Ở mỗi phần Final Fantasy, ngoại trừ dòng chữ thương hiệu cùng chữ số La Mã để biểu hiện thứ tự phiên bản, còn đó một hình ảnh hơi mờ ảo phía sau. Tùy theo từng phiên bản, hình ảnh sẽ không giống nhau và bạn có biết hình ảnh đó có liên quan mật thiết đến nội dung chính của phiên bản đó.
Hãy cùng TCN tìm hiểu về ý nghĩa của hình ảnh trên logo của dòng game Final Fantasy nhé!
Final Fantasy I, II, III
Sau khi tự cứu bản thân khỏi việc phá sản bởi sự thành công của Final Fantasy, Square Soft quyết định mang sản phẩm của mình tấn công vào thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Vào thời đó tại Nhật, Final Fantasy (FF) trên NES là một thành công rực rỡ tuy nhiên doanh số tại thị trường hải ngoại lại không gây nhiều ấn tượng, thậm chí FFII và FFIII còn không được phát hành tại khu vực Bắc Mỹ. Lúc này do những hạn chế về mặt đồ họa của máy NES, logo game chỉ là dòng chữ Final Fantasy đơn sắc màu đỏ và không có bất kỳ hình ảnh nào kèm theo.
Mãi cho đến thời điểm đầu những năm 2000, Final Fantasy mới có những bước tiến mạnh mẽ và vững chắc vào thị trường Âu Mỹ với các phiên bản FF làm lại trên PlayStation và bản FFIII trên hệ DS. Lúc này logo game cũng đã có những thay đổi đáng kể với dòng chữ Final Fantasy màu đen với hiệu ứng blooming cùng hình ảnh hơi mờ ảo phía sau, đây là khởi đầu cho phong cách thiết kế logo của dòng game mãi cho đến phiên bản mới nhất FFXV.
Ban đầu các hình ảnh phía sau dòng chữ Final Fantasy không quá phức tạp, kiểu nhìn phát biết ngay, FF là hình ảnh của nhân vật chính – người anh hùng vô danh Warrior of Light, FFII được thiết kế với chân dung của nhân vật phản diện bất hủ The Emperor và FFIII tiếp tục trở lại cùng nhân vật chính Luneth đang vung hai thanh kiếm – thực tình mà nói, Luneth còn có nhiều hành động hay hoạt cảnh đẹp hơn việc anh ta vung vẩy 2 hai thanh vũ khi một cách ngu ngốc, chả hiểu vì sao Square lại chọn ảnh này làm logo nữa.
Thoạt nhìn các logo này không có nhiều ý nghĩa và chủ yếu chỉ để trang trí tuy nhiên dù hơi đơn giản nhưng các logo của thời kỳ này phản ánh rõ nét tinh thần mà Square mong muốn gửi gắm vào những sản phẩm của họ, dễ tiếp xúc cũng như phù hợp với mọi đối tượng game thủ.
Final Fantasy IV
Đây là lúc mà mọi sự bắt đầu trở phức tạp khi có nhiều ý nghĩa cũng như ẩn dụ mà Square muốn khách hàng của họ bỏ công ra để tìm hiểu, không phải kiểu nhìn phát biết ngay nữa. Trong khi logo FFIV phiên bản Bắc Mỹ khá đơn giản với dòng chữ thương hiệu Final Fantasy, trong đó chữ “T” được cách điệu thành một thanh gươm thì phiên bản tại Nhật được thiết kế logo kỳ công hơn nhiều, sử dụng hình ảnh của Kain Highwind một trong các nhân vật “ngầu” nhất dòng game.
Khi bản FFIV remake cho DS được phát hành năm 2008, người ta đã cho thay hình ảnh của Kain bằng ác quỷ Golbez, kẻ chịu trách nhiệm về hầu hết những việc làm sai trái của Kain Highwind, có thể nói Golbez mới là nhân vật có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong FFIV.
Final Fantasy V
Không phức tạp như dáng đứng huyền thoại của Kain Highwind hay sau đó là ác quỷ Golbez trong logo của FF4, tạo vật mà nhiều game thủ cho là rồng trên logo Final Fantasy V thực tế là một con Wind Drake, thứ giúp người chơi có thể di chuyển một cách dễ dàng và nhanh chóng trong thế giới FFV, tương tự như phi thuyền Ragnarok trong FFVIII hay chiếc tàu bay Hilda Garde do Cid chế tạo cho nhóm Zidane Tribal ở FFIX.
Thực tế mà nói chú Wind Drake này không đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện chính của trò chơi ngoài việc chuyên chở tuy nhiên nó có liên quan một chút đến 2 nhân vật quan trọng là công chúa Lenna và Krile. Bên cạnh đó, xuyên suốt cốt truyện cảu Final Fantasy V có khá nhiều nhiệm vụ cứu hộ khẩn cấp trên toàn thế giới vì vậy cũng có thể nói rằng Wind Drake là chìa khóa quan trọng của các nhiệm vụ cứu hộ trong game.
Final Fantasy VI
Tương tự FFIII, Final Fantasy VI phiên bản phát hành tại Mỹ bị game thủ đánh giá không cao về mặt thiết kế và thẩm mỹ. Vẫn chữ “T” cách điệu thành thanh gươm thế nhưng hình ảnh chú Moogle trông khá lạc quẻ và không ăn nhập gì đến nội dung chính của trò chơi.
Final Fantasy VI là phiên bản thứ ba thuộc dòng game Final Fantasy được phát hành ở Bắc Mỹ (sau Final Fantasy và Final Fantasy IV). Do đó, nó được phát hành ở Bắc Mỹ dưới cái tên Final Fantasy III để duy trì sự liên tục trong cách đặt tên.
Khi cuộc chiến giữa Empire và Returner trở nên kịch liệt, chính Terra Branford sẽ đóng vai trò như một đầu mối quan trọng giúp giải quyết các mâu thuẫn cũng như mang lại hòa bình cho toàn thế giới.
Còn tiếp…
Nguồn : https://motgame.vn/logo-dong-game-final-fantasy-va-nhung-dieu-co-ban-chua-biet-p-1.game