Phân khúc smartphone cao cấp đang là chiến trường tay đôi giữa Samsung và Apple. Việc Lenovo cũng như Motorola toan tính thử sức ở thị trường này được xem là một thách thức không hề nhỏ, thậm chí muốn vượt mặt Sony, HTC hay LG đã là điều không hề dễ dàng.
Sau khi Lenovo vượt mặt HP để trở thành hãng sản xuất máy tính lớn nhất thế giới, thu về mức lợi nhuận cao trong tháng 3/2017, thì bộ phận kinh doanh smartphone của hãng này lại gặp phải nhiều vấn đề nan giải đến từ chi phí marketing cho các sản phẩm và chi phí linh kiện tăng cao.
Nhìn chung, khó khăn của Lenovo bắt đầu phát sinh kể từ sau khi mua lại Motorola từ Google với giá 2,9 tỷ USD hồi năm 2014 nhưng chưa thể dung hòa để cùng nhau phát triển.
Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng di động nội địa chuyên bán smartphone với giá rất cạnh, như Xiaomi và OPPO. Ngày qua ngày đã khiến thị phần của Lenovo giảm không phanh, và chẳng mấy chốc rơi xuống vị trí thứ 8 trên thị trường smartphone năm 2016, nhường vị trí thứ 3 cho Huawei.
Gần đây, Lenovo đã cải tổ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc nhằm đẩy mạnh sự chú ý của khách hàng về mảng máy tính cá nhân, trong khi đó sẽ nỗ lực thắt chặt lại thương hiệu di động và chuyển sự tập trung sang các dòng smartphone cao cấp dưới thương hiệu Moto.
Chủ tịch Yang Yuanqing nói về hoạt động kinh doanh mảng di động của Lenovo tại cuộc họp báo ở Hồng Kông vào hôm thứ Năm tuần rồi: 'Chiến lược của chúng tôi là ưu tiên các thị trường phát triển - nơi cần có thương hiệu và các sản phẩm sáng tạo, trong khi các thị trường mới nổi cần có tính hiệu quả.'
'Vì vậy, chúng tôi sẽ có hai nhóm phục vụ cho hai loại thị trường với các dòng sản phẩm khác nhau.'
Ảnh gốc: Android Authority
Lenovo đang phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn nhất tại sân nhà Trung Quốc, nơi mà hãng đã trượt khỏi top 10 nhà cung cấp điện thoại thông minh. Theo số liệu của Canalys, tổng kết quý 1/2017 doanh số mảng smartphone của Lenovo tại thị trường trong nước giảm 80% so với cùng kỳ năm trước, và 55% so với quý trước đó.
Lenovo hiện tại có 3 thương hiệu điện thoại ở Trung Quốc, bao gồm: Moto cao cấp, Lenovo giá rẻ, và ZUK chỉ bán trực tuyến (ra mắt hồi năm 2015).
Người phát ngôn viên của Lenovo cho biết chiến lược trên thị trường di động toàn cầu của hãng sẽ tập trung vào thương hiệu Motorola, mặc dù hãng vẫn tiếp tục hỗ trợ các dòng sản phẩm khác như ZUK.
Những sản phẩm của Moto bao gồm một loạt các dòng smartphone được thiết kế với các linh kiện rời có thể được thay thế hoặc nâng cấp sẽ giúp Lenovo đứng ở vị trí thứ 2 tại Brazil, chỉ sau Samsung.
Doanh số smartphone Lenovo ở Brazil đã tăng 56% trong 3 tháng đầu năm nay, vượt qua Ấn Độ trở thành thị trường lớn nhất của hãng. Giá bán trung bình các sản phẩm di động của Lenovo đã tăng 15,1% trong năm qua, theo báo cáo tài chính của Lenovo.
Ông Yang cho biết, bắt đầu từ tháng 4/2017, Lenovo đang trên đường đạt mục tiêu tạo ra bước ngoặt lớn cho bộ phận di động vào nửa cuối năm nay. Đồng thời, nhiều nhà phân tích cho rằng Lenovo nên cắt giảm các khoản lỗ tại thị trường Trung Quốc để rồi tập trung sức mạnh ở các thị trường khác.
Trong khi đó, Motorola chỉ mới chính thức bước chân vào thị trường smartphone Việt Nam vào tháng 11/2016 (Ảnh: Tinhte)
Nhà phân tích Alberto Moel của Bernstein, nhận định: 'Tôi nghĩ rằng Lenovo có được cơ hội lớn hơn từ các thị trường ngoài Trung Quốc.'
Ai nói gì mặc ai, 'chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ kinh doanh điện thoại di động ở Trung Quốc, bởi vì bên cạnh việc chiếm 30% thị trường điện thoại thế giới thì đó còn là nhà của chúng tôi', đại diện Lenovo tuyên bố.
Theo IDC, Lenovo là hãng smartphone lớn thứ tư ở Ấn Độ với 9,5% thị phần, so với Samsung ở vị trí đầu bảng là 28,1%.
Bhaskar Kotian, một doanh nhân ở Mumbai, đã mua ít nhất 6 chiếc smartphone của Lenovo để tặng cho bạn bè và gia đình trong hai năm qua, chia sẻ: 'Tôi thích điện thoại Lenovo ở 3 điểm: Pin dùng lâu, tối đa hóa trải nghiệm và thông minh.'
Tóm lại, để xâm chiếm thị trường smartphone cao cấp, Lenovo cũng như Motorola hiện chỉ có thể tranh giành vị trí top 5 mà thôi, vì trên bảng xếp hạng hiện nay là những cái tên rất mạnh về chiến lược và sự sáng tạo: Apple, Samsung, Sony, LG, HTC. Cho nên, Lenovo cần tính toán kỹ lưỡng để không vấp phải thất bại ngay từ bước đầu nhập cuộc.