Khoảng một năm trước, Mỹ đã giáng đòn chí mạng khi cấm tất cả các nhà cung ứng công nghệ của Mỹ bán hàng cho Huawei nếu không có giấy phép, khiến nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài suy đoán rằng liệu Huawei, vốn phụ thuộc vào nhập khẩu chip, có thể tồn tại với lệnh cấm như vậy hay không? Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, hiệu quả kinh doanh của Huawei đã vượt quá mong đợi của thị trường và công ty thậm chí đã sẵn sàng đưa Trung Quốc đi đầu trong việc phát triển công nghệ không dây 6G.
Trên thực tế, bất chấp cuộc đàn áp của Mỹ đối với Tập toàn công nghệ viễn thông Trung Quốc, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi đã nói với các nhân viên của mình rằng hãy 'phá vỡ các giới hạn trên trời' và đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu cho ngành công nghiệp mới nổi này.
Theo một báo cáo của Nikkei Asia, công ty này sẽ tiếp tục phát triển mảng kinh doanh 5G và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời nỗ lực để đảm bảo vị trí dẫn đầu trong công nghệ 6G. Tuy nhiên, công ty cũng thừa nhận ảnh hưởng từ các hạn chế thương mại của Mỹ đối với hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh.
'Nghiên cứu của chúng tôi về 6G là để chuẩn bị chống lại những ngày khó khăn và chúng tôi đặt mục tiêu là giành được bằng sáng chế 6G. Chúng tôi không được đợi cho đến khi 6G trở nên khả thi, vì việc chờ đợi sẽ đặt ra những hạn chế đối với chúng tôi do thiếu bằng sáng chế', ông Nhậm Chính Phi chia sẻ.
Hiện nay, 6G đã trở thành mục tiêu cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn. Công nghệ 6G được xem là một trong những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng và ưu tiên của Trung Quốc từ lâu, trong khi Mỹ và Nhật Bản đang đổ tiền vào phát triển 6G, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ vệ tinh - một trong những điểm mạnh của Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay cả Nhật Bản và Mỹ đều đứng sau Trung Quốc về phát triển và triển khai công nghệ 5G.
Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu 6G vào năm 2030?
Khi Tập đoàn viễn thông Trung Quốc công bố kế hoạch 6G của mình, họ nhắm đến việc tung ra các sản phẩm 6G vào khoảng năm 2030. Mục tiêu không thay đổi nhưng những rào cản để đạt được mục tiêu này đang trở nên đáng chú ý hơn.
Chủ tịch luân phiên của Huawei Eric Xu Zhiju trong lời tựa cuốn sách gần đây được xuất bản trên cộng đồng trực tuyến Xinsheng của Huawei cũng đã thảo luận về những trở ngại có thể xảy ra.
Theo Xu, 6G có môi trường công nghệ phức tạp hơn 5G, với tác động có thể đến từ nhiều công nghệ như điện toán đám mây, blockchain và dữ liệu lớn. Ông tiết lộ rằng Huawei đã bắt đầu đầu tư vào nghiên cứu 6G từ năm 2017 khi họ đang thúc đẩy thương mại hóa 5G.
'Huawei sẽ xác định 5,5G và nghiên cứu đồng thời 6G trong vài năm tới, và đó là một bài kiểm tra của toàn ngành xem liệu 6G có thể vượt qua (công nghệ 5G và 5,5G) hay không', Xu chia sẻ.
Mặc dù vậy, cái bóng của những bất ổn địa chính trị bao trùm việc nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G vẫn có thể dẫn đến việc Huawei bị loại khỏi thị trường nước ngoài trong các sản phẩm 6G.
'Liệu các ngành công nghiệp có thể đạt được kết quả thỏa mãn trong phát triển 6G vào khoảng năm 2030 hay không phần lớn phụ thuộc vào các yếu tố như liệu quá trình xác định 6G có đủ cởi mở hay không, liệu các bên tham gia có đa số hay không và việc trao đổi thông tin có đủ kỹ lưỡng hay không?', Chủ tịch luân phiên của Huawei cũng đưa ra những băn khoăn.
Trong khi Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để giành sự thống trị của 6G, hầu hết thế giới vẫn chưa được trải nghiệm những lợi ích của mạng 5G. Nhiều nhà phân tích cũng đã chia sẻ rằng nếu căng thẳng chính trị trở nên tồi tệ hơn, thì có thể 6G sẽ có hai bộ tiêu chuẩn thay vì một bộ, do đó, có thể làm tăng chi phí kết nối và mang lại tổn thất cho các công ty toàn cầu.
Nhìn chung, sự đối đầu trong những năm gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng nặng nề đến các công ty công nghệ Trung Quốc, tuy nhiên điều đó không ngăn được nước này vươn lên trở thành quốc gia đang dẫn đầu cuộc đua mạng 5G. Trung Quốc hiện có diện tích phủ sóng 5G lớn nhất thế giới và Huawei đã vượt lên trên các đối thủ 5G trên toàn cầu, chủ yếu bằng cách đưa ra mức giá hấp dẫn./.
Theo Tech Wire Asia