăng chảy từ tuy-ô gây nguy cơ cháy xe. Nhiều trường hợp khác, chuột cắn bình chứa nước làm mát động cơ, dẫn tới tình trạng rò rỉ làm cho động cơ bị nóng lên gây ra những hỏng hóc khác trên xe. Thậm chí dây curoa thắt vào khiến chuột chết trong khoang xe.
Không ít chủ xe dùng chai xịt nhiều dầu để phun vào khoang máy với hy vọng dầu ngăn cản chuột vào xe. Tuy nhiên, các chai xịt nhiều dầu này gây bám bụi khiến việc kiểm tra các chi tiết bên trong khoang máy không chính xác.
Những sai lầm phổ biến khác để chống chuột vào xe như: Dùng túi chống chuột ôtô, tinh dầu chống chuột, máy đuổi chuột trên ôtô, xịt thuốc xịt muỗi vào khoang máy, treo băng phiến đuổi chuột (dùng long não đuổi chuột), treo đuôi mèo khô trong khoang máy, lắp lưới mắt cáo dưới gầm xe, đặt thuốc diệt chuột...
Cách đuổi chuột hiệu quả nhất là thường xuyên vệ sinh khoang máy nhằm loại bỏ hoàn toàn phân, nước tiểu, thức ăn và ổ của chuột. Bởi vì khi nơi cư trú của chuột bị loại bỏ, chúng sẽ không quay trở lại làm tổ nữa. Bên cạnh đó, việc duy trì lịch làm sạch khoang máy thường xuyên sẽ tăng khả năng phát hiện các hỏng hóc cũng như gây mất an toàn ngay khi có chuột phá hoại.
Có 2 cách vệ sinh khoang máy chính. Thứ nhất là vệ sinh khoang máy nhanh bằng cách dùng máy bơm hơi và bình xịt khí để làm sạch các chất bẩn, dầu mỡ, bụi... bám trên bề mặt khoang máy và phun xịt hợp chất bảo vệ bề mặt khoang máy sau khi đã làm sạch.
Đối với khoang máy quá bẩn, chủ xe nên đem xe đến các trung tâm chăm sóc ôtô chuyên nghiệp, dùng dung dịch vệ sinh khoang máy làm mềm chất bẩn và dùng vòi nước áp lực cao để rửa khoang máy sau đó bảo vệ bề mặt khoang máy bằng dung dịch dưỡng nhựa chuyên dùng. Thời gian thực hiện từ 20-40 phút giúp loại bỏ hiệu quả phân và nước tiểu chuột, rác và các loại nhớt cặn bẩn...
Khoang máy xe ôtô hiện đại được thiết kế chịu nhiệt độ cao và chịu nước. Tuy nhiên, khi làm sạch cần hiểu rõ cấu tạo khoang máy của từng loại xe nhằm bảo đảm các thiết bị cảm biến, các đầu hút gió và các bộ phận điện tử được bảo vệ tránh nước, hợp chất phủ và dung dịch tẩy rửa xâm nhập.
Mọi người thường rửa khoang máy tại các điểm rửa xe tự phát, thiếu đào tạo về kỹ thuật chăm sóc xe nên các nơi này thường gây lỗi cảm biến cho xe sau khi rửa.
Hoặc để rút ngắn thời gian vệ sinh khoang máy, họ dùng chất tẩy rửa mạnh để làm sạch bề mặt bị dính chất bẩn cứng đầu, gây rủi ro lớn cho hệ thống điện và cảm biến của khoang máy. Hóa chất không rõ nguồn gốc có thể gây đứt, chập cháy các thiết bị điện, gây lỗi cho các cảm biến...
Phương pháp an toàn để làm sạch khoang máy là dùng hợp chất chuyên dụng với thành phần từ chất phân hủy hữu cơ (như All Purpose Degreaser của Eco Touch hoặc McKee's 37 Pro Series Engine Degreaser) và dùng bọt tuyết như HydroFoam của CarPro hoặc Ultra Foam của TACSYSTEM để làm mềm chất bẩn hiệu quả rồi mới dùng nước để rửa sạch.
Dùng các chai dưỡng nhựa khoang máy với thành phần từ gốc nước (như Perl của CarPro) để giúp bề mặt nhựa bóng mờ không bám bụi và không gây nhờn.