Dự án xe buýt nhanh (BRT) tại Hà Nội đã bị chậm tiến độ nhiều năm (ảnh minh họa)
UBND TP Hà Nội ban hành văn bản 5384/UBND-ĐT chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện hợp phần xe buýt nhanh (BRT) từ Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa thuộc Dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội.
Theo đó, UBND Thành phố giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục hủy thầu gói thầu CP07, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu và Hiệp định tín dụng tài trợ cho Dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội đã được ký kết; làm việc với Ngân hàng Thế giới để thống nhất việc hủy Gói thầu CP07, không thực hiện gia hạn Hiệp định, có phương án điều chỉnh việc sử dụng nguồn vốn của Hiệp định bảo đảm phù hợp, hiệu quả, đúng quy định, có phương án sử dụng hiệu quả số xe BRT đã đặt sản xuất.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với CATP, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để đưa tuyến buýt nhanh BRT vào hoạt động, bảo đảm an toàn giao thông, đảm bảo tiện lợi và an toàn cho hành khách (phương án tổ chức giao thông, việc chạy thử nghiệm, sơn kẻ vạch chia làn, rào ngăn, còi báo hiệu phương tiện...); bổ sung cơ sở vật chất các trạm chờ để tạo sự tiện lợi cho hành khách (quạt làm mát, máy thu hình, internet không dây, cây cảnh...); phấn đấu đưa tuyến buýt nhanh BRT vào khai thác, sử dụng trong tháng 12-2016.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ các nội dung liên quan đến dự án để thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của dư luận xã hội trong việc đưa tuyến buýt nhanh BRT tham gia vào hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô.
Trước đó, tại cuộc họp cuối tháng 5-2016, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Huy Quang cho biết, thành phố đã chỉ đạo phải đưa tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT) Kim Mã – Yên Nghĩa vào hoạt động cuối năm nay nhưng dự án này đang gặp nhiều khó khăn. “Với BRT, bắt buộc phải có đường ưu tiên. Tuy nhiên, mật độ giao thông trên tuyến Kim Mã – Yên Nghĩa rất lớn nên việc lập riêng một tuyến ưu tiên 100% cho BRT là khó khả thi. Vì thế, chúng tôi đang cùng với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tính toán thật kỹ phương án tổ chức giao thông cho loại hình phương tiện mới này” – ông Hà Huy Quang nói.
Dự án BRT Kim Mã – Yên Nghĩa dài 14,7km, đi theo lộ trình Kim Mã - Giang Văn Minh - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) - Ba La - Bến xe Yên Nghĩa. Dự án này bị chậm tiến độ vì nhiều lý do khác nhau.
Phương Mai (ANTĐ)