Hãy mang những xu thế của thời đại số áp dụng vào ngành xuất bản
Trong 5 năm tới, Bộ TT&TT sẽ tập trung mọi nguồn lực nhằm phát triển văn hóa đọc, tăng mức hưởng thụ xuất bản phẩm/đầu người (không tính sách giáo khoa) tương đương với các nước trong khu vực, đạt chỉ số 4 bản sách/người/năm. Bộ cũng tập trung xây dựng, khôi phục, phát triển mạng lưới cơ sở phát hành xuất bản phẩm tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. 100% tỉnh, thành phố trên cả nước có trung tâm phát hành xuất bản phẩm quy mô lớn, hiện đại; 90% số xã trên cả nước có điểm phát hành xuất bản phẩm theo nhiều hình thức. Tiếp tục xây dựng, hình thành và phát triển mô hình thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ. Phấn đấu 30 - 40% hộ gia đình có tủ sách.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Tháng 5/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã làm việc với lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, đại diện các nhà xuất bản (NXB) để bàn Chiến lược phát triển ngành Xuất bản giai đoạn 2021-2025 cũng như chương trình hành động của Cục Xuất bản, In và Phát hành. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ việc cần làm ngay lúc này của ngành Xuất bản nói riêng và lĩnh vực văn hóa tư tưởng nói chung: 'Cái cần giữ lại, cái bất biến là mục tiêu, là sứ mệnh chứ không phải phương tiện thực hiện. Mục tiêu, sứ mệnh thì vẫn là lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Nhưng phương cách thì cần có những đổi mới. Sách là một khái niệm mở và phát triển. Chế tác và nhân bản sẽ phụ thuộc vào môi trường sống và sự phát triển của khoa học công nghệ. Những đổi mới này, tôi tin là sẽ giúp lĩnh vực Xuất bản thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn'.
Do vậy, Cục Xuất bản của Bộ TT&TT phải là người định hướng, dẫn dắt, tạo ra thể chế và chính sách, tạo ra những nền tảng ban đầu cho sự chuyển đổi này. Các NXB, nhà in, các công ty phát hành sách chính là những người tạo ra tương lai cho sách. Có một cái có thể làm ngay và dễ làm là hãy mang những xu thế của thời đại số, mà nhiều lĩnh vực khác đã áp dụng thành công cả chục năm nay, vào ngành Xuất bản. Nếu chúng ta không làm nhanh thì các công ty công nghệ hoặc các công ty sử dụng công nghệ sẽ thay chỗ của chúng ta, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.
'Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng số, công nghệ đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, những công nghệ ngày nay thay đổi nhanh, và liên tục gần như từng ngày. Mỗi cá nhân hay một dân tộc muốn tồn tại hay phát triển thì chỉ còn cách học - học cả đời, liên tục đọc - đọc cả đời. Do vậy, đây là một quyết định thể hiện sự quan tâm kịp thời và tầm nhìn của Đảng và Nhà nước ta nhằm chấn hưng văn hoá đọc Việt Nam. Có thể coi đây như là một tuyên bố ban đầu để tiến tới một chiến lược sách quốc gia hoặc một luật về khuyến đọc Việt Nam', Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.Kết nối người làm sách, tác giả tới bạn đọc qua mạng xã hội
Để cụ thể hóa chủ trương, chiến lược nêu trên, nhiều NXB, công ty phát hành sách, người làm sách, tác giả đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Đặc biệt là việc tăng cường kết nối giữa nhà xuất bản, đơn vị làm sách, công ty phát hành sách và tác giả với bạn đọc thông qua mạng xã hội đang là xu thế tất yếu của thời đại, của những người làm sách hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam cho rằng: Trong công cuộc CĐS và cuộc CMCN 4.0 hiện nay thì mạng xã hội là cầu nối rất quan trọng giúp những người làm xuất bản, phát hành, tác giả tương tác với nhau thông qua mạng xã hội để đem đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích, những xuất bản phẩm có chất lượng cao.
Xác định được tầm quan trọng của cuộc CMCN 4.0 và CĐS trong lĩnh vực Xuất bản, với tinh thần tiên phong và không ngừng cải tiến, chúng tôi đã tiên phong trong nhiều hoạt động như đơn vị thuộc cấp quận đầu tiên có hãng phim, mô hình Book café đầu tiên, và để rồi năm 2016 tạo nên một bước đột phá trong ngành sách với thành phố sách Phương Nam (Phuong Nam Book City). Cho đến nay chúng tôi đã có 5 thành phố sách đẹp và hiện đại tại các tỉnh thành lớn. Thành phố Sách Phương Nam không đơn thuần là nơi bán sách và văn hóa phẩm, mà là nơi để nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau trải nghiệm một không gian văn hóa đa chiều, đa tiện ích, ông Hoạt cho hay.
Ông Hoạt cũng cho biết thêm: Để đáp ứng và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu ngày càng tinh tế và khắt khe của khách hàng, của bạn đọc, bên cạnh chuỗi nhà sách trải dài cả nước, bên cạnh mô hình Phương Nam Book City hiện đại nâng tầm trải nghiệm đọc cho khách hàng, chúng tôi còn tham gia mạnh mẽ vào tiến trình CĐS và tăng cường sự tương tác giữa những người làm sách, tác giả với bạn đọc thông qua mạng xã hội.
'Chúng tôi đã tập trung nâng cấp với website thương mại điện tử (TMĐT) nhasachphuongnam.com nhằm xóa mờ ranh giới online, offline, tạo nên trải nghiệm liền lạch và xuyên suốt và phục vụ khách hàng liên tục 24/7; đầu tư thiết kế, đảm bảo tính nổi bật, tính tương tác và thu hút người xem, các chỉ dẫn trên website thuận tiện cho người truy cập; Tích cực quảng cáo thương hiệu của công ty trên các mạng xã hội như: facebook, zalo, fanpage,.... Bên cạnh đó, là ứng dụng chăm sóc khách hàng KOMO+, ứng dụng này không chỉ giúp khách hàng tích điểm, được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời mà còn để khách hàng đọc ebook mọi lúc mọi nơi. Đó còn là ứng dụng sách nói audio book chúng tôi đang trong quá trình phát triển và dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2021 này... Đặc biệt, Phương Nam Book City đang tích cực, chủ động tham gia vào công cuộc CĐS quốc gia và của ngành Xuất bản, không ngừng tiên phong, đổi mới... tất cả vì mục đích cuối cùng, để lan tỏa văn hóa đọc, để người Việt đọc nhiều, đọc nhiều hơn nữa', ông Hoạt chia sẻ.
Trong khi đó, ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty Sách Omega Việt Nam thì nhận định: Ngành Xuất bản nói chung mà mỗi đơn vị làm xuất bản nói riêng cần bám sát xu hướng của thời đại và nắm lấy nó để tạo ra cơ hội cho mình bằng cách xuất bản kịp thời những ấn phẩm mà dư luận đang quan tâm. Chuẩn bị trước cho các xu hướng, các sự kiện hàng năm. Xu hướng càng lớn, sự kiện càng quy mô thì việc chuẩn bại càng phải lâu dài.
Theo ông Đại, đứng trước xu thế mới, ngành Xuất bản Việt Nam cũng như các NXB, đơn vị làm xuất bản, phát hành cần chủ động tìm cho mình hướng đi mới, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đang đặt ra. Trong cuộc CMCN 4.0 hiện nay, vai trò của mạng xã hội đối với các NXB, đơn vị làm sách, phát hành sách và tác giả có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo sức lan tỏa tới bạn đọc.
Hiện Công ty Sách Omega Việt Nam đẩy mạnh sự tương tác giữa đơn vị, và tác giả với mạng xã hội để đưa tới độc giả nhiều thông tin bổ ích về các sản phẩm của đơn vị làm ra. 'Chúng tôi tập trung Marketing sản phẩm và Marketing bán hàng. Đối với Marketing sản phẩm khai thác các chất liệu nội dung và sử dụng một loạt công cụ truyền thông như: tuyên truyền trên báo chí, diễn đàn, website, Facebook, youtube, Instagram, zalo... để giới thiệu về cuốn sách/bộ sách đến với độc giả/tập khách hàng. Đối với Marketing bán hàng gắn với việc định giá, xây dựng chính sách bán hàng, chương trình khuyến mại, quảng cáo, sự kiện, sử dụng các mạng xã hội... để tiếp cận trực tiếp khách hàng nhằm mục đích đưa sản phẩm tốt nhất đến độc giả', ông Đại cho biết thêm.
Đối với NXB Kim Đồng, ông Đặng Cao Cường, Phó Trưởng ban Biên tập Truyện tranh chia sẻ: Các bạn trẻ hiện nay thường ít xem tivi hay nghe Radio mà chủ yếu dùng Internet và trao đổi, chia sẻ về cuộc sống trên các trang mạng xã hội... Trong đó Facebook chiếm số lượng người dùng đông nhất. Và NXB đã tận dụng Facebook làm kênh truyền thông chính cho mảng sách truyện tranh Manga.
Phó Trưởng ban Biên tập Truyện tranh NXB Kim Đồng cho biết: Trang fanpage NXB Kim Đồng trên facebook sau 8 năm thành lập đã trở thành trang có nhiều thành viên tham gia nhất trong số các đơn vị xuất bản với gần 900.000 thành viên và con số này vẫn tăng từng ngày. Nhiều cuộc thi, sự kiện xoay quanh truyện tranh được tổ chức trên Facebook đã thu về một lượng bài không nhỏ từ các độc giả trên khắp cả nước.
Tiêu biểu có cuộc thi viết 'Doraemon trong tôi', cuộc thi 'Thử tài vẽ Miu', 'Cùng Nobita thám hiểm vùng đất mới' tạo hiệu ứng truyền thông không nhỏ trong cộng đồng người hâm mộ truyện tranh... Gần đây nhất là sự kiện Kim Đồng Comics 99 Tournament Season 1 - Một cuộc bình chọn của độc giả để tìm kiếm xem đâu là series Manga được yêu thích nhất - đã tạo cơn sốt chưa từng có với hàng triệu lượt truy cập mỗi tuần, tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng Fan truyện tranh trong và ngoài nước. Sự kiện được cho là đã góp phần tạo bầu không khí sôi động, an toàn, tươi mới trong suốt giai đoạn dịch COVID ảm đạm từ đầu năm...ông Cường chia sẻ.
Ngoài ra, NXB đề cao việc thu thập phản hồi từ độc giả và thị trường thông hòm thư góp ý thông qua email, website, Facebook, Zalo... để kịp thời rút kinh nghiệm cũng như phát huy thế mạnh đã có. Bộ phận biên tập thông qua đó sẽ rút kinh nghiệm để sách có chất lượng tốt hơn, bộ phận truyền thông cũng thu thập được nhiều thông tin xoay quanh trào lưu, xu hướng đang gây sốt, những thói quen và sở thích mới, để từ đó có cách tiếp cận mới mẻ, hợp thời và được hưởng ứng, ủng hộ, ông Cường cho biết thêm./.