Ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô chính thức được đưa vào nhóm ngành kinh doanh có điều kiện.
Kết quả biểu quyết tại Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Dự án luật bổ sung một số ngành kinh doanh có điều kiện, trong đó có sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành xe ôtô, đã được Quốc hội thông qua trong phiên họp sáng nay, 22/11. Dự luật sau khi được thông qua với tỷ lệ hơn 83% đại biểu đồng ý có tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017, tuy nhiên sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017. Ngoài ra, Chính phủ sẽ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh các ngành, nghề này.
Ảnh quang cảnh Triển lãm ôtô nhập khẩu VIMS 2016. Nhập khẩu xe hơi từ 2017 được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, tranh cãi xung quanh việc kéo dài hay không Thông tư 20 chính thức chấm dứt. Thông tư 20 của Bộ Công thương, ra đời năm 2011, cũng đã đưa ra điều kiện đối với các nhà nhập khẩu xe hơi là phải có giấy uỷ quyền chính hãng và phải đảm bảo cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn của Cục đăng kiểm.
Trước đó, ngày 29/10, Chính phủ đưa ra lấy ý kiến tại Uỷ ban Kinh tế Quốc hội dự án luật sửa đổi bổ sung các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo luật Đầu tư, trong đó bãi bỏ 27 ngành nghề, bổ sung 15 ngành nghề. Trong số 15 ngành nghề được bổ sung, đáng chú ý là ngành nghề thứ 81 liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành xe ôtô.
Theo tài liệu tại phiên họp, việc bổ sung này xuất phát từ đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).
Thông tư 20 tạo ra sự tranh cãi gay gắt nhiều tháng qua, kể từ khi hết hạn vào tháng 7/2016. Trong các cuộc họp từ đó đến nay do Bộ Công thương, các doanh nghiệp kinh doanh ôtô nhỏ và vừa kịch liệt phản đối việc kéo dài Thông tư 20 vì cho rằng đây là rào cản trái phép đối với thị trường. Ngược lại, các doanh nghiệp đang có giấy uỷ quyền chính hãng lại ủng hộ mạnh mẽ việc kéo dài Thông tư 20. Lý do được đưa ra là có quá nhiều doanh nghiệp mua xe ở nước ngoài từ các cửa hàng không rõ xuất xứ, làm tăng nhập siêu, không quan tâm bảo hành v.v.. Đại diện UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh Công ty cổ phần ôtô Trường Hải đã đóng góp cho ngân sách địa phương 16.000 tỉ đồng, chưa kể thuế giá trị gia tăng, tạo ra hàng nghìn việc làm.
T.T.
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)