Việc ban hành các quy định phải đảm bảo tính thống nhất, dễ hiểu cho người tham gia giao thông
Những nội dung của Quy chuẩn 41 có thể nói đã “đá” chan chát với nội dung Luật Giao thông đường bộ. Anh Nguyễn Văn Quang, lái xe cho một công ty dịch vụ vận tải than thở: “Theo tôi được biết, Luật Giao thông đường bộ cao nhất so với các Thông tư, Nghị định hay quy định. Đằng này những nội dung trong Thông tư 06/2016 của Bộ GTVT lại có thể “điều chỉnh” lại cả luật khiến lái xe như tôi chẳng thể hiểu được cần phải thực hiện quy định nào thì mới là đúng khi tham gia giao thông”. Trong trường hợp như Quy chuẩn 41 quy định, nếu dừng lại trước vạch sơn khi có đèn vàng mà có thể sẽ gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp. Vậy khi lái xe ô tô đi tiếp thì có bị CSGT tuýt còi xử phạt hay không, bởi theo Luật Giao thông đường bộ thì như thế là phạm luật”.
Lái xe băn khoăn không hiểu
Trước việc quy định xe ô tô tải với khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg được xem là xe ô tô con tại Điểm 3.30, Điều 3 - Quy chuẩn 41, nhiều lái xe bày tỏ sự bất ngờ. Anh Nguyễn Trung Kiên cho biết, gia đình anh có chiếc xe tải Suzuki 500kg, trong đăng kiểm là 1.430 kg thì chiếu theo Quy chuẩn 41 phương tiện của anh sẽ là xe ô tô con…
Vậy, những giấy phép đi vào phố cấm mà từ trước đến nay anh vẫn phải xin Phòng CSGT cấp theo Quyết định 06 của UBND TP có cần thiết nữa hay không? Bởi đã là xe con thì được phép đi thoải mái trong các tuyến phố kể cả giờ cao điểm. Bên cạnh đó, nhiều lái xe cũng bày tỏ băn khoăn như: trên giấy đăng kiểm xe tải loại này ghi là xe tải, nhưng theo Quy chuẩn 41 thì lại là xe ô tô con. Vậy khi phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ mức xử phạt sẽ được tính như thế nào?
Anh Nguyễn Việt Hùng, lái xe cho một hãng vận tải ở Hà Nội chia sẻ: hiện nay, BKS của phương tiện xe tải đăng ký biển C, vậy theo Quy chuẩn 41 thì có phải đổi sang biển A hay không, và mức phí đăng ký, đổi biển này sẽ như thế nào?
Nhiều bất hợp lý trong Quy chuẩn 41
Trước những băn khoăn của các lái xe và người dân, phóng viên Báo ANTĐ đã trao đổi với Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội về vấn đề này. Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, những quy định trên của Quy chuẩn 41 đã “đá” Luật và các quy định khác có liên quan. Riêng việc quy định xe tải dưới 1.500 kg là xe ô tô còn thì chỉ trong một ngày trên các tuyến phố nội đô sẽ tràn ngập xe tải loại nhỏ.
Quy chuẩn này có hiệu lực hơn nửa năm nay và ngay sau khi có hiệu lực, CSGT đã kiến nghị các cơ quan chức năng rất nhiều lần để xem xét sửa lại những chỗ chưa hợp lý, nhưng đến nay tất cả vẫn lặng im. Việc Quy chuẩn 41 này ra đời nhiều quy định đã khiến cho tình hình ATGT thêm phức tạp, gây khó khăn cho lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ.
Đối với những băn khoăn về việc quy định xe tải “biến” thành xe con và “vượt” đèn vàng khi lái xe tiến sát vạch sơn không dừng lại được và cảm thấy nguy hiểm, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, lực lượng CSGT vẫn căn cứ vào quy định cao nhất đó là Luật Giao thông đường bộ để kiểm tra, xử lý. Những Thông tư, Nghị định hay Quy chuẩn đưa ra không thể trái với luật được và những bất cập này cần phải nhanh chóng được thay thế, sửa chữa.
Cũng theo chỉ huy Phòng CSGT, Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cũng đã khẳng định những bất hợp lý của một số nội dung trong Quy chuẩn 41, đồng thời đề nghị Bộ GTVT sớm có báo cáo về những vấn đề có liên quan.
Hoàng Phong (ANTĐ)