Tại hội nghị F8 diễn ra hồi tháng 4, Abrash từng nói: 'Không cần biết VR có tốt tới đâu, liệu bao nhiêu người sẽ có thể cảm thấy thoải mái khi tương tác xã hội với một ai đó mà họ không thể thấy tận mắt ngoài đời và sự chấp nhận của xã hội là một yêu cầu tuyệt đối đối với bất cứ thứ gì mà chúng ta đeo khi đi ra ngoài.'
Mặc dù VR có khả năng liên kết con người với nhau xuyên lục địa, truyền tải những trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ theo một cách đắm chìm hơn nhưng những chiếc kính đeo đầu cồng kềnh trông thật khó coi. Phần cứng VR thường có quai đeo và hệ thống thấu kính, màn hình rất dày đã phân tách vật lý người dùng và thế giới thật. Việc đeo một chiếc kính VR giống như tự nguyện bịt mắt, cảm giác không dễ chịu, dễ bị tổn thương và chưa nói là kỳ quặc.
Làm thế nào để một sản phẩm khiến người dùng 'cảm nhận được' là điều rất khó để định lượng chứ chưa nói đến chuyện thiết kế. Tuy nhiên đây là khía cạnh rất quan trọng tạo nên sự thành công của bất kỳ sản phẩm nào. Abrash biết điều này, Oculus biết, Facebook biết và nhiều nhà sản xuất công nghệ lớn khác như Google, Apple và HTC đều biết. Đây cũng là một lý do khiến AR mới là tương lai thay vì VR.
Abrash nói: 'Chúng ta đều biết thứ chúng ta thật sự muốn: những chiếc kính AR. Thế nhưng chúng vẫn chưa có mặt và khi chúng xuất hiện, chúng sẽ là một trong những công nghệ làm thay đổi thế giới trong 50 năm tới.'
Thế nhưng nói như vậy không có nghĩa VR sẽ sớm biến mất trên thị trường. Trên thực tế, các nhà sản xuất VR lớn đã bắt đầu chuẩn bị cho một tương lai mà ranh giới giữa VR và AR sẽ bị xóa nhòa. Khi đó những chiếc kính đeo đầu bằng nhựa dày sẽ biến thành cặp kính mắt với tròng kính trong suốt, lịch sự, trình chiếu thế giới ảo đè lên thế giới thật trước mắt với tùy chọn có thể chặn thế giới thật hoàn toàn để mang lại trải nghiệm đắm chìm hơn.
Trong năm 2017, VR đã chứng minh vị thế của mình khi ngành công nghiệp này được kỳ vọng sẽ tạo ra lợi nhuận đến 2,2 tỉ USD và hiện tại có 3 dòng kính thực tế ảo phổ thông trên thị trường. Điều đáng chú ý là Sony hiện tại đang dẫn đầu với 2 triệu chiếc kính PlayStation VR được bán ra kể từ thời điểm công bố hồi cuối năm ngoái, vượt qua cả doanh số bán của Oculus VR lẫn HTC Vive, từ đó chiếm 50% phị phần tính đến Q3 2017 trong khi Oculus Rift nắm 21% và HTC Vive rớt xuống còn 16%.
Tuy nhiên, doanh số bán VR trên các hệ máy console hay máy tính vẫn không thể cạnh tranh với doanh số của các thiết bị VR cho điện thoại di động như Google Cardboard, Daydream View hay Samsung Gear VR. Google đã bán được hơn 10 triệu chiếc Cardboard kể từ năm 2014 và doanh số của Daydream cũng đạt từ 2 đến 3,5 triệu chiếc bán ra trong năm nay. Trong khi đó Samsung cũng đang trên đà tăng trưởng rất tốt với 6,7 triệu chiếc Gear VR được bán ra trong năm 2017.
Tại sao kính VR cho điện thoại lại bùng nổ thì một trong những lý do là khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với loại thiết bị này cao hơn so với HTC Vive hay Oculus Rift. Vive và Rift không chỉ có giá bán cao, chẳng hạn Daydream View có giá chỉ 100 USD trong khi Rift đến 400 USD, mà để sử dụng loại kính này đòi hỏi người dùng phải đầu tư những chiếc máy tính có cấu hình đủ mạnh, do đó chi phí ban đầu để trải nghiệm VR có thể đội lên hàng ngàn đô.
Thế nhưng tất cả có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới khi thế hệ kính VR thứ 2 sắp sửa được tung ra thị trường. Những chiếc kính này sẽ ít dây nhợ hơn cũng như có thể hoạt động độc lập mà không cần đến máy tính.
Hiện tại Oculus đang phát triển 2 chiếc kính VR độc lập gồm Go và dự án Santa Cruz. Go là một chiếc kính VR không dây với mức giá bán từ 200 USD và dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2018. Trong khi đó dự án Santa Cruz là một dự án đầy tham vọng của Oculus nhằm tạo ra một chiếc kính VR chạy độc lập với đầy đủ các tính năng theo dõi vị trí và mang lại 6 góc độ tự do (6DoF) cho phép người đeo chuyển động tự nhiên hơn trong không gian kĩ thuật số. Santa Cruz dự kiến sẽ được chuyển đến tay các lập trình viên vào cuối năm tới.
HTC và Sony cũng đang chuẩn bị cho làn sóng VR thứ 2. HTC có Vive Focus - một chiếc kính đeo 6DoF tương tự như Santa Cruz vừa được hãng điện tử Đài Loan ra mắt tại Trung Quốc trong tháng này với giá bán 600 USD. Trong khi đó Sony âm thầm cải tiến chiếc kính PlayStation VR và phát hành phiên bản cập nhật hỗ trợ HDR tại Nhật hồi tháng 10 nhưng vẫn dùng dây. Riêng Google thì đang hợp tác với HTC Vive và Lenovo để phát triển 2 chiếc kính hoạt động độc lập.
Mặc dù không còn nhiều dây như các phiên bản kính VR trước nhưng loạt kính thế hệ 2 này vẫn to và bít bùng, chắn toàn bộ tầm nhìn thực tế của người dùng. VR vẫn thiếu đi sự lịch sự khi đeo và yếu tố này khiến những hãng công nghệ lớn như Apple vẫn chưa có ý định tham gia. Apple vẫn chưa thể hiện mong muốn phát triển phần cứng VR dù đã có nhiều tin đồn cho rằng hãng đang nghiên cứu một chiếc kính AR dự kiến ra mắt vào năm 2019.
CEO Apple, Tim Cook từng nói: 'Cá nhân tôi nhìn nhận tăng cường thực tế có tiềm năng lớn hơn so với thực tế ảo, khả năng là vì nó cho phép chúng ta ngồi đó và hiện hữu thực sự khi nói chuyện với nhau nhưng đồng thời có thêm các yếu tố trực quan để cả 2 người có thể nhìn thấy.'
Không giống như Apple, Microsoft từ đó đến giờ không ngại đưa các sản phẩm thử nghiệm đến với công chúng. Tuy nhiên sự hiện diện của Microsoft trên thị trường VR vẫn chưa nhiều, hãng chỉ cung cấp hay chính xác hơn là giới thiệu một vài mẫu kính VR được gọi là Mixed Reality (MR) do các đối tác OEM của mình phát triển dành riêng cho hệ sinh thái Windows. Microsoft có chiến lược khá rõ ràng với MR khi loại thiết bị này kết hợp giữa những đặc điểm của AR và VR, tạo ra nền tảng cho cả 2 hệ sinh thái để tồn tại song song. Trong tương lai gần, Microsoft dường như quan tâm nhiều hơn về AR khi hãng này vẫn tập trung vào HoloLens.
Ford sử dụng HoloLens trong thiết kế xe.
HoloLens là chiếc kính AR đắt tiền nhất hiện nay với mức giá bán 3000 USD được Microsoft công bố từ năm 2015. HoloLens chủ yếu đánh vào thị trường doanh nghiệp và hiện đang được bán tại 39 quốc gia và được sử dụng bởi rất nhiều công ty lớn như Ford và tập đoàn khổng lồ ThyssenKrupp của Đức với 670 công ty con. Thế hệ HoloLens tiếp theo dự kiến sẽ được ra mắt vào năm 2019 và nó được cho là sẽ tích hợp hệ thống AI tiên tiến giúp cải thiện năng lực nhận diện giọng nói và vật thể.
Gần đây hơn là Magic Leap - công ty này đã âm thầm phát triển kính AR trong nhiều năm qua và hãng đã lên kế hoạch tung chiếc kính MR đầu tiên của mình là Magic Leap One vào năm tới với giá bán chưa được tiết lộ. Phiên bản hoàn thiện của chiếc kính này nhỏ gọn hơn nhiều so với những chiếc kính VR hay AR hiện có trên thị trường nhưng nhìn chung vẫn sẽ biến người đeo thành 'sinh vật lạ' khi đi ra ngoài.
Ứng dụng AR của IKEA.
Nếu thị trường phần cứng AR phát triển chậm chạp thì mảng phần mềm ngược lại đang phát triển bùng nổ trong những năm trở lại đây. Những ứng dụng khai thác AR như Pokemon GO đã góp phần không nhỏ đưa AR đến với người dùng phổ thông và mang lại sự hình dung cơ bản cho chúng ta về một thế giới số nơi thực ảo được lồng ghép vào nhau như thế nào. Các ông lớn cũng tạo điều kiện cho AR cất cánh khi Apple tung ARKit cho phép lập trình viên phát triển ứng dụng AR cho iOS, trong khi đó Google cũng đã có ARCore, Microsoft có Mixed Reality Capture Studios và Mixed Reality Academy.
Bên cạnh phần mềm, những cải tiến về AR cũng đã được đưa vào các thiết bị di động. Với thế hệ iPhone và Pixel mới, cả Apple và Google đều nhấn mạnh về những khả năng của AR trên điện thoại với một loạt các ứng dụng mua sắm, giải trí, dịch thuật và game. Facebook cũng đang tiến hành tích hợp AR vào các nền tảng của mình đồng thời ra mắt mạng xã hội thực tế ảo Spaces.
Mặc dù VR và AR phát triển theo 2 con đường khác nhau nhưng cả 2 đều đi đến một kết luận đó là sự kết hợp giữa VR và AR giúp con người trở nên thông minh hơn, mở rộng những khả năng và hiểu biết nhiều hơn. Nghe hơi giống với tham vọng của Microsoft đối với Mixed Reality - thực tế hỗn hợp.
Tương lai của AR hay MR nói chung gắn bó chặt chẽ với tương lai của trí thông minh nhân tạo (AI). Khi ngành công nghiệp AI tiến bộ hơn, các lập trình viên sẽ có thể đưa nhiều tính năng xử lý của AI hơn vào những chiếc kính nhỏ gọn hơn. Đến lúc đó, chúng ta sẽ khó mà phân biệt được giữa tầm nhìn thực và tầm nhìn AR.
Abrash nói: '20 hay 30 năm tới, tôi dự đoán rằng thay vì đem chiếc smartphone đi khắp nơi thì chúng ta sẽ đeo những chiếc kính tối tân. Chúng sẽ mang lại trải nghiệm VR, AR hay hỗn hợp và chúng ta sẽ đeo nó cả ngày, sử dụng trong mọi khía cạnh cuộc sống. Sự khác biệt giữa AR và VR sẽ biến mất.'
Theo: Engadget