Nguy cơ hoả hoạn xảy ra do những khối pin có lỗi trong dây chuyền sản xuất của nhà cung ứng - bộ phận năng lượng LG Energy Solution thuộc chi nhánh hoá chất LG Chem, tập đoàn Hàn Quốc LG. Được sản xuất tại các nhà máy ở Hàn Quốc và Michigan - Mỹ, lỗi trong dây chuyền khiến lô pin li-ion có chấu cực dương dễ bị xé ra và những vách ngăn an toàn bị gấp gãy, gây chập cháy 'trong trường hợp hiếm hoi'. Cho tới 26/8/2020 đã có ít nhất 12 vụ hoả hoạn liên quan tới những chiếc Chevrolet Volt được báo cáo, thuộc đời từ 2017 tới 2019. Trong đó đã có 5 vụ được xác định chắc chắn do pin.
Để hạn chế nguy cơ hoả hoạn, GM đã phải khuyến cáo các khách hàng tạm thời không được sạc pin đầy quá 90% và chỉ chạy xe cho tới khi mức pin còn lại khoảng 30% (hay đi được 113km nữa). Ngoài ra họ cũng được khuyến cáo đỗ xe ngoài trời. Những chiếc xe bị lỗi sẽ được thay thế một số cell pin, hoặc toàn bộ khối pin. GM hiện đang phải chạy đua với thời gian để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên vấn đề ở đây đó là lượng xe bị triệu hồi quá lớn khiến lượng pin sản xuất không đủ. Hiện tại, những cell pin mới có thể sẽ không được giao trước tháng 11 năm nay.
Có thể nói cuộc triệu hồi của GM đối với Chevrolet Bolt là bê bối lớn nhất liên quan tới xe điện từ trước tới nay. Ước tính tổng thiệt hại mà hãng phải chi ra để xử lý hết gần 150.000 chiếc xe lỗi là 1,8 tỷ USD - hay trung bình 12.675 USD/xe. Thêm vào đó, GM buộc phải dừng sản xuất những chiếc xe mới cho tới khi LG khắc phục được dây chuyền chế tạo và cung cấp các lô cell pin không còn lỗi. Tổng dung lượng pin bị lỗi lên tới 9,2 - 9,4GWh trong khi 7 tháng đầu năm nay trên toàn cầu, LG mới chỉ sản xuất được hơn 33GWh - hay ít hơn 5GWh mỗi tháng.
GM cũng cho biết tập đoàn này sẽ đòi LG Energy Solution phải đền bù thiệt hại gây ra bởi đợt triệu hồi. Ngoài GM, một đợt triệu hồi lớn khác cũng liên quan tới pin xe điện do LG Energy Solution cung cấp đã được Hyundai bắt đầu thực hiện hồi đầu năm nay. Trong đó có hơn 80.000 chiếc Hyundai Kona Electric, IONIQ và xe khách Elec City bị triệu hồi trước nguy cơ hoả hoạn do pin, với tổng chi phí ước tính 900 triệu USD. Tuy nhiên theo LG Energy Solution, lỗi xảy ra ở đợt triệu hồi này không chỉ do pin của hãng, mà còn do hệ thống quản lý pin của Hyundai được lập trình không đúng khuyến cáo.
Quang Nam
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)