Trong những năm qua, đã có rất nhiều vụ kiện cáo xảy ra giữa nhà phát hành game và những kẻ phá hoại trò chơi của họ. Sony kiện Gamemasters vào năm 1999. Blizzard kiện MDY, kẻ viết phần mềm bot Glider cho WoW hồi 2010.
Những vụ kiện tương tự xảy ra với RuneScape, MapleStory, Overwatch… và mới đây nhất, Epic Games đưa ra hàng loạt đơn kiện nhiều cá nhân có liên quan đến việc hack, cheat trong Fortnite hồi tháng 10/2017. Trong số những đơn kiện này, có một trường hợp đặc biệt: một game thủ được biết với tên gọi CR. Thật ra, tên thật của CR đã được công bố từ lâu, nhưng bị rút lại sau khi Epic nhận ra rằng đây là một người chưa đủ 18 tuổi.
Trong bài viết này, Mọt game xin được nói về vụ việc Epic vs CR, và giấu tên thật của nhân vật bởi vì lười tôn trọng sự riêng tư của nhân vật.
Tại sao?
Điều gì làm cho vụ việc Epic vs CR đáng nói? Đó là bởi vì đây là lần đầu tiên một vụ kiện xảy ra nhắm tới cá nhân kẻ gian lận trong game, và đi vào “vùng xám” nơi mà hành vi gian lận của game thủ thường được xem là hợp pháp (ngay cả khi kẻ gian lận bị “tổng sỉ vả” bởi cộng đồng). Epic không hề nói rằng CR viết cheat, bán cheat hay vận hành một nền tảng phân phối cheat – những kẻ thường bị nhắm tới trong các vụ kiện khác. CR bị kiện vì livestream cảnh mình đang gian lận trong Fortnite Battle Royale và đưa link dẫn tới phần mềm gian lận đó trên YouTube.
Trong quá khứ, có một vụ kiện khác nhắm tới cheater, nhưng có bản chất hoàn toàn khác. Trong vụ kiện Jagex vs Does (tức Jagex vs những kẻ gian lận), Jagex chỉ muốn tìm đến những người sử dụng bot thông qua tài khoản PayPal của họ, qua đó khóa tài khoản người chơi dùng bot và ngừng vụ kiện. Còn trong trường hợp Epic vs CR, Epic đã nhắm tới một cá nhân cụ thể ngay lập tức.
Điều gì đã xảy ra?
CR có một tài khoản YouTube với hơn 8.000 người theo dõi. Một ngày nọ, cậu ta livestream việc mình sử dụng một phần mềm cheat trong Fortnite Battle Royale và bị Epic đưa ra yêu cầu xóa video. Khi YouTube thực hiện yêu cầu của Epic, CR ngoan cố phản ứng bằng cách post thêm một video thứ hai. Video này không bị gỡ bỏ ngay lập tức, nhưng vì một lý do nào đó CR lại tạo một tài khoản YouTube mới và livestream phần mềm cheat mình đang sử dụng thêm một lần nữa. Cả ba video này xuất hiện trong cùng ngày 14/10/2017, và sau đó bị gỡ bỏ.
Sự ngoan cố của CR đã được nhắc đến trong đơn kiện của Epic, khi nhà phát hành này ghi rõ “bị đơn đã bị khóa tài khoản ít nhất 14 lần vì vi phạm Điều khoản sử dụng và EULA.”
Vài ngày sau, CR gửi một thư phản đối (DMCA Counterclaim) việc YouTube gỡ bỏ video đầu tiên của mình:
“i did noting rong this strike is all wrong i was modding in a video game that isnt against youtubes TOS Why was i striked!!!!”
Là một BTV, Mọt rất “ngứa nghề” và muốn biên tập lại lời của CR, nhưng nói chung cậu ta thề mình chẳng làm gì sai, mà chỉ mod một trò chơi và không hề vi phạm điều khoản dịch vụ của YouTube. “Tại sao tôi lại bị đánh dấu?”
Chính lá thư phản đối này là thứ khiến CR bị kiện, bởi theo quy định của YouTube, họ chỉ giữ một video offline trong 10 ngày (theo quy định của Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ là 10-14 ngày) trừ khi phía đưa ra lời yêu cầu gỡ video (trong trường hợp này là Epic) chính thức kiện ra tòa. Nếu vụ kiện xảy ra, video đó sẽ tiếp tục bị giữ offline trên YouTube.
CR đăng tải video này trên YouTube sau khi bị kiện.
Đó chính là điều Epic Games đã làm, trước khi họ nhận ra CR chỉ mới 14 tuổi. Họ cho biết “vụ kiện này xảy ra bởi bị đơn đã đưa thư phản đối thông báo gỡ video trên một video YouTube. Dưới những tình huống này, luật yêu cầu chúng tôi phải đưa đơn kiện hoặc từ bỏ tuyên bố của mình.” Epic buộc phải kiện, bởi nếu không làm thế, họ sẽ mất quyền kiện những người khác làm điều tương tự với game của mình.
“Người lớn” vào cuộc
Chỉ khi mẹ của CR, bà Lauren Rogers gửi một lá thư tới tòa án quận Bắc Carolina và nói rằng CR chưa thành niên, Epic mới biết được điều này. Theo bà Lauren, con mình chưa đủ tuổi để tuân theo các hợp đồng, và bà cũng chưa từng cho phép con mình chơi Fortnite nên EULA của Fortnite Battle Royale không thể có tác dụng lên CR. Thêm vào đó, do Fortnite Battle Royale là game miễn phí, việc con mình gian lận không thể làm sụt giảm doanh thu của trò chơi.
Trên lý thuyết, bà Lauren không sai. Thông thường, trẻ vị thành niên không có khả năng tuân theo các hợp đồng. Đó là lý do tại sao đại đa số EULA, bao gồm của Fortnite yêu cầu người vị thành niên chỉ sử dụng dịch vụ với sự giám sát của phụ huynh hoặc người giám hộ, những người phải đồng ý với các điều khoản trong EULA.
Khi chơi Fortnite mà không có sự đồng ý của mẹ mình, trên lý thuyết, CR nằm ngoài tầm với của EULA. Nhưng cũng trên lý thuyết, chơi Fortnite mà không tuân theo các quy định của EULA là phạm pháp. Điều này nghe có vẻ điên rồ bởi ngay cả người trưởng thành cũng chẳng mấy khi thèm đọc EULA, nhưng bạn cần phải biết rằng toàn bộ thế giới internet đều vận hành dựa trên việc xem tất cả người chưa thành niên đều sử dụng internet dưới sự giám sát của người trưởng thành.
Tóm lại, việc chưa thành niên không phải là lớp vỏ bọc ngăn cản một ai đó bị kiện vì xâm phạm bản quyền của người khác.
Epic nói gì?
Tất cả những gì CR làm là đăng tải một đường link đến phần mềm gian lận và livestream việc sử dụng nó trên interent. Nhưng những hành vi này dẫn đến hai luận điểm trong đơn kiện của Epic.
Thứ nhất, khi CR chạy phần mềm cheat, phần mềm này đã nhúng mã của mình vào trong các file của Fortnite, thay đổi chúng thành một thứ gì đó không phải thứ mà Epic đã tạo ra. Điều này khiến CR vi phạm luật bản quyền.
Thứ hai, khi CR livestream trò chơi, Epic cho rằng CR đã xâm phạm bản quyền bằng việc “công khai thể hiện việc sử dụng phần mềm đã bị thay đổi mà không được phép.”
Theo bà Lauren, “Epic không có khả năng chứng minh trò chơi của họ đã bị bất kỳ thay đổi nào,” và con trai mình chỉ “lấy được cheat đã có sẵn từ một website công cộng, không liên quan đến Epic Games.” Thêm vào đó, bà nói rằng ngay thời điểm lá thư của mình được viết, có rất nhiều người khác cũng đang gian lận trong game. CR cũng lặp lại luận điểm này bằng cách… thừa nhận điều mình đang làm. “Tôi đã gian lận. Bạn biết mà. Chuyện bình thường.”
Điều này cho thấy rằng bà Lauren lẫn CR chẳng biết gì về luật – những gì Epic kết tội CR không dính dáng gì đến việc cậu ta có tự tay viết phần mềm cheat đó hay không. Thêm vào đó, việc “mọi người đều làm” không khiến một hành vi phạm pháp trở thành hợp pháp.
Cheat = mod?
Thật ra, khi CR tuyên bố rằng mình chỉ mod game, có chút gì đó hợp lý trong lời tuyên bố này. Tất cả các mod (chứ không chỉ cheat) đều tạo ra một phiên bản khác với những gì nhà phát hành đã làm ra, nhưng mod luôn luôn được khen ngợi và yêu thích trên YouTube. Một đứa bé 14 tuổi cho rằng việc cheat cũng chỉ là mod, và nếu như các YouTuber nổi tiếng làm được, tại sao mình lại không?
Vấn đề ở đây là khi cheat trong Fortnite, điều đó được thực hiện trong một môi trường PvP, và phá hoại trải nghiệm của những người chơi khác. Không mấy ai tức giận khi bạn bật cheat trong Far Cry 5 và stream nó lên YouTube, nhưng nếu bạn gian lận trong một tựa game online, Mọt game cá rằng bạn đã vi phạm một điều khoản nào đó trong EULA của trò chơi đó.
Hơn thế nữa, cho đến lúc này ngay cả việc mod game cũng không hoàn toàn là hợp pháp. Những trường hợp đã xảy ra như Take-Two yêu cầu OpenIV phải ngừng hoạt động, hay khi một modder thua trong vụ kiện Micro Star vs FormGen (1998) cho thấy rằng mod vẫn đang là một vùng xám trong mắt luật pháp và nhà phát hành. Nói một cách đơn giản, toàn bộ cộng đồng modder trên khắp thế giới đều đang hoạt động dựa trên sự hào phóng của các nhà phát hành khi nhìn thấy lợi ích mà mod đem lại cho trò chơi và sự ngại ngần khi nhờ đến pháp luật của họ.
Vì thế, việc CR “mod” game chắc chắn không phải là một điều mà Epic có thể chấp nhận được bởi một điều quá đơn giản, dù chưa được xác nhận bởi luật pháp: PvE trong những trò chơi đơn khác với PvP khi chơi mạng. Không ai thèm quan tâm đến việc Battletoad đấm chết rồng trong Skyrim, nhưng nếu bạn có một đôi mắt thần nhìn xuyên tường trong Fortnite Battle Royale, phản ứng của người chơi chắc chắn sẽ khác.
Lời kết
Những kẻ gian lận trong Fortnite là những kẻ khó ưa. Không chỉ CR, mà tất cả những người Epic kiện cuối năm ngoái đều đã bị ban khỏi trò chơi nhiều lần. BB, một trong số những kẻ gian lận đó cũng chưa đủ tuổi thành niên, và sau khi bị kiện, đã đăng tải cách qua mặt Epic để sử dụng cheat trong một kênh chat của kẻ cung cấp phần mềm cheat và viết rằng “Epic Eat my ass.” Sau đó, game thủ này cùng người giám hộ của mình vắng mặt trong phiên tòa của mình dẫn đến việc tòa án đưa ra phán quyết có lợi cho Epic.
Cho đến giờ phút này, hầu hết những kẻ bị Epic kiện trong vụ kiện cuối năm ngoái đều đã hòa giải hoặc nhận án phạt (tối đa 150.000 USD mỗi trường hợp).
Trừ CR.
Cậu ta vẫn đang rất hào hứng thể hiện bằng cách đăng tải thông tin cá nhân của một luật sư của Epic lên một trong các video của mình, kèm theo hashtag #FUCKUPEPICGAMES. Video mới nhất của kẻ gian lận này có tên “CSGO HACKING (Best moments),” có lẽ là để tìm thêm một đối thủ khác.
Nguồn : https://motgame.vn/gian-lan-trong-fortnite-battle-royale-co-pham-phap-khong.game