1/3 trẻ em đã không thể học từ xa khi trường học đóng cửa
Tại hội thảo trực tuyến 'EduTech - Giải pháp công nghệ đồng hành cùng giáo dục vượt qua đại dịch Covid-19' diễn ra mới đây, đại diện AWS (Amazon Web Services) cho biết báo cáo gần đây của UNICEF cho thấy có ít nhất 1/3 trẻ em trên thế giới, tương đương khoảng 463 triệu trẻ em, đã không thể học từ xa khi các trường học đóng cửa do dịch COVID-19. UNICEF đã cùng với Chính phủ các nước, đối tác của mình khuyến khích tư duy mới, chiến lược mới để bảo vệ những tiến bộ đạt được. Trong kế hoạch hành động hậu COVID-19, UNICEF đã đưa ra những yêu cầu về việc đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong tư duy các vấn đề thực tế như học từ xa trong thời gian nhà trường đóng cửa.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra chủ trương đảm bảo công bằng trong học tập và không để ai bị bỏ lại phía sau. Cụ thể, ở những vùng xanh, trẻ em vẫn tiếp tục được đến trường với những biện pháp đảm bảo về phòng chống dịch, còn ở những vùng đỏ hoặc vùng vàng thì giải pháp là học trực tuyến. 'Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa những hướng dẫn cụ thể, bao gồm các tiêu chí kĩ thuật, chương trình giảng dạy, nội dung học tập… ', đại diện AWS chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Lê Anh Vũ, Giám đốc sáng tạo của CMC Telecom cho biết, hiện ngành giáo dục đang đứng trước những khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Mặc dù công nghệ có thể giải quyết phần nào đó những khó khăn nhưng không phải tất cả, khi mà trong xã hội có đến 30% những người yếu thế, không thể tiếp cận được các ứng dụng công nghệ. Đối với những khu vực này, cần phải triển khai linh hoạt các mô hình, để có thể phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Ngay chính tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ cho việc học trực tuyến tại các địa phương hay chính các trường học cũng rất khác nhau. Do đó, không thể tồn tại một giải pháp công nghệ có thể áp dụng chung cho 63 tỉnh thành mà cần linh hoạt ứng dụng, giải quyết từng vấn đề cụ thể của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, để việc học tập trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất thì phải đảm bảo kết nối an toàn. Do đó, Chính phủ cũng đã đưa ra các chương trình giúp nhà trường, phụ huynh… gặp hoàn cảnh khó khăn, không có máy tính hay kết nối Internet để học tập trực tuyến. 'Đây cũng là những điều kiện cơ bản nhất mà chúng ta phải hỗ trợ cho Edtech, trước khi nói đến những vấn đề cao siêu hơn', ông Vũ chia sẻ.
Khi tiến hành CĐS cho một số trường, CMC Telecom thấy rằng trình độ công nghệ của các thầy cô giáo tại các trường cũng rất khác nhau. Do đó, việc nâng cao kĩ năng cho một tổ chức giáo dục rất quan trọng vì trước khi triển khai công nghệ thì cần phải có người vận hành nó. Ngoài ra cũng cần đào tạo kỹ năng học trực tuyến cho cả các phụ huynh học sinh hay những người hỗ trợ trẻ.
'Do đó, khi triển khai những dự án Edtech, chúng ta phải quan tâm đến quy mô, phạm vi triển khai sao cho đạt hiệu quả cao nhất', ông Vũ nói.
Hội thảo thu hút hơn 100 trường liên cấp, trường đại học hàng đầu cả nước tham gia trực tuyến.
Điện toán đám mây sẽ là nền tảng công nghệ cốt lõi cho CĐS giáo dục
Cũng tại tại hội thảo, theo ông Vũ, để khắc phục những khó khăn này và bắt đầu CĐS, các tổ chức giáo dục cần một hạ tầng 'đám mây' hiện đại, kết nối thông minh. Với kinh nghiệm triển khai thành công cho nhiều đơn vị giáo dục lớn, CMC Telecom sẽ tư vấn và xây dựng lộ trình CĐS tổng thể cho các tổ chức giáo dục từ những bước đầu tiên, xây dựng hệ thống cá biệt hóa theo học sinh-sinh viên từng trường.
Bên cạnh đó, CMC còn kết hợp cùng AWS và các đối tác công nghệ hàng đầu trong nước như OMT để mang lại những giải pháp thiết thực trên nền tảng cloud cho giáo dục và đào tạo trực tuyến tại Việt Nam như hệ thống quản lý và đào tạo trực tuyến, hệ thống tuyển sinh trực tuyến - CRM, giảng dạy trực tuyến - Video Conference, điểm danh thông minh - AI Camera …
Theo đại diện AWS, tại Việt Nam, đơn vị này đang triển khai 2 chương trình liên quan đến Edtech, đầu tiên là chương trình tự học miễn phí Amazon Educate. Chương trình cung cấp quyền truy cập vào các nội dung đào tạo có lộ trình, giúp cho giảng viên, học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng về nghề nghiệp trong các lĩnh vực. Chương trình thứ 2 là chương trình Amazon Academy, hướng đến các trường đại học, giúp giảng dạy về điện toán đám mây cho sinh viên.
'Thông qua chương trình này này, các sinh viên có thể học và theo đuổi các chứng chỉ được công nhận trên toàn thế giới về điện toán đám mây', đại diện AWS khẳng định.
Hiện nền tảng đám mây của AWS đang được triển khai cho việc thi trực tuyến tại trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội. Kết quả cho thấy, 94% sinh viên cảm thấy hài lòng khi thực hiện các bài thi trên nền tảng điện toán đám mây của AWS. 'Nền tảng này đang phục vụ 5.000 sinh viên trên tổng số 161 lớp với độ ổn định 99,9%. Nền tảng này có thể mở rộng ra 100% cho các chương trình học tập trực tuyến thay vì chỉ thi online như hiện nay nếu trường Đại học Ngoại ngữ có nhu cầu', đại diện AWS chia sẻ.
AWS cũng đang sở hữu bộ giải pháp kết nối người dùng mà các trường ĐH có thể áp dụng cho việc học trực tuyến như truy cập máy tính để bàn mọi nơi mọi lúc (Amazon Workspace), cung cấp ứng dụng cho mọi máy tính (Amazon AppStream) giúp truy cập phòng lab của trường từ xa, truy cập vào trang web nội bộ của trường thông qua smartphone (Amazon WorkLink) và cuối cùng là giải pháp lưu trữ, truy cập tài liệu trên môi trường cloud (Amazon WorkDocs).
Với lợi thế hạ tầng kết nối và trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế, CMC Telecom cùng AWS và các công ty đối tác đã tạo nên một hệ sinh thái Edtech tối ưu, giúp tổ chức giáo dục CĐS toàn diện.
Hạ tầng điện toán đám mây là hạ tầng quan trọng bậc nhất trong hạ tầng số. Chính vì vậy các tổ chức giáo dục cần tạo được nền tảng khởi đầu vững chắc để CĐS và CMC Cloud chính là nền tảng đám mây hiệu quả, tiết kiệm chi phí giúp các tổ chức giáo dục tránh được tình trạng lãng phí nguồn lực./.