Khi đời sống kinh tế của con người ngày càng khá lên, việc theo đuổi một niềm đam mê sẽ không có gì là sai trái nếu như niềm đam mê đó nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Cách đây khoảng chừng chục năm trở về trước, việc nhìn thấy một chiếc xe mô tô phân khối lớn (PKL) trên đường phố là điều khá hiếm hoi thì vài năm trở lại đây việc bắt gặp những 'con ngựa sắt' khổng lồ, đắt tiền dạo chơi trên đường đã trở nên quá bình thường. Đặc biệt kể từ ngày 1/3/2014, thời điểm mà thông tư 38 của Bộ GTVT chính thức có hiệu lực đã thực sự biến ước mơ được sở hữu xe mô tô phân khối lớn của nhiều người trở thành hiện thực.
Đoàn mô tô phân khối lớn bị lực lượng chức năng chặn lại, kiểm tra do có vi phạm Luật giao thông
Nếu như trước đây đối tượng được cấp bằng lái A2 để điều khiển xe mô tô PKL thường có chọn lọc từ lực lượng vũ trang hoặc thành viên của các liên đoàn, câu lạc bộ mô tô thể thao chịu sự quản lý của nhà nước thì kể từ ngày 1/3/2014 chỉ cần đạt những yêu cầu tối thiểu thì bất kỳ ai cũng dễ dàng có được bằng lái A2 trong tay mà không phải chịu bất kỳ sự chi phối hay quản lý nào.
Bên cạnh một số tổ chức, liên chi đoàn mô tô PKL sử dụng niềm đam mê của mình để cống hiến cho xã hội như tham gia vào các đoàn thi đấu thể thao, phụ trách việc mở dẫn đường, bảo vệ các đoàn đua xe đạp, các giải đấu…thì với nhiều người, việc sử dụng mô tô PKL không phải là thể hiện đam mê với dòng xe này, mà là để thể hiện sự giàu có, “đẳng cấp” của mình, hình thành nên những nhóm phượt, đi bão, để rồi gây ra nhiều trường hợp vi phạm về TTATGT, gây ảnh hưởng đến an toàn và tính mạng của người khác.
Kể từ sau khi thông tư 38 ra đời, số lượng người chơi mô tô gia tăng rất nhanh, người có tiền dễ dàng mua được xe và bất kỳ ai cũng có thể có bằng lái A2 , vì thế đã gây ra một cái nhìn thiếu thiện cảm từ phía cộng đồng dành cho những người chơi mô tô PKL dàn hàng ngang, lấn tuyến trái phép và chạy vượt quá tốc độ để thể hiện “đẳng cấp” luôn là nỗi ám ảnh của người dân khi tham gia giao thông.
Đoàn phượt bằng mô tô phân khối lớn này gồm 32 chiếc
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông liên quan trực tiếp đến xe mô tô PKL không nhiều, song những nguy cơ tiềm ẩn từ loại phương tiện này mới thực sự khiến người dân bức xúc. Việc một bộ phận người sử dụng xe PKL không có ý thức, lưu thông trên đường thường xuyên nhấn còi, nẹt bô, nẹt ga luôn làm cho người đi đường hoảng loạn. Thậm chí đối với một số người thần kinh yếu, khi bất ngờ nghe tiếng nẹt bô, nẹt ga này của các xe PKL, họ có thể không vững tay lái, té ngã ra đường, gây náo loạn giao thông…
Số lượng các đoàn xe mô tô PKL và các xe cá nhân gây mất TTATGT và thậm chí là người điều khiển xe không làm chủ được tay lái cũng gây ra rất nhiều trường hợp TNGT. Vì vậy, phía các cơ quan chức năng, đặc biệt là CSGT đã ở các tỉnh thành, địa phương đã phải lên kế hoạch nhiều chuyên đề, tổ chức các đợt kiểm tra, truy bắt các trường hợp vi phạm trên.
Mới đây ngày 26/8, Trạm CSGT Hàm Tân thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt, Công an tỉnh Bình Thuận đã tổ chức phối hợp với Công an huyện Hàm Thuận Nam tiến hành đo tốc độ và chốt chặn tại Trạm thu phí Sông Phan (Hàm Thuận Nam) trên QL1A.
Lý do là vào những ngày cuối tuần có rất nhiều đoàn xe mô tô “khủng” chạy với tốc độ chóng mặt, lấn sang làn đường ô tô chọn đây là điểm tập kết. Đến 9 giờ 35 cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện đoàn xe mô tô “siêu khủng” gồm 32 chiếc, mỗi chiếc từ 750 đến hơn 1.000 phân khối chạy từ TP.HCM ra Phan Thiết. Lực lượng kiểm tra đã yêu cầu đoàn này dừng xe kiểm tra.
Trong đó có 4 mô tô chạy quá tốc độ bị lập biên bản, thu hồi giấy tờ 3 xe; 1 xe còn lại vi phạm tốc độ mang biển số TP.HCM và không xuất trình được giấy đăng ký xe nên lực lượng CSGT đã lập biên bản tạm giữ.
Như đã nói, với mỗi chiếc mô tô PKL từ 750 – 1000 phân khối, nếu gây ra TNGT, hậu quả mà nó mang lại rất lớn, đa số là phải trả giá bằng cả mạng sống của chính mình, chưa kể kéo theo đó là những người vô tội. Theo một số bài đánh giá, số lượng người chơi xe mô tô PKL thiếu kỹ năng cần thiết cho việc điều khiển cũng như ít trang bị pháp luật liên quan lên đến 70 – 80%. Đây có thể xem là nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập liên quan đến xe mô tô PKL.
Vì vậy, việc CSGT trạm Hàm Tân cũng như Phòng PC 67 Công an tỉnh Bình Thuận kiên quyết lập điểm chốt chặn, bắt và xử lý những trường hợp vi phạm trong đoàn mô tô khủng trên rất được người dân hoan nghênh.
Trong thời gian tới, nhất là các ngày nghỉ lễ như ngày Quốc khánh 2/9 tới đây chắc chắn sẽ hình thành nên những đoàn “phượt” PKL trên các nẻo đường, lúc đó việc các đơn vị CSGT trên khắp các địa bàn ngăn chặn, kiên quyết xử lý mạnh tay những trường hợp phượt thủ vi phạm sẽ góp một phần lớn vào việc giữ gìn ANTT, bảo đảm cho người dân một kỳ nghỉ an toàn dù trên mọi nẻo đường.
Nhóm PVMĐ (ANTĐ)