Bằng cách sử dụng CPU được Intel tùy biến riêng, SSD được chế tạo độc quyền cho iMac Pro hay các giải pháp nhà làm như con chip bảo mật T2, Apple đã có thể 'nhét' được một cấu hình siêu mạnh vào một thân máy mỏng nhẹ, ít tốn điện. Đứng ở góc nhìn kỹ thuật mà nói, việc tạo ra iMac Pro là một kết quả rất xuất sắc, cho dù tính thực tiễn và nhu cầu của người dùng với nó là một cái gì đó cần cân nhắc.
Nếu bạn cảm thấy dài quá, không cần đọc phía dưới, đây là phần tóm tắt:
- Apple đã có thể nhét được một con CPU ăn 140W điện, một con GPU ăn 175-225W điện, một màn hình 5K vào một thân máy nhỏ gọn, và sử dụng nó với bộ nguồn 500W
- RAM, CPU, ổ lưu trữ đều có thể nâng cấp.
- Chỉ RAM là RAM EEC tiêu chuẩn, các thành phần khác đều là tùy biến riêng và có thể sẽ khá khó để nâng cấp trong thời gian đầu
- SSD mà Apple sử dụng có tốc độ ghi nhanh hơn khoảng 30% so với tốc độ đọc, lý do là họ đã tạo ra một giải pháp lưu trữ thật sự thông minh, nó lai giữa RAID 0 và RAID 1 và cần một con chip điều khiển riêng cho việc đó.
Quay trở lại với iMac Pro, để phân biệt nó với phiên bản iMac thường thì các bạn chỉ việc nhìn vào màu sắc, nó có màu đen trong khi iMac thường là màu bạc. Ngoài ra thì các khe hút gió, các lỗ hơi của iMac Pro cũng đều lớn hơn phiên bản thường. Nếu bạn mua iMac Pro thì chúng ta không thể tùy chọn bàn di trackpad hay chuột, mà chỉ có thể chọn mua thêm bàn di vì chuột trong hộp là không thể thay đổi. Cá nhân mình ghét con chuộc Magic Mouse, và rất quen với việc dùng trackpad nên đây là một điểm trừ.'
Với mức giá 4999$ ở thị trường Mỹ hay 7288$ Sing, rõ ràng iMac Pro là một sản phẩm rất mắc tiền, nó có cấu hình như sau:
CPU:
CPU Intel Xeon W tùy biến riêng 2140B, hoạt động ở xung nhịp 3200MHz và TurboBoost lên tối đa 4.2GHz.
Thực tế thì bạn lựa chọn con chip 10 nhân Xeon W 2150B thì sẽ là con chip tối ưu nhất về cả khả năng sử dụng đa nhân, đơn nhân và chi phí sử dụng trên iMac Pro 2017. Con chip 10 nhân có xung 3GHz cho 10 nhân, TurboBoost lên 4.5Ghz để giải quyết bài toán đơn nhân. Giá Apple tính cho con 2150B cao hơn 2140B là 800 đô la Mỹ.
Những con CPU dùng trên iMac Pro mà Intel tùy biến theo yêu cầu của Apple đều có xung nhịp thấp hơn con Xeon W nguyên bản, để tiết kiệm điện hơn. Ví dụ như con Xeon W 2140 có xung nhịp 3.2GHz/4.2GHz trong khi nguyên bản W2145 là 3.7GHz và 4.5GHz. Do vậy nếu bạn thay con CPU nguyên bản do Intel bán lẻ trên thị trường thì có khả năng hiệu năng hoặc sự ổn định của hệ thống bị giảm.
RAM:
32GB RAM EEC DDR4 2666MHz chia làm 4 thanh, có nhiều bạn sẽ cười khi nghe 2666MHz vì RAM máy tính chạy 3200MHz, 3600MHz ầm ầm rồi nhưng đây là RAM EEC, RAM với cơ chế sửa lỗi dành cho máy chủ.
RAM này là RAM tiêu chuẩn, có thể nâng cấp nhưng phải do các trạm dịch vụ Apple thực hiện hoặc nâng cấp từ nhà máy. Trên thực tế thì người dùng Việt Nam không cần lo lắng, các anh kỹ thuật viên ở trung tâm bảo hành có thể giúp chúng ta tháo ra thay đổi CPU, RAM, ổ SSD với chi phí chỉ 1-2 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với ở các nước phát triển.
SSD:
Ổ SSD Apple sử dụng vẫn dùng giao tiếp tiêu chuẩn, nhưng được thiết kế riêng để đảm bảo kích cỡ của nó không ảnh hưởng đến các thành phần khác. Đáng chú ý là Apple đã sử dụng tới 2 ổ SSD khác nhau chứ không phải một ổ. Mặc dù thể hiện trên máy chỉ có một nhưng thực thế khi bạn ghi file thì controller điều khiển ổ cứng sẽ thực hiện việc ghi song song trên cả hai ổ đĩa, qua đó đẩy tốc độ ghi file tối đa lên 3500MBps, tức còn nhanh hơn so với đọc khoảng 2700Mbps. Cách hiện thực này sẽ giúp ích rất nhiều cho những ai cần tốc độ, nhưng vẫn đảm bảo độ an toàn của dữ liệu, nó cân bằng giữa RAID 0 (tốc độ gấp đôi, cực kỳ nguy hiểm với dữ liệu) và RAID 1 (mất một nửa dung lượng, dữ liệu an toàn tối đa, tốc độ không đổi).
Apple đã sử dụng một con chip riêng là con chip T2 để mã hóa ổ lưu trữ trên iMac Pro mà không làm giảm hiệu năng của máy. Thế nhưng độc đáo hơn là con chip T2 này đóng luôn vai trò chip điều khiển ổ SSD, qua đó khi tháo máy ra người ta không thể tìm thấy bất cứ thành phần controller nào độc lập. T2 do Apple chế tạo riêng, và công ty này có lẽ là hãng máy tính đầu tiên phổ biến SSD NVMe đến với người dùng phổ thôpng, kể cả trên iPhone hay MacBook thì Apple cũng đều dùng Controller riêng do họ tự làm nên họ có quá nhiều kinh nghiệm trong việc này.
GPU:
Mac đã dùng GPU kém từ quá lâu rồi, vì AMD không đưa ra một đối trọng nào đủ sức mạnh để cạnh tranh với nVidia. Rất may là Vega 56 và Vega 64 đã khắc phục được triệt để điểm yếu đó, Vega 56 và Vega 64 là những con chip đồ họa đủ mạnh để cạnh tranh với GTX 1070 và GTX 1080. Thế nhưng GPU mà Apple dùng trên iMac Pro lại không phải là bản RX Vega 56 hay RX Vega 64 cho người dùng thường mà nó là bản Radeon Pro Vega 56 và Radeon Pro Vega 64 cho người dùng chuyên nghiệp.
Hai phiên bản Pro này có hiệu năng chơi game thấp hơn khoảng 15-20% so với bản RX nhưng lại có các driver tối ưu hơn cho xử lý công việc, và nhất là tiết kiệm điện hơn rất nhiều. Radeon Pro Vega 56 chỉ tốn tối đa khoảng 175W còn Pro Vega 64 là 225W, thấp hơn khoảng 20%, qua đó đảm bảo có thể hoạt động đủ với bộ nguồn 500W đi kèm. Đó là chưa kể Pro Vega 64 dùng tới 16GB bộ nhớ HBM2, bộ nhớ đồ họa siêu mắc với giá cao hơn rất nhiều so với GDDR5x. Bộ nhớ này thường chỉ được tận dụng khi bạn dựng video 3D hay VR.
Đến thời điểm này mình vẫn chưa thấy bất cứ một máy nào khác công bố sẽ dùng Radeon Pro Vega 56 cả, còn Pro Vega 64 thì khá tương đồng với AMD Radeon Pro Vega Frontier Edition, phiên bản tản nhiệt khí cũng dùng 16GB RAM HBM2.
Màn hình, nhiệt độ, độ ồn:
Về màn hình thì iMac Pro không khác gì so với iMac thường, vẫn là tấm nền 5K do LG sản xuất, hỗ trợ dải màu DCI-P3 và phủ 91% dải màu Adobe RGB. Trên thực tế thì không có nhiều người chê trách màn hình iMac, nên nó cũng không quá quan trọng trừ khi bạn cần làm việc liên quan đến việc in ấn.
Có một điểm mình cực kỳ ấn tượng với iMac Pro là nó không nóng, dù dùng một cấu hình cực mạnh. Thiết bị của Apple chỉ ấm nhẹ lên khi dùng nhiều, mình chưa thử dụng các video 360 độ hay VR nhưng có lẽ chỉ khi đó thì máy mới nóng. Một phần cũng là vì Apple đã loại bỏ những thành phân không quá quan trọng như ổ cứng 3.5' để làm chỗ cho 2 quạt tản nhiệt siêu lớn, đồng thời hy sinh luôn khe cắm RAM gắn ngoài, tái thiết kế lại các thành phần bên trong để nhận tối đa luồng không khí đi vào. Đó chính là lý do mà khi mở iMac Pro ra các bạn sẽ thấy phần mainboard được quay ngược lại, tiếp túc nhiều nhất với không khí, đồng thời các lỗ thoát khí, các lỗ hút khí cũng được mở rộng ra.
Với cấu hình này, nhét trong một không gian cô đặc và nhỏ như vậy, nhưng mình không thấy tiếng quạt quay làm ảnh hưởng đến việc sử dụng, ít nhất là trong 90% các công việc sử dụng hằng ngày. Mình sẽ thử khi hơn khi dựng và xuất bằng Final Cut Pro X để xem khi đó thì hiệu năng của sản phẩm này thay đổi thế nào, cũng như nó có bị thắt cổ chai bởi nhiệt độ hay không.