Bài viết này được dịch từ chia sẻ của Stephen Key - người sáng lập tổ chức inventRight (Glenbrook, Nevada, Mỹ) - công ty chuyên đào tạo và hướng dẫn doanh nhân cách biến ý tưởng thành hiện thực.
Tôi tin rằng những gì chúng ta đã làm với thế giới thì đó cũng là những gì mà chúng ta nhận được. Khi mỗi người lan truyền sự tích cực và cởi mở thì nhiều khả năng, họ cũng sẽ được nhận lại sự tử tế đó. Tất nhiên, không tránh khỏi những điều tồi tệ bất ngờ xảy ra. Tôi biết điều đó và một sự thực đơn giản là mọi sự kiện xảy ra trong cuộc đời thường nằm ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được thái độ. Một thời gian dài, tôi nhận được rất nhiều yêu cầu giúp đỡ từ các doanh nhân khởi nghiệp. Một số than vãn về hoàn cảnh của mình, một số nói rằng họ thiếu vốn và kinh nghiệm. Trong khi một số khác thì ngược lại. Họ chia sẻ với tôi sự hưng phấn của họ về các ý tưởng và nói rằng họ không thể chờ đợi để bắt đầu.
Sau nhiều thập kỷ tham dự các cuộc họp cùng các startup và tận hưởng niềm vui được chứng kiến thành công của họ, tôi nhận ra một điều chắc chắn là giữ vững một thái độ đúng đắn sẽ giúp mỗi người đánh bại thử thách. Có thể vượt qua mọi khó khăn không? Không. Tuy nhiên, nếu bạn thiếu vốn và không hề được đào tạo một cách chính thức thì nó cũng có thể giúp bạn bước vào lĩnh vực kinh doanh với đầy sự tự tin của một người không bao giờ bỏ cuộc.
Sau đây là 7 phẩm chất mà bất cứ một ai muốn dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh cũng cần rèn luyện, theo chia sẻ của Stephen Key.
1. Nhiệt huyết
Chắc chắn là bạn đã từng nghe điều này và tôi sẽ nói lại một lần nữa: Nhiệt huyết thực sự có khả năng lan truyền. Nếu bạn không tin vào ý tưởng của bạn thì chẳng ai tin cả. Có niềm tin là tốt nhưng quan trọng hơn, duy trì nhiệt huyết đối với ý tưởng của bạn là điều bắt buộc. Ai cũng luôn sẵn sàng lắng nghe một người cảm thấy phấn khởi, lạc quan và mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình. Khó có thể cưỡng lại được điều đó.
2. Trí tò mò
Bạn luôn luôn hỏi tại sao. Bạn khao khát kiến thức. Bạn không sợ thử nghiệm những điều mới. Bạn luôn tự hỏi bản thân mình: 'Tôi có thể làm điều gì tốt hơn không?' Bạn đọc. Khi ai đó hành động như thể họ đã biết tất cả thì còn ai muốn cung cấp thêm thông tin cho họ nữa.
3. Sự gấp rút
Sự gấp rút nghĩa là bạn tạo cho mình một áp lực về thời gian và hiệu quả công việc. Luôn luôn duy trì 'sự gấp rút' nghĩa là bạn luôn có trách nhiệm với tất cả các nhiệm vụ đã được phân công.
Nếu không hề có cảm giác gấp rút thì chẳng bao bao giờ bạn hoàn thành thứ gì cả. Nếu không cố gắng hết sức mình, bạn sẽ luôn nghĩ ra lý do tại sao bạn không thể làm được điều gì đó. Thay vì như vậy, hãy nghĩ ít đi và làm nhiều hơn. Nếu không hành động kịp thời, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội biến ý tưởng thành hiện thực.
4. Động lực
Hãy làm điều mà bạn phải làm để tiến về phía trước. Hay nói cách khác, đừng chờ đợi đến sáng hôm sau chỉ để trả lời một email nào đó. Đừng trì hoãn việc gọi điện. Hãy tiếp tục! Động lực cũng quan trọng đối với tâm trí của bạn như trong công việc vậy. Nếu bạn không kích thích nó thì công việc cũng sẽ bị ảnh hưởng và bạn càng trở nên chán nản.
5. Tập trung
Bạn đang cố gắng đạt được điều gì và bạn làm thế nào để đạt được đó? Hãy tạo ra một bản đồ và đi theo các chỉ dẫn để có được điều bạn muốn? Đừng phân tâm.
6. Sự đồng cảm
Đừng rời mắt khỏi những điều thực sự quan trọng. Trước khi trở nên giận dữ, hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác. Bạn có hoài bão của riêng mình nhưng sau cùng, bạn vẫn là một con người. Chẳng ai muốn ở gần bạn nếu như bạn không biết quan tâm tới những người khác.
7. Sự điềm tĩnh
Mọi thứ có thể diễn ra không theo cách bạn muốn. Do vậy, học cách bình tĩnh trước sóng gió và không phản ứng thái quá trước mọi tình huống xảy ra là hai điều quan trọng trong suốt cuộc đời. Nếu không thể kiểm soát bản thân, những người khác sẽ không còn tôn trọng bạn nhiều như trước nữa. Thậm chí, chính bạn còn khiến nhiều vấn đề phát sinh hơn và lúc này, bạn sẽ phải tự sửa chữa tất cả các sai lầm đó.
Cập nhật: 13/06/2016 Vân Anh - Theo Entrepreneur