Với các mẫu xe ô tô dù cũ hay mới, chúng ta đều có thể thấy rằng ở phía đuôi xe luôn có thêm hai đèn dạng phản quang được đặt ở vị trí thấp, thường là ở cản sau. Một số người cho rằng đây là xu thế thiết kế chung của ngành công nghiệp ô tô trong thời gian qua.
Tuy nhiên, đây không hẳn là lý do chính. Theo tìm hiểu từ một số nhà sản xuất như Chevrolet và KIA, phóng viên tạp chí The Drive phát hiện ra rằng các kỹ sư thiết kế đèn phản quang như vậy nhằm mục đích tôn lên được vẻ đẹp độc lập của hệ thống đèn hậu. Thông thường, đèn hậu đều mang thiết kế đặc trưng, có tính nhận diện riêng của các hãng ô tô.
Đèn phản quang thường được đặt ở vị trí thấp trên đuôi xe
Thêm vào đó, xu thế hiện nay là đèn chiếu sáng hoặc đèn hậu dạng LED đều được thiết kế theo hơi hướng hẹp, gọn và kéo dài. Do đó, việc để đèn phản quang ở cùng đèn chiếu hậu sẽ khiến hệ thống đèn phía sau của xe trở nên rối mắt hơn. Chính vì thế, các kỹ sư thiết kế đã tách biệt riêng phần đèn phản quang và đưa xuống thấp trên đuôi xe.
Ngoài ra, theo quy định về an toàn tại nhiều thị trường lớn, xe bắt buộc phải có đèn phản quang ở đuôi xe. Một số nước còn quy định lắp cả đèn phản quang ở ngang hông xe. Vì thế, các nhà sản xuất ô tô sẽ phải có chi tiết này nếu muốn thông qua các thử nghiệm an toàn của nước sở tại. Đây là một phần lý do khiến đèn phản quang ở đuôi xe được chuyển dần xuống vị trí thấp trên cản sau của xe. Mỗi nhà sản xuất ô tô sẽ có những cách thiết kế riêng để tạo sự bắt mắt cho cụm đèn phản quang này sao cho tôn được vẻ đẹp của chiếc xe khi nhìn từ phía sau cũng như tạo những nét nhận riêng cho mẫu ô tô của mình.
Một số hình ảnh đèn phản quang ở phía đuôi xe trên các mẫu xe ngày nay và trước kia:
KIA Sportage 2011 với cụm đèn phản quang khá lớn
KIA Sportage 2021 với cụm đèn phản quang thấp hơn.
Hyundai Santa Fe 2010 với cụm đèn phản quang khá thô.
Đèn phản quang ở Hyundai Santa Fe 2021 đã trở nên tinh tế hơn.
Đèn phản quang ở Kia Sorento 2010
KIA Sorento 2021 với đèn phản quang được thiết kế hiện đại nằm cùng cản sau.
Hoàng Hiển