Su-25 được gọi với biệt danh “xe tăng bay”. Đây vốn là tên gọi được lấy từ mẫu máy bay bọc thép Il-2 Sturmovik từ thời Liên-xô với khả năng ném bom và phóng tên lửa vào xe tăng Đức trong Thế chiến II.
Su-25 được cho là mẫu máy bay vô cùng khó bị bắn hạ. Chiếc máy bay này được đưa vào biên chế năm 1978 với thiết kế dành cho những cuộc đối đầu dưới mặt đất giữa NATO và khối Hiệp ước Warsaw, do đó nó có khả năng bay ở tầm thấp ở tốc độ chậm để quan sát chiến trường.
Su-25 vẫn là vũ khí hiệu quả từ thời Liên-xô tới nay
Việc bay được ở tầm thấp sẽ giúp nó tránh được các hệ thống phòng không tầm xa hiện đại của NATO chứ không phải súng máy hạng nặng săn máy bay. Chính vì vậy, để đảm bảo chiếc máy bay được an toàn, cục thiết kế Sukhoi đã trang bị các mảnh giáp làm bằng titanium dày từ 10 đến 25mm ở khu vực buồng lái và những bộ phận chứa hệ thống điện tử hàng không.
Không có gì bất ngờ khi Su-25 nổi tiếng với việc sống sót trong các điều kiện chiến đấu vô cùng khắc nghiệt trên chiến trường. Đối trọng gần nhất với Su-25 đó là mẫu A-10 Thunderbolt II của Mỹ với tốc độ nhỏ và trọng tải lớn hơn nhưng lại có tầm hoạt động xa hơn. Thời điểm Mỹ cân nhắc loại A-10 ra khỏi biên chế thì Nga vẫn đang nâng cấp Su-25 để duy trì nó trong không quân thêm vài chục năm nữa.
Các máy bay Su-25SM hiện đại hóa sẽ được trang bị các hệ thống định vị BARS và hàng loạt thiết bị điện tử hàng không tiên tiến. Nó cũng được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 và cải thiện khả năng ném bom chính xác vào mục tiêu.
Su-25 là mẫu máy bay kì cựu, đã tham gia nhiều cuộc xung đột chiến tranh trên thế giới như tại Macedonia, Ethiopia, Sudan và gần nhất là chiến dịch chống khủng bố tại Syria. Theo các chuyên gia quân sự, đây là mẫu máy bay thích hợp nhất cho việc hỗ trợ hỏa lực xuống mặt đất, do đó nó có nhiều ảnh hưởng hơn là các tiêm kích hiện đại như F-22 của Mỹ hay Su-35 của Nga tại chiến trường Syria.
Đặng Vũ (ANTĐ)