Dạy và học trực tuyến: Nỗ lực tối đa để học sinh học tập thuận lợi nhất

Tình thế phải 'chuyển trạng thái' được Bộ GD&ĐT xác định vừa là thách thức, cũng là cơ hội để linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tận dụng mọi giải pháp, công nghệ, công cụ để tổ chức việc dạy và học, đồng thời thay đổi cách quản trị của nhà trường bằng ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng với điều kiện dịch bệnh còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.


Đa dạng, linh hoạt hình thức dạy và học nhằm thích ứng với tình hình mới


Khởi đầu năm học 2021 - 2022 với nhiều khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã phải thực hiện các biện pháp linh hoạt để năm học được diễn ra hợp lý với phương châm là dù khó khăn đến đâu cũng phấn đấu dạy tốt và học tốt, tận dụng mọi cơ hội, mọi điều kiện. Những nơi có điều kiện dạy học trực tiếp thì các nhà trường tổ chức để học sinh, sinh viên theo học trực tiếp, nơi nào không có điều kiện thì dạy và học trực tuyến hoặc qua truyền hình.


Tại buổi làm việc ngày 8/9 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện các đài truyền hình, kênh truyền hình Trung ương… bàn giải pháp đẩy mạnh dạy học trực tuyến, trên truyền hình và các phương thức giáo dục khác trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, các văn bản hướng dẫn cho năm học mới đã được ban hành. Trong đó có việc tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình; bổ sung bài giảng, học liệu phục vụ học trực tuyến, học trên truyền hình.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, với tình hình dịch bệnh hiện nay, dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất, 'lớp 1, lớp 2 thì dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm'.


Để dạy trên truyền hình, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức xây dựng video bài giảng cho môn học các lớp 1, 2 và 6. Riêng đối với lớp 1 có video hỗ trợ bài học cho môn Tiếng Việt và Tiếng Anh đầy đủ, các bài giảng và video này cũng được phát trên truyền hình. Với những học liệu đó, nếu nơi nào không đủ điều kiện, thầy cô có thể gửi cho học sinh qua email, Zalo… để các em học ở nhà và kèm theo đó là tài liệu hướng dẫn. Đối với các lớp còn lại, Bộ GD&ĐT cũng lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng. Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ thẩm định bài giảng.


Dạy và học trực tuyến: Nỗ lực tối đa để học sinh học tập thuận lợi nhất

Học sinh lớp 1 (năm học 2021 - 2022) làm quen với việc học trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)


Ngoài ra, ở những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, trên truyền hình, các nhà trường sẽ thực hiện phát phiếu học tập đến học sinh để đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Đối với bậc học mầm non, Bộ GD&ĐT tổ chức xây dựng ngân hàng video clip để phụ huynh hướng dẫn, giáo dục trẻ ở nhà.


Đặc biệt, đối với giáo dục tiểu học, thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021 - 2022 với yêu cầu chủ động khắc phục tác động của dịch COVID-19, lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2.


Dạy và học trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn


Năm học mới đã bắt đầu, nhiều địa phương tổ chức cho học sinh học trực tuyến. Tuy nhiên, sau một tuần triển khai, một trong những vấn đề khó khăn và nan giải dễ nhận thấy nhất là thiếu thiết bị học và đường truyền chưa đảm bảo.


Theo khảo sát nhanh của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới 2021-2022 gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều nơi tổ chức dạy học trực tuyến chưa hiệu quả, do hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập... Chẳng hạn theo thống kê sơ bộ, TP. HCM còn thiếu 77.000 máy tính để học trực tuyến; nhiều vùng khó khăn có từ 50% - 70% học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến; nhiều thôn bản không có mạng Internet…


Chia sẻ về những khó khăn trong việc dạy học trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết có 2 khó khăn lớn nhất trong việc dạy và học trực tuyến là thiếu thiết bị và dung lượng đường truyền. Với 20 triệu học sinh, sinh viên, chỉ cần 2 triệu lượt truy cập cùng lúc thì rất khó để đường truyền đảm bảo được.


Theo phản ánh của nhiều bậc phụ huynh và học sinh, chỉ sau một tuần triển khai năm học mới 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến, không chỉ phụ huynh lo lắng về chất lượng dạy mà ngay cả giáo viên cũng cảm thấy khó khăn về đường truyền Internet hay bị ngắt quãng. Nhiều phụ huynh cho rằng, đường truyền không ổn định, nghe bập bõm chữ được chữ không. Học sinh liên tục nhắn tin hỏi giáo viên nên giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung giảng dạy.


(Ảnh minh họa: Trần Minh)


Bên cạnh đó, sự chuẩn bị và sẵn sàng của giáo viên và học sinh cũng là vấn đề lớn. Năm học trước, nhiều tỉnh, thành cũng đã có giai đoạn ngắn dạy và học theo hình thức trực tuyến nên không còn lạ lẫm, bỡ ngỡ với hình thức này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc học và dạy được trơn tru. Dạy học trực tuyến không phải là hình thức được thực hiện thường xuyên. Vì thế khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều giáo viên vẫn còn lúng túng về kỹ thuật thực hiện. Có nhiều nguyên nhân, song, chủ yếu vẫn là khả năng ứng dụng CNTT vào dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả.


Ngoài ra, mặc dù các em học sinh khá năng động trong việc ứng dụng CNTT để khai thác các bài giảng nhưng trên thực tế, hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất của gia đình cũng sẽ chi phối nhiều đến hoạt động học trực tuyến. Hơn nữa, do đặc thù của học trực tuyến nên việc quản lý nề nếp, ý thức học tập của học sinh không được trực tiếp nên cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập của học sinh.


Đặc biệt, việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này.


Nỗi lo này không chỉ của riêng phụ huynh mà còn là trăn trở của các nhà trường, thầy cô giáo. Nhiều thầy cô giáo cho rằng, một trong những việc khó khăn nhất khi dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 đó là rèn sự tập trung và nề nếp bởi các em vừa ở bậc mầm non lên nên vẫn giữ thói quen cũ, chưa có sự quy củ, tự giác. Chưa kể với hình thức học trực tuyến, giáo viên không thể kiểm soát học sinh có thật sự hiểu bài và làm được đúng theo hướng dẫn hay không.


Dù đã chủ động xây dựng các phương án cho việc dạy học trực tuyến nhưng làm sao để việc dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 đạt hiệu quả khi mà các con chưa hề biết mặt chữ, chưa từng được đến trường, chưa làm quen với cô giáo và bạn bè vẫn là điều khiến nhiều giáo viên trăn trở.


Bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới


Năm học mới bắt đầu đã có nhiều giải pháp được áp dụng linh hoạt nhằm đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT cũng cần phải xác định đây không phải là giải pháp tình thế mà sẽ là giải pháp lâu dài và ổn định. Đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, thì hình thức học trực tuyến kết hợp học trực tiếp sẽ là xu hướng tất yếu của thời đại.


Để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ TT&TT khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình 'Sóng và máy tính cho em', hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.


Trước đó, ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.


Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.


Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến; Hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp.


Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TT&TT ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) viễn thông, CNTT nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; Chỉ đạo các DN viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.


Ngoài ra, nhằm bảo đảm để học sinh được học tập thuận lợi nhất có thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT làm việc trực tiếp với các đài truyền hình, kênh truyền hình của Trung ương để rà soát lại độ bao phủ, khả năng dành thời lượng phát sóng các bài giảng truyền hình, các đài địa phương có phương án tiếp sóng để có diện bao phủ tốt nhất, đến nhiều học sinh nhất, kể cả những em có điều kiện học trực tuyến.


'Tinh thần là một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày, nhất là bậc tiểu học', Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục chú trọng giảm tải khi thiết kế các chương trình học trực tuyến, học trên truyền hình, nhất là ở bậc tiểu học theo hướng 'học mà chơi, chơi mà học'; có hướng dẫn chi tiết việc tổ chức giờ giảng trực tuyến tránh hình thức, hời hợt hoặc quá căng thẳng; lồng ghép, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng cho các phụ huynh, nhất là các kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch trong môi trường giáo dục và trong xã hội.


Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp tục nỗ lực bảo đảm công bằng trong giáo dục, không chỉ giữa các vùng miền mà cả những nơi có dịch và không có dịch, nhất là đối tượng học sinh nghèo ở vùng có dịch; vận động, kêu gọi cộng đồng, xã hội hỗ trợ trang thiết bị, công cụ học tập cho học sinh nghèo trong điều kiện có dịch bệnh.


Về phía nhà trường, các trường học cần tăng cường cơ sở vật chất, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Nhà trường, các thầy cô giáo cần phối hợp tốt với phụ huynh học sinh để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em học sinh học tập tại nhà.


Để bảo đảm chất lượng dạy và học, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế còn tồn tại.


Rõ ràng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, dạy và học trực tuyến có thể giúp hiện thực hóa việc 'ngừng đến trường nhưng không dừng học'. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ, chúng ta không nên coi đây là giải pháp tạm thời nhằm ứng phó với dịch bệnh mà cần coi đây là nền tảng cơ bản để hướng tới CĐS mạnh mẽ ngành Giáo dục vì thực tế mô hình học trực tuyến kết hợp học trực tiếp sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai.


Như PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã chia sẻ với VOV: 'Chúng ta cần nhận thức dạy học trực tuyến không phải giải pháp tình thế trong mùa dịch mà phải là phương thức dạy học bắt buộc, đồng hành với dạy học trực tiếp để phát triển năng lực người học trong thời đại ngày nay'.


'Ngành giáo dục nói riêng và hệ thống chính trị nói chung cần có sự đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt để xây dựng hạ tầng, dữ liệu, nâng cao năng lực số cho đội ngũ, thay đổi mô thức quản trị để CĐS thực sự được diễn ra và trở thành nguồn lực quyết định sự tiến bộ về chất cho giáo dục Việt Nam', PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh./.

TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng chỉ thị triển khai giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.

Sẽ sớm có chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ học tập trực tuyến

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa giao Bộ TTTT khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em để kịp thời hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến, thúc đẩy phát triển xã hội số.

Ứng dụng nền tảng công nghệ trực tuyến trong sinh hoạt tôn giáo tại Úc thời kì đại dịch COVID-19

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, đại dịch COVID-19 đã buộc các tín đồ tôn giáo phải ở nhà sau khi đóng cửa các nhà thờ, giáo đường, đền thờ của họ trên khắp nước Úc. Điều này đã khiến các tổ chức tôn giáo tích cực ứng dụng công nghệ trong

Số hóa nhà thờ của giáo hội công giáo ở Đông Âu trong thời đại dịch COVID-19

Số hoá các hoạt động của giáo hội công giáo được bắt nguồn từ việc hạn chế tụ tập vì đại dịch COVID-19. Hầu hết các nhà thờ Kitô giáo đều đứng trên hai cột trụ cộng đoàn và thánh thể. Cả hai đều là nền tảng quan trọng và sẽ có những thay đổi nhất

"Qua hơn 1 năm, những hạn chế của học trực tuyến vẫn chậm khắc phục"

Qua hơn một năm triển khai dạy trực tuyến, chúng ta vẫn đang chậm trong đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, đặc biệt là điều kiện học tập. Đây là khó khăn rất lớn, cần khắc phục với sự nỗ lực của mỗi gia đình và cả hệ thống để có sự ưu

Thúc đẩy chuyển đổi số ứng phó với tác động của dịch Covid-19

Chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 khiến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thúc đẩy nhanh chuyển đổi số. Rõ ràng phải có đề án và kế hoạch tổng thể hơn để hoàn thiện dạy và học nghề trong tình hình mới.

Edtech: Giải pháp CĐS giúp giáo dục biến “nguy” thành “cơ” trong dịch COVID-19

Đại dịch Covid-19 bùng nổ dẫn đến một số thách thức, nhất là việc học từ xa, nhưng cũng mở ra những cơ hội mới cho chuyển đổi số CĐS giáo dục ở các cấp độ khác nhau từ quản trị và quản lý giáo dục đến việc dạy học hàng ngày thông qua các hạ tầng

HOCMAI tặng miễn phí giải pháp toàn diện phục vụ giảng dạy trực tuyến

Ngày 13/9, hệ thống giáo dục Học Mãi HOCMAI trao tặng miễn phí giải pháp toàn diện ICAN Academy. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Chương trình Sóng và máy tính cho em do Bộ TTTT phối hợp với Bộ GDĐT phát động.

THỦ THUẬT HAY

Cách cài đặt tiện ích mở rộng của Chrome trên chính trình duyệt đang dùng

Google Chrome không chỉ phổ biến nhờ khả năng hoạt động ổn định mà còn sở hữu một kho ứng dụng khổng lồ. Tuy nhiên, nếu như bạn đang sử dụng Opera hoặc Firefox thì có thể tham khảo bài viết này để biết cách cài đặt

Tạo báo cáo trong Access 2016 và sử dụng các tùy chọn báo cáo nâng cao

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu các tạo, chỉnh sửa, in báo cáo trong Access 2016 cũng như cách sử dụng các tùy chọn báo cáo nâng cao.

Hướng dẫn khôi phục dữ liệu sau khi restore iPhone

Việc restore lại iPhone là điều rất dễ xảy ra, nhất là khi chúng ta nhập sai mật khẩu mở khóa quá nhiều lần, dẫn đến việc iPhone bị vô hiệu hóa. Vậy có thể lấy lại toàn bộ dữ liệu trên iPhone khi restore được không?

Mẹo hay biến iPhone thành webcam của laptop

Đã bao giờ bạn nghĩ đến chuyện tận dụng camera độ phân giải cao của iPhone thay cho webcam chất lượng dở tệ trên laptop. Bạn có thể sử dụng ứng dụng miễn phí iVCam để làm được điều này. Về cơ chế hoạt động, iVCam giúp

[Thủ thuật] Khóa toàn bộ game, ứng dụng mạng xã hội trên iPhone

Đôi khi chúng ta cần khóa các nhóm ứng dụng như trò chơi, mạng xã hội để không cho trẻ con hoặc bạn bè của mình mượn máy sử dụng.

ĐÁNH GIÁ NHANH

Đánh giá Lenovo Lenovo V310: Lựa chọn tốt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

V310 là chiếc laptop mới nhất của Lenovo tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm hướng đến đối tượng khách hàng là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên được hãng tập trung khá nhiều đến tính năng bảo mật dữ liệu, thời lượng pin

Trên tay Nokia T20: Thiết kế tinh tế, màn hình 2K sắc nét, pin 8.200 mAh, phù hợp cho việc học online của học sinh, sinh viên

Sau nhiều tin đồn đoán thì mới đây, Nokia đã chính thức ra mắt chiếc máy tính bảng mới nhất có tên gọi là Nokia T20. Vậy sản phẩm này có những tính năng gì nổi bật? Hãy cùng Viettel Store trên tay Nokia T20 để khám phá

Đánh giá nhanh Xiaomi Mi Max 3: Màn hình lớn, tuổi thọ pin tuyệt vời

Xiaomi đã thành công trong thị trường điện thoại màn hình lớn và năm nay, họ giới thiệu Mi Max 3 với kích thước màn hình to hơn 6.9 inch. Nhiều người có thể lo ngại vì kích thước lớn như vậy, nhưng với thiết kế màn