Trưởng nhóm nghiên cứu và là Giáo sư Tâm lý học tại Đại Học Bang San Diego Jean M.Twenge cho biết, những thanh thiếu niên thường dán đôi mắt vào smartphone hoàn toàn không hạnh phúc.
Càng gắn bó với màn hình, trẻ em càng “bất hạnh”
Để nghiên cứu mối liên kết vừa nêu trên, Twenge cùng với các đồng nghiệp Gabrielle Martin tại SDSU và W. Keith Campbell thuộc Đại Học Georgia đã thu thập dữ liệu bằng Monitoring the Future (mtF) - một cuộc khảo sát mang tính toàn quốc với hơn một triệu học sinh lớp 8, lớp 10 và lớp 12 ở Mỹ.
Tại cuộc khảo sát, học sinh được hỏi về tần suất dành thời gian cho điện thoại, máy tính bảng và máy tính cũng như các hoạt động tương tác xã hội trong thời gian rảnh rỗi và niềm vui của chúng.
Nhìn chung, khảo sát nói lên rằng, thanh thiếu niên ngồi hàng giờ liền trước màn hình để chơi game, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, nhắn tin và chat video sẽ không hạnh phúc bằng những người đầu tư nhiều thời gian hơn cho các hoạt động không liên quan đến màn hình như thể thao, đọc báo/tạp chí hay tương tác xã hội theo hình thức mặt đối mặt.
Theo Twenge, thời gian màn hình được bật sáng đang gây ra nhiều “bất hạnh”. Cô là tác giả của cuốn sách “iGen: Vì sao ngày nay những đứa trẻ kết nối với công nghệ quá mức đang trưởng thành theo cách chịu đựng nhiều hơn là nổi loạn, ít hạnh phúc hơn và hoàn toàn chưa được chuẩn bị cho tuổi trưởng thành”.
“Mặc dù nghiên cứu này không cho thấy mối quan hệ nhân quả, một vài nghiên cứu khác đã chỉ ra: Càng sử dụng nhiều phương tiện truyền thông xã hội sẽ càng không hạnh phúc, nhưng ở chiều ngược lại, nỗi buồn không đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều phương tiện truyền thông xã hội”, Twenge chia sẻ.
Những thanh thiếu niên hạnh phúc nhất sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số ít hơn một giờ mỗi ngày. Sau cột mốc ấy, niềm vui sẽ giảm dần, đó là những gì mà các nhà nghiên cứu đã báo cáo trên tạp chí Emotion.
Hãy hạn chế dùng điện thoại
“Chìa khóa để tạo ra niềm vui với phương tiện truyền thông kỹ thuật số là hạn chế sử dụng. Cần đặt mục tiêu không dùng chúng quá 2 giờ mỗi ngày.
Thay vào đó, hãy gia tăng những khoảnh khắc gặp mặt bạn bè ngoài đời và tập thể dục - 2 hoạt động này liên quan đến hạnh phúc nhiều hơn”, Twenge tiếp tục làm rõ quan điểm.
Nhìn vào xu hướng trong lịch sử với các nhóm tuổi tương tự từ những năm 1990, các nhà nghiên cứu nhận thấy, sự gia tăng của những thiết bị sử dụng màn hình theo thời gian trùng hợp với sự suy giảm niềm vui ở trẻ em Mỹ.
Cụ thể, sự hài lòng trong cuộc sống, lòng tự trọng và niềm hạnh phúc đã giảm mạnh sau năm 2012. Đó là năm mà tỷ lệ người Mỹ sở hữu một chiếc điện thoại thông minh tăng lên đến hơn 50%.
'Tính đến nay, thay đổi lớn nhất trong cuộc sống của thanh thiếu niên giữa năm 2012 và năm 2016 là thời gian họ sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đã gia tăng, đồng nghĩa với việc thời gian dành cho hoạt động xã hội và giấc ngủ giảm xuống.
Smartphone ra đời là lời giải thích hợp lý nhất cho sự suy giảm đột ngột của trạng thái hạnh phúc ở thanh thiếu niên”, Twenge chốt lại vấn đề.
Tech Funny