Mỗi giải pháp có những điểm khác biệt của riêng mình. Trong bài viết này mình giới thiệu đến các bạn 3 giải pháp đang được quan tâm hiện nay là Android Pay, Samsung Pay, Apple Pay. Chúng ta hãy xem cách hoạt động của chúng ra sao, sự khác biệt như thế nào và những thiết bị, dịch vụ nào tương thích với chúng.
Trước khi đọc bài, mời các bạn xem qua bảng sau để nắm được ý chung. Mình có bổ sung thêm PayPal và Google Wallet cho các bạn tiện so sánh (nhấn vào bảng để phóng to).
Apple Pay là gì?
Apple Pay là dịch vụ thanh toán do Apple phát triển và nó đã được triển khai từ cuối năm ngoái, trong khi Samsung Pay hay Android Pay thì vẫn chưa được xài trên thị trường. Theo thông báo của Apple thì hiện có hơn 200.000 cửa hàng tại Mỹ chấp nhận Apple Pay và công ty vẫn đang tích cực làm việc để tăng con số này lên.
Cách hoạt động của Apple Pay cũng gần giống Samsung Pay, đó là bạn có thể xài điện thoại của mình kết hợp với cảm biến vân tay và kết nối NFC để giao dịch. Nhược điểm so với Samsung Pay đó là Apple Pay không hỗ trợ gửi thông tin đến các máy thanh toán chỉ dùng thẻ từ.
Và bởi vì chỉ sử dụng NFC, Apple Pay cũng bị hạn chế giống như Android Pay do tốc độ chuyển sang sử dụng máy thanh toán NFC của các nhà bán lẻ nhìn chung vẫn còn chậm chạp. Thậm chí hồi tháng 9 vừa qua một số cửa hàng đã vô hiệu hóa luôn cả đầu đọc NFC để khiến khách hàng đổi sang sử dụng một hệ thống thanh toán khác do chính họ phát triển mang tên CurrentC.
Thế nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi trong thời gian tới do việc chuyển sang dùng máy thanh toán NFC là một xu hướng tất yếu. Thậm chí luật liên bang Mỹ còn bắt buộc các cửa hàng phải chuyển sang dùng máy thanh toán hỗ trợ chip từ đây đến năm 2016, và thường máy chip được tích hợp sẵn NFC luôn.
Apple Pay được đánh giá cao ở tính bảo mật của mình. Ở bước thiết lập đầu tiên bạn vẫn phải nhập thông tin thẻ tín dụng vào ứng dụng Passbook. Tuy nhiên, Apple Pay sẽ KHÔNG LƯU số thẻ ngân hàng và nó cũng không lưu trên máy chủ của Apple. Thay vào đó, mỗi lần bạn nhập một thẻ mới, Apple sẽ tạo ra một mã số riêng dành cho thẻ đó gọi là 'Device Account Number', mỗi thẻ có một 'Device Account Number' riêng và tất cả đều được chứa trên một con chip bảo mật riêng trong iPhone.
Khi thanh toán bằng Apple Pay, iPhone sẽ dùng mã số nói trên để giao tiếp với máy tính tiền, số thẻ thật sự của bạn sẽ không bị lộ. Mỗi lần giao dịch, Apple sẽ tạo ra tiếp một mã sử dụng một lần (one-time code) để xác thực giao dịch. Chưa hết, Apple Pay còn có thêm một bước xác thực nữa đó là Touch ID để đảm bảo chính bạn là người đang thực hiện giao dịch này. Lưu ý ở đây là cửa hàng cũng sẽ không biết được số thẻ cũng như các thông tin khác về bạn. Bạn có thể tìm hiểu thêm về cơ chế này trong bài viết Tại sao Apple Pay sẽ làm việc thanh toán di động dễ dàng hơn?
Và các bạn lưu ý, Apple Pay cũng có thể dùng để thanh toán cả ở cửa hàng bán lẻ bình thường lẫn các trang web hay ứng dụng online, tương tự như Android Pay. Apple cũng đã nâng cấp Apple Pay để nó dùng được với máy MacBook, cho phép thanh toán cả trong app chứ không chỉ thanh toán khi đi mua sắm hay website.
Samsung Pay
Dịch vụ này là một dịch vụ độc quyền của Samsung, nó độc lập với Android Pay và cũng không liên quan đến Google Wallet. Tính năng giúp Samsung Pay đứng tách biệt hẳn so với những dịch vụ đối thủ đó là nó có thể sử dụng với cả các máy thanh toán thẻ từ chứ không chỉ là máy NFC. Điều đó giúp khách hàng của Samsung có thể thanh toán ở một số lượng cửa hàng lớn hơn rất nhiều so với Android Pay và Apple Pay vốn chỉ có thể dùng NFC, đặc biệt là ở những quốc gia ngoài Mỹ.
Video cách sử dụng Samsung Pay
Để làm được điều đó, Samsung đã sử dụng một công nghệ gọi là Magnetic Secure Transmission (MST) do Samsung mua lại từ công ty khởi nghiệp LoopPay. Để tìm hiểu thêm về MST cũng như LoopPay, mời các bạn xem bài viết: LoopPay là gì, nó hoạt động như thế nào và sẽ ra sao khi được Samsung mua lại?
Hiện Samsung Pay đã hỗ trợ Việt Nam, trước mắt có 5 ngân hàng dùng được với Samsung Pay là:
- BIDV
- Vietcombank
- Sacombank
- Vietin Bank
- Shinhan Bank
Cách sử dụng Samsung Pay cũng khá đơn giản. Khi bạn cần thanh toán, bạn lấy điện thoại ra, chạm ngón tay vào đầu đọc trên máy, sau đó đưa máy lại gần trạm thanh toán (NFC hoặc thẻ từ) là xong.
Android Pay là gì?
Được giới thiệu tại triển lãm MWC 2015, Android Pay về cơ bản là một bộ khung (framework) cho phép các lập trình viên bên thứ ba sử dụng để phát triển app cho riêng mình. Đây chính là điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của Android Pay, trong khi đó Samsung Pay và Apple Pay lại hai dịch vụ độc lập. Sundar Pichai, phó chủ tịch cấp cao chịu trách nhiệm Android, Chrome và Google Apps, phát biểu như sau: 'Chúng tôi làm nó theo cách mà ai cũng có thể xây dựng một dịch vụ thanh toán bên trên Android... Ở những nơi như Trung Quốc hay Châu Phi, chúng tôi hi vọng mọi người sẽ dùng Android Pay để xây dựng nên những dịch vụ sáng tạo'.
Nói cách khác, với Android Pay, Google hi vọng rằng hãng có thể thu hút các bên thứ ba cùng tham gia xây dựng những giải pháp thanh toán di động tốt hơn và phong phú hơn. Đây là một cách thức đậm 'chất' Google. Vì sao? Bạn hãy nhìn vào Android mà xem, Google cũng chỉ cung cấp nền tảng cơ bản mà thôi, còn phần cứng là do các hãng khác sản xuất cơ mà.
Lợi ích khi xài Android Pay đó là các nhà phát triển không phải tự mình xây dựng hạ tầng để hỗ trợ việc thanh toán di động. Ngoài ra, khi nghe đến cái tên Google thì người dùng cũng cảm thấy tin tưởng hơn so với việc phải đưa thông tin chi trả cho một cái tên lạ hoắc nào đó. Chưa hết, Android Pay còn có thể được xác thực bằng dấu vân tay, hỗ trợ kết nối NFC để giao tiếp với máy thanh toán, lại còn có thể xài ở cả cửa hàng bình thường lẫn cửa hàng trực tuyến.
Về lý thuyết, bất kì thiết bị Android nào có hỗ trợ kết NFC là có thể dùng được các dịch vụ phát triển bằng Android Pay. Nếu bạn có một cái điện thoại với đầu đọc vân tay thì tốt hơn vì Android Pay hỗ trợ xác thực nhanh gọn bằng giải pháp này bên cạnh cách nhập mật khẩu truyền thống.
Vậy còn Google Wallet thì sao? Đừng lo lắng, dịch vụ này vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện. Theo Google, bạn có thể nghĩ về Google Wallet như một dịch vụ được xây dựng bằng Android Pay, và sẽ còn có nhiều thứ khác tương tự như thế xuất hiện trong tương lai. Mới đây Google cũng hợp tác với Softcard, một công ty liên doanh giữa 3 nhà mạng lớn tại Mỹ là Verizon Wireless, AT&T và T-Mobile chuyên về thanh toán di động. Theo thỏa thuận này thì Google sẽ mua lại công nghệ của Softcard, còn các nhà mạng thì cài sẵn Google Wallet lên các điện thoại Android do họ bán ra.
Wallet đã ra đời từ năm 2011 nhưng nó không được sử dụng được phổ biến, một phần vì chiến lược của Google, phần khác là do các cửa hàng tại Mỹ còn khá chậm chạp trong việc lắp đặt các máy thanh toán NFC. Nhưng đến năm 2016, các đơn vị kinh doanh tại Mỹ buộc phải nâng cấp lên hệ thống đọc thẻ bằng chip và thường những hệ thống đó đã có sẵn NFC rồi.
Vẫn còn rất sớm để kết luận xem hình thức thanh toán di động nào tiện lợi và an toán hơn do 2 trong số 3 cái tên nói trên vẫn chưa được chính thức triển khai. Liệu đó sẽ là Apple Pay, Samsung Pay hay Android Pay? Chúng ta hãy chờ xem.
Tham khảo: MakeUseOf, CNN, Business Insider