Nếu đang băn khoăn trong việc lựa chọn cài đặt giả lập Android và sử dụng chúng trong công việc hàng ngày, bạn có thể tham khảo qua bài viết dưới đây.
Đây là danh sách các phần mềm giả lập Android trên máy tính tốt nhất hiện nay và đang được sử dụng phổ biến trên thế giới và Việt Nam.
Đây cũng chính là 'vị cứu tinh' cho những ai đang cày game mà điện thoại Android hết pin hoặc muốn cày thêm tài khoản khác phụ trợ cho tài khoản chính. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách lựa chọn cho mình công cụ giả lập Android tốt nhất để sử dụng. Vì vậy, TCN sẽ lọc ra TOP phần mềm giả lập Android tốt nhất hiện nay cho các bạn thoải mái lựa chọn, cho phù hợp với nhu cầu của mình.
1. BlueStacks
Đây là cái tên đầu tiên cần phải nêu lên nếu nhắc tới giả lập Android. BlueStacks là phần mềm được đánh giá là tốt nhất, ổn định nhất và đang được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Với BlueStacks, người dùng có thể trải nghiệm toàn bộ các ứng dụng, game trong kho của Android mà không cần cài đặt thêm tiện ích nào khác.
Ưu điểm:
- BlueStacks App Player hoàn toàn miễn phí.
- Không cần thiết lập cấu hình Android SDK.
- Có thể cài đặt trực tiếp các file apk từ máy tính vào BlueStacks.
- Phiên bản mới cho phép mở nhiều cửa sổ dưới dạng tab như trình duyệt.
Nhược điểm:
- Bắt tạo tài khoản và làm một số thao tác đồng bộ với tài khoản BlueStacks.
- Cấu hình máy phải khủng, nếu không rất có thể bị treo máy.
- Trong quá trình hoạt động, BlueStacks khiến máy tính bị chậm, giật, cho dù đã thiết lập lại tài nguyên máy cho nó.
2. Droid4X
Mặc dù được đánh giá cao hơn BlueStacks, đặc biệt là trong việc sử dụng giả lập để chơi game, nhưng trên thực tế, Android4X lại không hề phổ biến, và mức độ được biết tới cũng không bằng BlueStacks. Với sự hỗ trợ cho hai hệ điều hành là Windows và MAC OS X, Android4X mang tới cho người dùng những lựa chọn cụ thể hơn.
Ưu điểm:
- Android4X được tích hợp những tiện ích khá hay như quay phim, chụp ảnh màn hình trong quá trình sử dụng. Đây là điểm chính, thu hút các game thủ sử dụng chủ yếu giả lập này, không chỉ chơi game, mà còn có thể ghi lại cách chơi để khoe, hoặc dướng dẫn những người khác một cách chân thực.
- Nhẹ, ổn định.
- Bàn phím ảo hỗ trợ chơi bắn súng, yêu cầu di chuyển rất mượt.
Nhược điểm của Droid4X:
- Không hỗ trợ chat voice.
3. Windroy
Được đánh giá là một trong những giả lập Android có dung lượng gọn nhẹ nhất và cài đặt nhanh nhất, Windroy đang dần chứng tỏ được chất lương của mình trong mắt người dùng. Với bộ cài cực nhẹ, giả lập này cũng không tốn quá nhiều thời gian để cài đặt. Cũng theo nhiều người dùng và trải nghiệm của cá nhân người viết, Windroy chạy khá mượt trên các hệ điều hành hiện nay là Windows 7, Windows 8/8.1 và Windows 10.
Ưu điểm của Windroy:
- Bộ cài gọn nhẹ (chỉ khoảng 80MB).
- Cài đặt nhanh chóng và không đi kèm phần mềm phụ khác.
- Hoạt động khá mượt mà và không yêu cầu máy tính có cấu hình quá cao như BlueStacks.
- Quá trình đăng nhập và sử dụng có những nét tương đồng rất lớn với BlueStacks, tạo ra sự thân thiện và dễ sử dụng hơn.
Nhược điểm của Windroy:
- Giao diện mặc định của giả lập này sau khi cài đặt lần đầu tiên trên máy là tiếng Trung Quốc
- Chỉ hỗ trợ một phiên bản Android duy nhất (phiên bản 4.4).
4. Nox App Player
Là một trong những giả lập mới nổi hiện nay, Nox App Player (viết tắt là Nox) mang tới một trải nghiệm mới với nhiều tính năng cải tiến và hiện đại hơn so với đối thủ như ít lỗi hơn khi cài đặt và sử dụng trên hệ điều hành Windows 10, thay đổi độ phân giải và sự chiếm dụng RAM, tài nguyên máy tính khác trong quá trình giả lập này hoạt động.
Ưu điểm của Nox App Player:
- Tích hợp sẵn Google Play, điều mà nhiều đối thủ khác chưa làm được.
- Chế độ Multiplayer cho phép người dùng giả lập có thể mở và sử dụng cùng lúc nhiều ứng dụng hoặc chơi cùng lúc nhiều game trên cùng một màn hình.
- Được thiết kế đặc biệt với gamepad hỗ trợ chơi game.
Nhược điểm của Nox App Player:
- Bản cập nhật Nox App Player 3.7.5.1 không được tích hợp sẵn trong phiên bản cũ, bạn cần gỡ cài đặt phiên bản đang dùng trước và cài đặt Nox App Player 3.7.5.1 trực tiếp hoặc chạy file cài bản 3.7.5.1 để ghi đè lên phiên bản hiện tại để sử dụng phiên bản mới này.
5. GenyMotion
Là một trong những giả lập hiếm hoi sử dụng trên máy tính với hiệu suất 3D cao và đồng thời hỗ trợ tạo, sử dụng giả lập rất nhiều dòng máy, nhiều phiên bản hệ điều hành Android khác nhau. Từ HTC, Samsung, Sony Xperia, cho đến Google Nexus 10 (Android 5.1)... mang lại cho người dùng rất nhiều trải nghiệm đa dạng khác nhau.
Genymotion thực chất sử dụng VirtualBox để tạo ra các máy ảo, tuy nhiên giả lập này đã được thay đổi để giúp chúng ta đơn giản nhiều bước thiết lập không cần thiết.
Ưu điểm của Genymotion:
- Khá dễ tính, không đòi hỏi cấu hình máy tính quá cao khi cài đặt.
- Chạy thử nghiệm trên hệ điều hành Windows 8.1, RAM 4GB cho kết quả rất tốt.
- Xem 3D tốt hơn nhờ tăng tốc độ xử lý đồ họa của OpenGL.
- Dễ dàng tùy chỉnh độ phân giải màn hình, dung lượng bộ nhớ, dung lượng CPU...
Nhược điểm của Genymotion:
- Không hỗ trợ các hệ điều hành Android thấp hơn 4.0.
6. Andy OS (Andy Android Emulator)
Giả lập này khá độc đáo vì có thể tương thích với cả PC (Windows) và MAC. Trong số các giả lập Android hiện nay, Andy OS không thực sự nổi bật, nhưng những gì mà công cụ này mang lại thì không thể bỏ qua. Thậm chí, nếu xét một cách công bằng về các tính năng, Andy OS xứng đáng là giả lập Android đa năng và mạnh mẽ nhất.
Ưu điểm của Andy OS:
- Tương thích với cả Windows và MAC.
- Nhận được các hình ảnh từ Snapchat.
- Có khả năng đồng bộ với tài khoản Google.
- Lưu lại lịch sử truy cập và có chức năng giống như một máy 'test', bởi bất kỳ ứng dụng nào có thể chạy trên giả lập này, cũng có thể sử dụng được trên smartphone của bạn.
- Có khả năng cập nhật hệ điều hành Android mới nhất tại mọi thời điểm.
- Tích hợp cảm biến.
- Sửa lỗi bàn phím AZERTY trong Tiếng Pháp.
- Chuyển dữ liệu giữa ứng dụng trên máy tính và điện thoại mà không cần kết nối Bluetooth hay dây cáp.
- Khả năng lưu trữ không giới hạn.
Nhược điểm của Andy OS:
Như đã nói ở trên, về mặt tính năng, có lẽ Andy OS không thua kém bất cứ đối thủ nào, nhưng nó lại không hề phổ biến và rất ít được biết tới, đó là do:
- Việc tải và cài đặt Andy so với các giả lập khác tốn khá nhiều thời gian.
- Yêu cầu máy tính cài đặt cũng tương đối cao, như: yêu cầu bộ nhớ RAM tối thiểu 3GB và dung lượng ổ cứng ít nhất 20GB.
- Với những máy tính cũ, cấu hình quá thấp, việc khởi động giả lập này đôi khi sẽ khiến máy bị treo.
- Việc khắc phục các lỗi (nếu có) của giả lập này so với các đối thủ khác cũng khó khăn hơn nhiều.
7. KOPLAYER
KOPLAYER còn được biết tới với tên khác là giả lạp Koplayer Pokemon Go. Nếu các bạn còn nhớ, cách đây vài tháng, khi Pokémon Go đang trở thành cơn sốt toàn cầu thì KOPLAYER cũng nổi lên với tư cách là giả lập đầu tiên tích hợp tựa game thực tế ảo này và cho phép người dùng chơi Pokémon Go trên máy tính.
Ưu điểm của KOPLAYER:
- Bộ cài gọn nhẹ, không đòi hỏi cấu hình máy quá cao.
- Hỗ trợ đa ngôn ngữ, trong đó có cả tiếng Việt Nam.
- Có thể giữ lại và khôi phục toàn bộ dữ liệu, ứng dụng đã cài ở ứng dụng KOPLAYER phiên bản trước đó.
- Nhập các tọa độ để xác định vị trí.
- Có thể vuốt, thả dữ liệu.
- Đặc biệt, với tính năng và được thiết kế như một gamepad, hỗ trợ tối đa việc chơi game trên điện thoại của người dùng.
Nhược điểm của KOPLAYER:
- Không thể chat voice.
8. MEmu App Player
MEmu App Player còn được gọi tắt là MEmu - một giả lập Android miễn phí cũng khá nổi tiếng. Được phát triển trên nền tảng Android 4.2.2 với nhiều cải tiến so với các đàn anh đi trước, MEmu App Player vẫn đang cố gắng thay đổi và bổ sung thêm nhiều tính năng hơn để cạnh tranh và tìm chỗ đứng của chính mình trong lòng người dùng.
Ưu điểm của MEmu App Player:
- Mở cùng lúc nhiều giao diện.
- Chỉnh sửa, thiết lập các thông số kỹ thuật trong quá trình sử dụng.
- Hỗ trợ chia sẻ file với máy tính và ngược lại.
- Đang phát triển tính năng xem live stream qua ứng dụng riêng.
- Xem các chương trình truyền hình yêu thích.
- Hỗ trợ kéo, thả file.
Nhược điểm của MEmu App Player:
- Khá ngốn tài nguyên máy nếu mở cùng lúc nhiều giao diện.
- Mặc dù đã khắc phục được vài lỗi treo máy, nhưng do còn đang trong quá trình phát triển nên giả lập này vẫn tồn tại những lỗi khá ức chế.
9. LeapDroid
LeapDroid là cái tên chỉ mới xuất hiện trên thị trường giả lập nhưng được coi là có tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Nhờ sử dụng công nghệ mới (LeapGL và Virt Fiber I/O), giả lập Android này hứa hẹn mang tới cho người dùng một trải nghiệm đầy tốc độ với tỷ lệ khung hình cao. Ngoài ra, nhà phát triển cũng đảm bảo với người dùng rằng giả lập này có tính tương thích và hỗ trợ chơi game tốt hơn so với các đối thủ khác.
Trên đây là danh sách các giả lập Android tốt nhất hiện nay, cùng các tính năng và ưu nhược điểm mà người viết đã cố gắng cung cấp để các bạn có được cái nhìn tổng quát nhất. Vẫn còn khá nhiều phần mềm giả lập Android khác chưa được nhắc tới như: Remix OS, AMIDuOS hay MirrorGo... Các bạn có thể tự mình cài đặt và trải nghiệm rồi chia sẻ thêm cho chúng tôi quan điểm của bạn nhé!
Chúc các bạn có những giây phút giải trí vui vẻ!