Tiếp nối phần trước, hãy cùng TCN tiếp tục tìm hiểu về nội dung của các logo trong dòng game Final Fantasy kể từ phiên bản 7 trở đi và những điều có thể bạn chưa biết về chúng nhé!
Final Fantasy VII
Với những ai đã từng chơi qua tựa game này chú ý một chút có thể nhận ra logo của FFVII chính là hình ảnh đại diện cho Meteor, phép thuật mà trùm phản diện Sephiroth muốn sử dụng để phá hủy bề mặt của Planet. Thực tế âm mưu của Sephiroth không đơn giản như vậy, hắn muốn dùng Meteor phá hoại bề mặt cũng như khiến Planet bị thương nặng và hành tinh này khi chữa trị vết thương sẽ vận dụng đến sức mạnh của Lifestream.
Lúc đó Sephiroth sẽ tiến vào trung tâm của vết thương, chiếm quyền kiểm soát nguồn năng lượng của Lifestream đồng thời hợp nhất để trở thành vị thần mới thống trị Planet. Để triệu hồi Meteor, Sephiroth cần có viên Black Materia, đó là lý do hắn dẫn dụ Cloud và nhóm bạn đồng hành tìm thứ này cho mình trong suốt nội dung chính của Final Fantasy VII.
Final Fantasy VIII
FFVIII là một trong những phần – có thể nói là, ngôn tình bậc nhất của toàn bộ dòng game. Dĩ nhiên là trước khi FFX ra đời, thế nhưng nếu xét về độ tự kỷ tình cảm của nhân vật chính, chắc cầu thủ ném bóng Tidus chỉ có thể gọi tay học viên kiệm lời của Balamb Garden bằng… cụ.
Bằng một cách không thể trực quan hơn, logo Final Fantasy VIII thể hiện hình cảnh 2 nhân vật chính là Squall Leonhart và Rinoa Heartilly đang ôm nhau một cách mùi mẫn. Có thể nói Square Soft – lúc này chưa phải Square Enix đâu nhé, muốn khẳng định ngay từ đầu FFVIII sẽ là một câu chuyện tình yêu. Nhưng ngoài dự tính của họ, đây lại là một trong những tựa FF gây chia rẽ cộng đồng game thủ nhiều nhất vì nhiều lý do khác nhau, từ gameplay tới nhân vật.
Có nhiều giả thiết về khung cảnh này và cũng không có giả thiết nào có thể chắc chắn 100% bởi trong suốt cốt truyện chính lẫn phụ của game chúng ta sẽ thấy hai thanh niên Squall và Rinoa ôm nhau… quá nhiều. Tuy nhiên trông nó khá giống thời điểm kết thúc trò chơi hay phân cảnh cặp đôi ở trên con tàu không gian Ragnarok.
Final Fantasy IX
Final Fantasy IX là phiên bản cuối cùng trên hệ máy PlayStation đồng thời được nhà sản xuất tung ra với lời giới thiệu Crystal comes back (Tinh thể trở lại) và logo của nó quả nhiên là một khối thủy tinh hơi bị to, nhìn phát là biết ngay, thế thì có điều gì phức tạp đằng sau khối tinh thể này nhỉ?
Đầu tiên slogan Tinh thể trở lại gián tiếp thừa nhận rằng FFVII và VIII đã có phần hơi sa đà vào các câu chuyện ân oán tình thù cẩu huyết mà phần nào quên đi cội nguồn của toàn bộ dòng game và phong cách ảo mộng, nơi mà những khối tinh thể phép thuật luôn đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ cốt truyện.
Trong Final Fantasy IX, vòng sinh mệnh của toàn bộ vùng đất Gaia lẫn những cư dân đang sống trên nó đều xoay quanh các khối tinh thể: mọi người đều sinh ra từ tinh thể và khi họ chết linh hồn lẫn ký ức lại quay trở về nơi bắt đầu, thanh tẩy những tội lỗi trong tiền kiếp rồi sẵn sàng bắt đầu một hành trình mới.
Vấn đề chính ở đây là tại vùng đất Tera, khối tinh thể đang tàn lụi dần và cư dân tại đó đã tìm ra cách để chuyển linh hồn sang vùng đất mới, ở đây là pha lê của Gaia. Tất nhiên là những con hàng này không phải thiện nam tín nữ gì và bọn họ dĩ nhiên cũng sẽ không dọn nhà trong hòa bình rồi, thế là câu chuyện của chúng ta trong FFIX được bắt đầu.
Final Fantasy X
Phiên bản Final Fantasy đầu tiên cho hệ máy PlayStation 2 giúp game thủ có thể mường tượng ra nữ chính “đẹp” như thế nào. Nếu các bản trước đây xuất hiện không ít những nhân vật nữ tài sắc vẹn toàn nhưng đa số người chơi chỉ cảm nhận được tài mà rất khó hình dung ra sắc với các khối màu 8-bit hay đồ họa hình khối 3D sơ khai thì bản FFX đã giúp cho chúng ta hoàn toàn cảm nhận được sự quyến rũ của Yuna.
Là một trong những logo Final Fantasy được nhóm thiết kế trau chuốt tỉ mỉ, logo FFX thể hiện cảnh nữ chính Yuna đang làm phép cầu hồn và tiễn đưa những linh hồn tội nghiệp sang thế giới bên kia. Cảnh Yuna nhảy múa trên mặt nước từng được bình chọn là một trong những đoạn cut scene ấn tượng bậc nhất trong toàn bộ dòng game.
Theo lời của nữ pháp sư LuLu, những người đã chết mà linh hồn còn vương vấn cõi trần sẽ trở nên ghen tị và căm ghét người còn sống, do vậy họ cần được một bà đồng thực hiện nghi lễ cầu siêu đồng thời làm phép để dẫn dắt bọn họ đi về nơi an nghỉ của chính mình tại Farplane.
Bên cạnh đó nội dung của FFX nặng nề hơn sự hào nhoáng dưới nền tảng đồ họa của PS2 rất nhiều, game nói về bản chất của sự mất mát, bi kịch trong cuộc sống và trên hết những niềm tin tôn giáo bị diễn giải sai lệch. Khi thực hiện nghi lễ cầu siêu cho các nạn dân cuối cùng Yuna cũng đã hiểu ý nghĩa thực sự của một pháp sư summoner đồng thời nhận ra trách nhiệm nặng nề của bản thân, may là cô không phải gánh chịu mọi thứ một mình, cô vẫn còn Tidus và những người bạn chân thành cùng chung vai gánh vác.
Final Fantasy XI
Lại là một phiên bản mang một dấu ấn “đầu tiên” thế nhưng Final Fantasy XI không mang lại cải tiến gì mới mẻ, nó chỉ giúp người ta có thể kết nối mạng để chơi trực tuyến cùng nhau – cũng tính là lần đầu tiên đấy thôi. Là một tựa game online vì vậy cốt truyện FFXI không quá phức tạp và cũng không có nhiều ẩn dụ để tìm hiểu, điều này thể hiện trực tiếp lên logo của trò chơi.
Có lẽ một đám quân lính trên logo Final Fantasy XI sẽ đại diện cho vài chục người vẫn còn chơi tựa game này. Năm nhân ảnh đứng ở hàng đầu tiên là 5 chủng tộc mà bạn có thể lựa chọn trong game gồm Hume, Tarutaru, Galka, Mithra, Elvaan và đám đông đằng sau là những fan trung thành vẫn chưa chuyển sang chơi World of Warcraft hay Lord of the Rings Online.
Còn tiếp…
Nguồn : https://motgame.vn/logo-dong-game-final-fantasy-va-nhung-dieu-co-ban-chua-biet-p-2.game