Nhằm góp phần xây dựng môi trường sống văn hoá lành mạnh, đậm đà bản sắc truyền thống và tinh thần dân tộc, trong những ngày cả nước 'chống dịch như chống giặc', do điều kiện giãn cách xã hội, không có điều kiện tổ chức sự kiện đông người, ngày 24/9/2021 tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Tạp chí Văn hoá và Phát triển; cùng các diễn đàn mạng xã hội 'Trái tim Người lính' và 'Lục Bát Việt Nam' đã tổ chức phát hành online tác phẩm 'Lục bát mỗi ngày'.
Bìa tác phẩm
Nói về táp phẩm 'Lục bát mỗi ngày' TS. Luật sư Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cho biết: 'Chúng tôi tự hào vì đều là 'Trai cầu Vồng Yên Thế', cùng sinh ra và lớn lên tại vùng đất 'địa linh nhân kiệt' - nơi dựng cờ dấy binh khởi nghĩa của các thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám chống Pháp, nơi có Đồi Văn hoá Kháng chiến, gắn liền với nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng Việt Nam: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, Trần Huy Liệu, Tú Mỡ, Trần Đăng, Phạm Duy…
'Với 'Lục bát mỗi ngày', Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã góp phần làm cháy sáng hơn ngọn lửa Văn hoá truyền thống và rất đáng tự hào của quê hương Bắc Giang!', TS. Luật sư Đồng Xuân Thụ cho hay.
Nhà thơ, cựu chiến binh Trần Ninh Hồ, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Không hiểu sao, khi đọc 'Lục bát mỗi ngày' của Đặng Vương Hưng, tôi cứ liên tưởng đến những nghệ nhân Xẩm chợ, Xẩm tàu điện ngày xưa. Xét về góc độ nào đó, Đặng Vương Hưng cũng là một nghệ sĩ hát rong như thế. Do lợi thế của nghề làm báo, anh có điều kiện đi khắp Đông - Tây - Nam - Bắc. Và kỳ lạ là, đến đâu anh cũng có Thơ Lục Bát! Những bản du ca Sáu Tám của Đặng Vương Hưng cứ thế ngân vang, cứ lặng lẽ đi vào đời sống như ca dao, dân ca, như lời ăn tiếng nói của người dân, bất chấp khen chê và cả sự thị phi này nọ...
TS. Đỗ Anh Vũ, Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: 'Lục bát Đặng Vương Hưng như một khu vườn rộng mênh mông không bờ bến. Gần ngàn bài thơ với đủ các đề tài, không gian, nhân vật, tâm trạng cùng biết bao câu chuyện trong một kiếp nhân sinh, từ chuyện sinh hoạt đời thường cho đến những suy tưởng triết luận, thi sĩ như đã trút cả cuộc đời mình vào Lục Bát'.
Tuyển tập 'Lục bát mỗi ngày' với nội dung được chia làm 3 phần chính:
Phần thứ Nhất: Tái bản tập lục bát và lời bình 'Học quên để nhớ'. Cách đây 20 năm, khi còn làm việc tại báo An ninh Thế giới, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã tạo nên một hiện tượng phát hành và cơn 'sốt thơ' với tập 'Học quên để nhớ' (NXB Hội Nhà văn, 2001) bằng cách công bố thông tin trên báo chí để bạn đọc đăng ký và gửi sách đến nhà theo đường bưu điện. Đã có hàng vạn lá thư được gửi về cho tác giả và gần 100.000 bản in sách được phát hành.
Phần thứ Hai: 'Lục bát mỗi ngày'. Tuyển chọn hơn 900 bài Lục bát được tác giả sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2020; với đủ các cung bậc cảm xúc buồn vui, như nhật ký cuộc đời và số phận con người.
Phần thứ Ba: Dư luận Tác phẩm và Tác giả, gồm 12 bài viết của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, phê bình văn học, giới thiệu, đánh giá, cảm nhận về tác phẩm 'Lục bát mỗi ngày' và nhà thơ Đặng Vương Hưng; giúp bạn đọc tiếp cận tác phẩm và tác giả dễ dàng hơn.
Tuyển tập 'Lục bát mỗi ngày' do NXB Văn học ấn hành năm 2021; Độc giả mua sách có thể liên hệ qua số điện thoại (có Zalo, Viber, WhatsApp): 0913 210 520, để cung cấp địa chỉ, điện thoại của người nhận sách. Ấn phẩm có chữ ký và lưu bút mực tươi của tác giả, sẽ được đóng gói vào hộp sách (thay phong bì) và gửi tới nhà bạn đọc, theo đường bưu điện.
Là sản phẩm làm việc online của thời giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, ngoài sách giấy 'Lục bát mỗi ngày' còn có bản định dạng pdf 4 màu, tác giả dành tặng miễn phí bản pdf cho những bạn đọc yêu thơ Lục bát./.