Biết cách lắng nghe là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn trở thành một người giao tiếp giỏi. Tuy nhiên, lắng nghe thôi chưa đủ, bạn cũng cần học cách im lặng.
Ta nên học cách lắng nghe để hiểu, dừng lại để thương và biết buông bỏ ngạo mạn để thấy đời sống này là vô thường bất chợt...
Im lặng không có nghĩa là không nói gì khi ai đó đang trò chuyện với bạn. Im lặng không có nghĩa là thụ động, dửng dưng với mọi thứ xung quanh. Im lặng chính là lúc bạn cảm nhận nhiều hơn về các sự việc, hiểu rõ hơn về nguyên nhân - hậu quả và quan trọng hơn, im lặng cũng là cách để bạn thể hiện cảm xúc của mình với người đối diện.
Đôi khi, im lặng còn mạnh mẽ hơn rất nhiều so với một lời nói hoa mỹ, có cánh.
Nói hay im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người và chỉ sử dụng khi cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, gươm chưa dùng thì để trong bao. Im lặng là diệu kế khi lời nói không có tác dụng hoặc phản tác dụng. Nếu dùng sai thì im lặng có thể là tai họa. Đó chính là giá trị của sự im lặng và 'nghệ thuật' im lặng.
Dưới đây là một vài lời khuyên rất giá trị giúp bạn biết được lúc nào nên im lặng và lúc nào nên nói.
Khi im lặng là vàng:
♥ Giữ im lặng có thể có sức mạnh ngang bằng với những lời bạn muốn nói, giống như là khi một cái ôm có giá trị hơn rất nhiều so với câu 'Chia buồn cho sự mất mát của bạn'.
♥ Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là cách cư xử của người hiểu biết, lễ độ và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười hoặc ngược lại. Sự 'lệch pha' đó khả dĩ khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo.
♥ Một thời điểm khác khi bạn không chắc chắn phải nói điều gì. Nếu cảm thấy bối rối khi cảm xúc của riêng bạn đang hướng tới một vấn đề nào đó, tốt nhất là hãy im lặng cho tới khi bạn cảm thấy chắc chắn hơn bởi vì có nhiều rủi ro xảy ra hơn khi bộc lộ những cái sai hoặc những cảm xúc thái quá.
♥ Hãy chọn im lặng thay vì thốt ra những cảm xúc nhất thời mà nó thì có thể làm người khác đau lòng và đó cũng thực sự không phải là cảm xúc của bạn. Khi bạn có cảm giác thôi thúc muốn nói một điều gì đó không hay, hãy hít vài hơi thở sâu và nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra sau đó.
♥ Một thời điểm khác mà bạn tốt nhất nên im lặng là khi có ai đó chia sẻ một câu chuyện có ý nghĩa. Hãy để cho họ cảm thấy được lắng nghe bằng cử chỉ gật đầu im lặng và ánh mắt chia sẻ.
♥ Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Nhà bác học Thomas Edison từng nói: 'Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương'. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: 'Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất'.
♥ Sự im lặng có thể là người bạn tốt trong những cuộc đàm phán. Nói phần của bạn, sau đó, im lặng để người khác đi tới kết luận của riêng họ. Sự im lặng của bạn cho thấy bạn tự tin về những gì bạn đã nói và bạn đủ tôn trọng người đối diện để nghe những điều họ nói.
♥ Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hòa đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Tuy nhiên, nếu cảm thấy họ thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể tạo ra sự khó chịu và hiềm thù.
♥ Đôi khi im lặng là cách giải quyết tốt nhất và đúng lúc nhất bởi vì đối phương không ở trong vị trí lắng nghe điều bạn nói. Chẳng hạn, khi một người bạn cần bạn lắng nghe vấn đề cá nhân nhưng cô ấy lại không thể chấp nhận lời khuyên của bạn vào lúc đó. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói giấu giếm sẽ đến chỗ cùng.
♥ Hãy luyện tập thói quen giữ yên lặng ở nơi làm việc khi bạn không có điều gì ý nghĩa để đóng góp. Trừ khi bạn có thể nâng tầm cuộc đối thoại lên bằng cách đưa ra ý tưởng nào đó thú vị, thiếu sót hoặc có lợi, còn không thì tốt nhất bạn chỉ nên ngồi quan sát và học hỏi.
♥ Im lặng đôi khi là lúc mà con người ta đang lao động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, hiểu biết, trưởng thành, hồi tâm, giác ngộ... Văn hào W. Goethe từng nói: 'Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời'. Thấy người khác trầm tư mặc tưởng thì đừng phá 'khoảng riêng' của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.
♥ Cuối cùng, im lặng là vàng khi bạn không muốn dính vào một cuộc tranh cãi ngớ ngẩn. Vì những chuyện cãi nhau sẽ không bao giờ được giải quyết, một người phải 'ngậm bồ hòn làm ngọt'.
Khi nào nên nói và nói thật to:
♣ Sẽ có những thời điểm trong cuộc đời bạn cần tới sức mạnh của giọng nói của bạn. Tiếng nói bên trong bạn cần được tôn trọng và biết ơn.
♣ Sử dụng giọng nói của bạn và nói ra khi cảm xúc của bạn đang bị chà đạp. Có nhiều chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát, nhưng điểu khiển câu chữ và cảm xúc muốn truyền tải tới người khác thì hoàn toàn nằm trong quyền hạn của chúng ta.
♣ Thể hiện những cảm xúc của bạn một cách rõ ràng và để mọi người biết rằng bạn coi trọng quyền lợi của hai bên.
♣ Nói giùm người khác khi họ không có tiếng nói hoặc họ không thể tự nói lên được vì lý do nào đó. Tiếng nói của bạn có thể là điều duy nhất giải cứu và bảo vệ họ khỏi sự tổn hại.
♣ Nói ra khi bạn thấy một điều sai được thực hiện vì im lặng có thể bị xem là đồng lõa với sai trái.
♣ Nói ra khi bạn được hỏi về quan điểm của mình vì người hỏi rất coi trọng nó.
♣ Cuối cùng, nói ra khi bạn muốn được nghe. Cho dù ở nơi làm việc hay là trong mối quan hệ, nếu bạn tin rằng những điều bạn nói là có giá trị, đừng e ngại mở miệng ra.
Tuân Tử dạy: 'Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ'. Thế nên, đừng bỏ qua việc học cách im lặng.
Cập nhật: 10/07/2016 Vân Anh - Theo Lifehack