Nhưng bạn có thắc mắc vì sao BPhone lại đưa ra giá cao hơn so với các đối thủ cùng tầm, và ở mức giá như vậy BKAV sẽ bán hàng cho ai, đặc biệt khi thương hiệu của họ trong thị trường smartphone vẫn còn quá nhỏ bé và chẳng có nhiều người biết tới? Mình có làm một số phân tích nhỏ cộng với ý kiến cá nhân của mình, anh em tham khảo nhé.
BPhone nhắm đến ai?
Rõ ràng sản phẩm này không nhắm tới thị trường đại chúng (mass market), thay vào đó nó sẽ chỉ dành cho một hoặc vài nhóm khách hàng nhất định. Nếu như bạn cầm cái tên Samsung, Apple, Sony ra hỏi những người tiêu dùng phổ thông, kể cả những người không rành công nghệ, thì chắc chắn sẽ có một số đông người biết đến những cái tên này là ai, họ đang làm gì, họ bán sản phẩm nào. Còn nếu bạn hỏi thương hiệu BKAV thì không nhiều người biết, nếu có cũng chỉ từng nghe nói đến việc BKAV làm phần mềm chống virus mà thôi. Thương hiệu BKAV hay BPhone vẫn còn quá sức mới mẻ trên thị trường nên việc đánh quy mô lớn không phải là một chiến lược hiệu quả, nếu họ tập trung vào những người đã từng nghe, từng biết đến BPhone thì sẽ có kết quả tốt hơn.
Một khảo sát nhanh trên chính Tinh tế đã chứng minh cho điều đó. 88% người được hỏi (có hơn 900 người tham gia trả lời) cho biết họ sẽ không mua BPhone 2017. 12% còn lại quá bé, vậy nên nếu gọi nhóm khách hàng mà BKAV đang nhắm tới là một thị trường ngách thì cũng không sai. Không phải cứ sản phẩm đánh mass mới thành công, có những món đồ dành cho thị trường ngách nhưng vẫn bán được hàng và vẫn phát triển.
OnePlus hay Nexus là hai ví dụ tốt cho việc này. Khi OnePlus và Google ra mắt điện thoại của họ, họ ít bao giờ truyền thông hay quảng bá sản phẩm của mình ở quy mô đại chúng, thay vào đó OnePlus tập trung rất cụ thể vào những người dùng thích sử dụng điện thoại Android được hỗ trợ lâu dài và có nhiều trò vui để vọc. Trong khi đó, Nexus được Google định vị rõ vào giới nhà phát triển để họ có thể sử dụng chiếc máy này test app hay test hệ thống. Những mẫu quảng cáo, cách Google nói về sản phẩm của mình với các tính năng phong phú, hay cách họ bán thiết bị hoặc tặng ở sự kiện dành cho developer đã nói lên điều này. Gần đây khi Google bỏ Nexus và chuyển sang dùng thương hiệu Pixel thì họ mới bắt đầu tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Còn với BPhone, nó dành cho ai? Mình nghĩ nó dành cho những người thích vọc, những người thích sử dụng đồ mới lạ, những người tò mò muốn biết BPhone ra sao và hẳn là không có vụ ủng hộ hàng Việt gì đó vì cứ máy sẽ tự nhiên được ủng hộ mà thôi, không gì có thể giúp sản phẩm sống lâu ngoại trừ chính chất lượng của nó. Những người này có thể hình dung là những người đam mê công nghệ, đã theo dõi BPhone từ lâu. Nói đâu xa, những người đó là mình, là @cuhiep, là @Airblade14, và biết đâu là cả những anh em Tinh tế khác.
Cách BPhone và Thế Giới Di Động đang quảng bá cho sản phẩm này cũng theo cách tương tự. Tin tức về BPhone xuất hiện chủ yếu và trước tiên trên những website có cộng đồng biết và rành về công nghệ, những tờ báo công nghệ, các trang tin về thông tin truyền thông nói chung. Tương tự, chương trình đặt gạch quay số trúng thưởng cũng được chia sẻ trước hết trong mạng lưới của những người làm trong lĩnh vực công nghệ, sau đó mới từ từ lan rộng ra ngoài.
Không thể phủ nhận rằng giá BPhone cao hơn so với những chiếc điện thoại khác có cùng cấu hình hay thiết kế tương tự. 9,789 triệu không phải là con số nhỏ, và với giá này bạn có thể mua được những chiếc điện thoại có cấu hình mạnh hơn BPhone, mới hơn BPhone, hoặc nếu muốn mua đồ second hand thì có rất nhiều lựa chọn là các máy flagship của những năm trước.
Nói về lý do cá nhân vì sao mình quyết định mua BPhone, không phải vì mình cần một cái điện thoại mới. BPhone không thể nào đọ lại hai cây súng chính iPhone 7 Plus và HTC U11 của mình cả. Mình mua vì mình thích, mình tò mò, mình thấy lạ, mình muốn xài thử coi nó như thế nào, một cái điện thoại do BKAV làm (với thái độ nghiêm túc hơn) sẽ ra sao, tất nhiên không thể thiếu phần chia sẻ cảm nhận với anh em Tinh tế nữa. Mình hoàn toàn không quan tâm gì về chuyện yêu nước hay ủng hộ hàng Việt khi mua một cái điện thoại, mình rất đơn giản, cái nào mới lại, hay họ thì hoặc mượn hoặc mua về nghịch, đơn giản thế thôi. Dù cho cái máy đó làm ở Lào, Việt, Campuchia, Mỹ, Canada, Trung Quốc thì mình đối xử với chúng như nhau.
Và hẳn là nếu cần mua một cái điện thoại duy nhất để sử dụng, mình sẽ không chọn BPhone vì BKAV chưa chứng minh được với mình về chất lượng, giá trị, độ bền, hậu mãi. Sẽ quá rủi ro cho mình khi bỏ gần 10 triệu đồng ra để sắm một thứ mà mình còn chưa dám chắc là có tốt hay không thì ai mà dám bỏ. Chưa kể 10 triệu bạn còn có nhiều lựa chọn khác để mua, có quá ít lý do để một người dùng phổ thông sắm BPhone 2017 vào lúc này, và mình nghĩ rằng nhiều anh em khác cũng thế.
Mình không nghĩ rằng BPhone 2017 có thể tạo ra một đợt bùng nổ doanh số. Có lẽ số thiết bị bán ra sẽ tầm vài nghìn chiếc mà thôi. Đây sẽ là bước đệm cần thiết để BKAV có thể tiếp tục làm những thế hệ tiếp theo cho chiếc smartphone của họ và hi vọng sẽ nhắm tới nhiều phân khúc khách hàng hơn, bán được nhiều hơn. Nhưng hiện tại thì chưa.
Vì sao giá BPhone đắt hơn so với các đối thủ?
Có lẽ bạn cũng thắc mắc vì sao BKAV lại định giá BPhone cao như vậy. Phải chăng hãng không để ý tới những đối thủ khác trên thị trường, không thèm làm khảo sát giá, không thèm làm khảo sát khả thi và tự tin vào năng lực của mình?
Không, mình không nghĩ như vậy. Bất kì một người nào từng học kinh tế cơ bản đều có thể nghĩ về những khâu này vì nó quá cơ bản trong kinh doanh. Ngay cả khi bạn chuẩn bị bán chiếc điện thoại cũ của mình mà bạn còn đi lòng vòng các nơi để xem người khác bán giá ra sao thì chẳng lẽ BKAV lại không biết làm? Ai lại chẳng muốn bán được món đồ mà mình tung ra, cớ sao lại định giá quá cao để rồi không bán được hàng.
Theo phân tích sơ lược của mình, mình nghĩ rằng BPhone 2 có giá đắt vì những lý do sau:
1. Không làm trên quy mô lớn (economy of scale):
Giả sử rằng tất cả những yếu tố về sản xuất 'Made in Việt Nam' mà BKAV tuyên bố đều đúng thì BPhone 2017 cũng được sản xuất, hay ít nhất là lắp ráp khâu cuối cùng tại nước ta. Ở Việt Nam, không nhiều cơ sở có thể sản xuất thiết bị công nghệ cao với năng suất cực lớn trừ các nhà máy của Nokia (Microsoft, HMG Global), LG, Samsung... Đây là những tập đoàn đầu tư nhiều chục triêu đô la cho cơ sở của họ ở Việt Nam và sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn cho cả quốc tế nữa. Với quy mô lớn như thế cộng với công nghệ hiện đại, họ có thể làm ra nhiều đơn vị sản phẩm hơn so với nơi mà BKAV đang điều hành / thuê lại để lắp ráp BPhone 2017. Mà khi bạn chỉ có thể làm số lượng ít sản phẩm thì chi phí của mỗi đơn vị làm ra sẽ cao là chuyện bình thường.
Khi sản xuất ở sản lượng Q, chi phí sẽ là C, và nếu tăng sản lượng lên Q2, chi phí sẽ giảm còn C1, đây là biểu đồ dễ hiểu nhất về quan hệ giữa chi phí và lượng sản phẩm làm ra. Vượt qua Q2, chi phí sẽ tăng lên lại do năng suất của công nhân giảm, phải đầu tư thêm máy móc, làm quá công suất...
2. Chi phí mua linh kiện đắt
BKAV là một tên tuổi quá sức non trẻ với thị trường điện thoại di động, điều này khiến sức mạnh của họ (bargaining power) khi đi thương thảo giá với các bên cung cấp linh kiện sẽ giảm đi đáng kể so với Sony, HTC, Apple, LG đi nói chuyện. Họ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp và dễ bị ép giá hơn, hay nói cách khác BKAV phải mua linh kiện với giá cao hơn, tức là chi phí để làm ra BPhone 2017 cao hơn so với những sản phẩm khác cùng phân khúc và điều đó phản ánh lên giá bán.
Một lý do nữa có thể nghĩ đến là do chi phí vận chuyển. BKAV phải 'ship' những linh kiện của họ từ khắp nơi trên thế giới về Việt Nam để thực hiện việc lắp ráp, điều đó cũng phát sinh thêm một khoản tiền nhất định. Trong khi đó, các hãng điện thoại lớn khác đều có cơ sở sản xuất nằm ngay tại Trung Quốc hay gần Trung Quốc, hoặc họ có các đơn vị cung cấp linh kiện trong địa phương để giảm chi phí vận chuyển. Chẳng phải tự nhiên mà OnePlus, Anker lại đặt trụ sở và nơi sản xuất của họ ngay tại Thâm Quyến hoặc các vùng công nghiệp Trung Quốc.
3. Vấn đề tối ưu hóa
Để giảm chi phí, một trong những cách mà người ta thường sử dụng đó là tối ưu hóa dây chuyền cung ứng hoặc ít nhất tối ưu khâu sản xuất để cắt giảm chi phí. Ví dụ, nếu trước đây bạn phải chi 10 đồng để làm ra chiếc smartphone thì sau khi tối ưu con số này chỉ còn 8-9 hay 9.5 chẳng hạn. Việc tối ưu dây chuyền cung ứng nói riêng hay tối ưu việc vận hành của một công ty chưa bao giờ là đơn giản, phải có những bậc thầy về tối ưu hóa làm việc trong một thời gian dài mới có thể đạt được kết quả lớn. Như đã nói ở trên, BKAV vẫn còn ở buổi đầu nên việc tối ưu của họ sẽ chẳng thể nào bằng cách công ty lớn, và chi phí đương nhiên sẽ cao.
4. Vấn đề định vị sản phẩm
BKAV muốn định vị sản phẩm của mình ở mức cận cao cấp, tức là hãng không thể nào bán giá quá rẻ vì khi đó người tiêu dùng sẽ tỏ ra nghi ngờ và có thể dẫn đến quyết định không mua món đồ đó chỉ gì giá bán quá thấp, không tạo được sự tin tưởng cho khách hàng tiềm năng. Bỏ qua vấn đề về cấu hình, có thể hiểu được rằng BKAV muốn định vị BPhone 2017 ở phân khúc này nhằm giảm áp lực cạnh tranh. Họ không thể nào chui lên khúc cao cấp được vì chỉ cần Samsung ho một cái là chết ngay, cũng không thể chui xuống dưới giá rẻ vì các hãng Trung Quốc đang có cuộc chiến giá khốc liệt ở dưới đây cùng sự tham gia của HTC, Sony nữa.
Thống kê của GfK cho thấy trong năm 2016, điện thoại tầm giá dưới 7 triệu đồng chiếm khoảng 83% thị phần tổng cộng. Xu thế mới cho thấy người Việt đang chi nhiều tiền hơn cho smartphone, đẩy mức giá trung bình cao lên, tuy nhiên phân khúc smartphone dưới 3 triệu đồng vẫn chiếm thị phần lớn nhất, kế đến là nhóm 3-5 triệu đồng, xếp thứ 3 là 5-7 triệu đồng. Ở những phân khúc này các hãng lớn và tên tuổi khác đang hoạt động quá mạnh, BPhone 2017 chen vào chẳng khác nào đi vào chỗ chết.
Cá nhân mình nghĩ BKAV định vị sản phẩm vào khúc nào là hợp lý, có điều mình kỳ vọng con chip mạnh hơn chứ không nghĩ là sẽ có Snapdragon 625 với giá hơn 9 triệu đồng. Con số hợp lý hơn cho BPhone sẽ nằm ở 8-9 triệu đồng, như vậy BKAV sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn. Tất nhiên, giá như vậy có giúp hãng lời hay không lại là một câu chuyện khác, và trừ khi bạn là startup có quỹ lớn phía sau chống lưng, còn không việc bán lỗ không phải lựa chọn tốt cho bạn.
Dù sao thì mình vẫn khá thích cách mà BPhone 2017 được làm ra và BKAV đã dám tiếp tục làm thêm một chiếc điện thoại nữa sau thất bại nặng nề của chiếc BPhone đời đầu. Nhìn qua hình của @sonlazio chụp mình cũng nghĩ rằng đây không phải một cái smartphone xấu. Hãy chờ xem sao.