Shadow of the Colossus, một trong những tựa game mà Mọt tôi hay nghe các bô lão của hệ Playstation xuýt xoa mỗi khi nhắc đến. Những mỹ từ như “độc đáo”, “hoành tráng”, “không thử uổng cả đời” luôn được dùng để thôi thúc tôi trải nghiệm. Cuối cùng cơ hội cũng đến khi bản làm lại chất lượng cao của game này được phát hành cho hệ Playstation 4. Mọt game lão đại gia lập tức dốc túi rách gom bao tiền lẻ quăng vô mặt PSN để mua ngay.
Thế giới trong game thật ảo diệu với đồ họa sắc nét
Bất chấp 1 tháng mì gói chờ đợi phía trước, Mọt tui tải game về và mở lên ngay sau khi hoàn tất. Cảm xúc đầu tiên chính là: “wow, thế giới đẹp vãi!”
Phải công nhận rằng đồ họa của game được làm lại với chất lượng cực cao. Từ cảnh vật thiên nhiên cho đến đền đài, các tượng Colossi và tất nhiên là… xác chết của cô gái cũng trông rất xinh đẹp. Khởi đầu trông có vẻ ngon đấy!
Nhân vật chính Wander và cô gái trong vai “xác chết trên cao nguyên”, Mono
Nếu bạn là người mới chơi thì Mọt tôi cũng xin tóm lượt câu chuyện bắt đầu của Shadow of the Colossus. Game mở đầu với cảnh nhân vật chính Wander cưỡi chú ngựa Agro của mình chở theo một cô gái là Mono băng qua rừng núi trùng điệp để đến vùng đất bí ẩn “forbidden land”. Mono là một cô gái đồng trinh bị hiến tế vì cho rằng cô mang đến điều không may. Wander đã lấy xác cô mang đến vùng đất bí ẩn này đồng thời cũng trộm một thanh kiếm báu là vũ khí duy nhất có thể giết các Colossi.
“Mặt tiền” của ngôi đền Shrine of Worship
Khi cả 2 đến ngôi đền Shrine of Worship, xác cô gái được đặt lên bệ đá ở đầu ngôi đền và một giọng nói bí ẩn đến từ một thực thể tên là Dormin yêu cầu một điều kiện để hồi sinh Mono. Đó là Wander với thanh kiếm báu của mình phải đi giết 16 con Colossi đang cư ngụ rải rác khắp các khu vực của vùng đất bí ẩn này. Không có lựa chọn nào khác, Wander chấp nhận thỏa thuận và bắt tay vào việc…
Nghe đến đây thì có vẻ mọi thứ “ổn như hàng Nhật bổn” cả, tuy nhiên thảm họa kéo đến khi bắt đầu ngồi lên chú ngựa Agro. Cách điều khiển khá là mất thời gian khi nó phản ứng như một con ngựa thật với những bước khởi động, phi nước kiệu, nước đại và chuyển hướng phức tạp. Nó hoàn toàn khác một chiếc xe khi kéo bên trái là quay ngay bên trái, với con ngựa phải chú ý xem nó phản ứng ra sao nữa.
Khi vào các khe núi hay đường hẹp dễ bị khuất góc camera
Góc nhìn camera lại càng thảm họa khi cưỡi ngựa. Góc nhìn bị khóa theo góc xéo nên khi phi nhanh rất khó định hướng vì góc nhìn bị hạn chế, một số vách núi hẹp khiến bạn mất tầm nhìn. Đôi lúc chỉ muốn nhảy khỏi ngựa đi bộ cho nó lành. Càng thảm họa hơn là việc điều chỉnh hướng lại bị phụ thuộc vào góc nhìn camera, đôi khi bạn muốn đi sang phải nhưng ngựa lại xoáy sang trái vì… góc camera đang đối diện nhân vật.
Những chỗ chật hẹp chỉ có thể đi rất chậm
Đành rằng phản ứng của Agro rất thật so với thực tế cưỡi ngựa nhưng game thủ có bao nhiêu người chơi Shadow of the Colossus xong muốn đi cưỡi ngựa thật đâu mà cần kiểu tái hiện đó? Trong khi nhu cầu di chuyển để đến chỗ săn trùm thì rất cần mà lại bị trúc trắc khó khăn khi làm quen với con ngựa thì thật là thảm họa.
Những con trùm to đùng là điểm cực kỳ độc đáo làm nên thương hiệu Shadow of the Colossus
Về đấu trùm, có thể nói điểm sáng của Shadow of the Colossus chính là thử thách độc đáo với người chơi. Mỗi con sẽ có một cách riêng để trèo được lên người nó, đó là cách duy nhất để hạ những con trùm có thân hình to bằng cả chục chiếc xe buýt chở đội tuyển U23 Việt Nam. Trèo lên, tiếp cận điểm trí mạng và dùng gươm chọc vào đó cho đến khi con Colossi hết HP.
Cứ tìm tử huyệt trên người con trùm mà đâm vào là xong
Tuy nhiên ngoài điểm sáng đó thì Shadow of the Colossus… chẳng còn gì cả. Một thế giới không có quái gì ngoài các con Colossi, không mob, không level, không có up vũ khí trang bị. Một thế giới rỗng tuếch! Bạn nhận lệnh từ cái loa phường giấu trên trần điện thờ của một tên giả vờ mình quan trọng bằng cách nói một thứ ngôn ngữ ngọng nghệu. Sau đó đi ra tìm Colossi tương ứng, tìm cách trèo lên người nó, hạ nó xong ngất xỉu và được “đi xe cấp cứu” miễn phí về điện thần chờ lệnh tìm con kế.
Anh hùng kiểu gì cứ phải bám mấy chùm lông rồi bị nó lắc cho rơi như con bọ chét
Cuộc đời anh hùng chẳng có gì chán hơn là cứ phải nhăm nhe mấy chùm lông để bám vào và tìm huyệt đạo để “châm cứu” cứ lặp đi lặp lại mãi. Có thể nói Shadow of the Colossus giống như một cái game giải đố đi màn được làm cho hoành tráng lên về hình thức.
Đánh con trùm đầu tiên trong game
Mỗi con Colossi giống như một màn với một câu đố chính là cách để trèo lên người nó như một con bọ chét và câu đố phụ là… chờ nó bớt lúc lắc để chọc gươm vào tử huyệt của nó. Xong lại về và lại nhận một con mới và lại một câu đố nữa.
Cứ hạ được một con thì tượng của nó trong sảnh đền sẽ sụp đổ, có tổng cộng 16 con Colossi
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến các collectibles, các vật sưu tầm như đuôi một số con thằn lằn ăn vào tăng thanh thể lực và một số trái cây ăn vào tăng thanh HP. Ở bản làm lại có thêm một số “đồng vàng” giấu rải rác khắp nơi trong game mà thiên hạ đang điên cuồng tìm để xem cái gì giấu sau đó vì có vẻ chưa ai tìm ra được đủ các đồng hoặc đếm xem có tất cả bao nhiêu đồng.
Cây to vật vã mà ra nhõn 1 trái bé tí, hy vọng mày có công dụng thần kỳ như trái ác quỷ
Có lẽ các bạn thấy Mọt tôi chê game hơi bị thậm tệ, nhưng công bằng mà nói game vẫn là một sản phẩm trên trung bình. Đặc biệt với những fan của thể loại giải đố thích mày mò thử đi thử lại nhiều cách khác nhau để đạt mục đích đây là một game có thể chấm… 11/10 điểm vì nó kèm theo đồ họa quá tuyệt vời.
Phải công nhận góc quay bất tiện nhưng nhìn rất đã mắt khi phi ngựa trên thảo nguyên
Nhưng với fan của nhập vai – hành động thích đánh và bị đánh, bán hành và ăn hành như Mọt tui chắc nó chỉ đáng… 5 điểm vì chẳng có tính chất nhập vai nào. Và mặc dù có cung, kiếm nhưng chẳng có quái nào để đánh cả, 2 món đó như công cụ để giải đố hơn là vũ khí nên mảng hành động cũng yếu nốt.
Darksiders 2 có con boss Guardian với cách đánh khá giống cách đấu một con Colossi
Cũng phải công nhận Shadow of the Colossus là một tiền đề hay cho những game sau này học hỏi, nhất là với kiểu đánh boss cực lớn phải trèo lên người nó để hạ. Một ví dụ khá gần gũi chính là con boss khổng lồ Guardian trên thảo nguyên trong Darksiders 2.
Nhìn chung, phiên bản làm lại này của Shadow of the Colossus vẫn có những giá trị tích cực, nhất là cực hay với các fan giải đố. Tuy nhiên về mặt gameplay so với thời đại ngày nay nó vẫn chưa hay đến mức phải tâng bốc rầm rộ. Cái thời PS2 ít game, chưa có nhiều sáng tạo trong gameplay nó khác nhiều so với năm 2018 với một nền game PS4 đã rực rỡ cực độ.
Các công trình mang âm hưởng kiến trúc văn minh Inca với những họa tiết khối vuông
Chốt hạ trước khi đi ngủ: Nếu bạn là một game thủ thích mày mò tìm cách giải quyết một bài toán học búa và kiên nhẫn thử đi thử lại nhiều lần thì Shadow of the Colossus rất đáng mua. Còn nếu bạn tìm kiếm một game hào nhoáng và gameplay hay như Darksiders hay Horizon Zero Dawn thì đừng phí 40 USD cho game này, bạn sẽ cảm thấy rất rõ khái niệm “phí tiền vl”.
Thanh gươm thần có tác dụng… chỉ đường đi
Đừng như Mọt, tin mấy ông phê bình game cho điểm cao xong ăn mì gói cả tháng trong rage mode vì lỡ mua rồi PSN chẳng cho refund. Thôi thì thỉnh thoảng lại vào “củ hành” 1 con khi nào đủ 16 con coi như trút giận gỡ hết vốn vậy.
Bạn có thể mua game tại đây nếu thấy hợp khẩu vị: https://store.playstation.com/en-us/product/UP9000-CUSA08034_00-SOTC0000000000US
Nguồn : https://motgame.vn/shadow-colossus-diem-cao-chang-hieu-vi-sao.game