Việc ban hành các quy định phải đảm bảo tính thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông
Liên quan đến nội dung trên, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật SBLAW cho rằng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (gọi tắt là Quy chuẩn 41) được ban hành kèm theo Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT có hiệu lực pháp lý thấp hơn Luật Giao thông đường bộ 2008. Do đó, khi có sự không thống nhất thì sẽ áp dụng các quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Nhiều quy định thiếu khả thi
Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, ngoài bất cập trong quy định về ý nghĩa của đèn vàng, xe ô tô tải, Quy chuẩn 41 còn một số quy định thiếu tính khả thi. Ví dụ, “nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài thì tại các đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh. Nếu không có biển nhắc lại thì biển hiệu lệnh được mặc nhiên xem là hết hiệu lệnh”.
Trong khi đó, trong mục diễn giải ý nghĩa của biển số R.420 “Bắt đầu khu đông dân cư” lại ghi “Biển báo số R.420 có hiệu lực khu đông dân cư đối với tất cả các tuyến đường nằm trong khu vực đô thị cho đến vị trí đặt biển báo số R.421” (Biển báo “Hết khu dân cư”). Điều này gây khó khăn không nhỏ cho người tham gia giao thông.
Ngoài ra, về phân loại biển báo hiệu, Quy chuẩn 41 quy định: “… Trừ một số biển đặc biệt, các biển thể hiện hình tròn trên nền xanh lam có hình vẽ màu trắng đặc trưng cho hiệu lệnh nhằm báo cho người tham gia giao thông biết”. Như vậy, việc thay đổi biển số R.420, R.421 từ nhóm biển chỉ dẫn có đặc trưng “hình chữ nhật hoặc hình vuông hoặc hình mũi tên, nền màu xanh lam” sang nhóm biển hiệu lệnh dễ gây hiểu lầm cho người tham gia giao thông.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện theo Quy chuẩn 41 còn khá chậm chạp, nhiều tuyến đường bộ chưa được bổ sung, thay thế hệ thống biển báo hiệu theo quy định. Có tuyến đường biển báo hiệu chưa đầy đủ, chồng chéo, không thống nhất gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện.
Cần sửa đổi nội dung chưa thống nhất
Về sự thiếu thống nhất của một số quy định giữa Luật Giao thông đường bộ và Quy chuẩn 41, luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích, Luật là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp nhằm điều chỉnh các loại quan hệ xã hội trong các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Luật có giá trị pháp lý cao chỉ sau Hiến pháp.
Thông tư là văn bản giải thích, hướng dẫn thực hiện những văn bản của Nhà nước ban hành, thuộc phạm vi quản lý của một ngành nhất định. Có thể nói thông tư dùng để hướng dẫn nghị định, do cấp bộ, bộ trưởng ký ban hành.
Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, dễ tiếp cận, dễ thực hiện.
Đồng thời, Luật này cũng quy định, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Chính vì vậy, Luật Giao thông đường bộ 2008 là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn Thông tư (Thông tư 06/2016/TT-BGTVT, nên khi có sự không thống nhất giữa Luật Giao thông đường bộ và Quy chuẩn 41 thì sẽ áp dụng các quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008.
“Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét, sửa đổi những nội dung chưa thống nhất trong Thông tư 06/2016/TT - BGTVT với Luật Giao thông đường bộ cho phù hợp. Điều này cũng khiến cho hoạt động thi hành pháp luật được thống nhất giữa cơ quan công an và ngành giao thông, tạo thuận lợi cho người dân” - luật sư Nguyễn Thanh Hà kiến nghị.
Huệ Linh (ANTĐ)